Báo chí góp phần hỗ trợ thị trường bất động sản phát triển theo hướng minh bạch


Báo chí không chỉ là kênh cung cấp thông tin, phản ánh, kiến nghị của người dân, của doanh nghiệp bất động sản mà còn góp phần hỗ trợ thị trường bất động sản phát triển theo hướng minh bạch, ổn định hơn.

Báo chí là cầu nối cung cấp các thông tin, nhận định về tình hình thị trường bất động sản.
Báo chí là cầu nối cung cấp các thông tin, nhận định về tình hình thị trường bất động sản.

Thị trường bất động sản ngày càng chứng tỏ vai trò to lớn và quan trọng với nền kinh tế, nhận được sự quan tâm đặc biệt của người dân, nhà đầu tư cũng như các nhà hoạch định chính sách.

Trong những năm qua, đóng góp của hoạt động bất động sản đối với tổng sản phẩm nội địa (GDP) có xu hướng tăng, với giá trị đóng góp trung bình của ngành xây dựng và bất động sản vào tổng GDP cả nước các năm gần đây chiếm khoảng 10%.

Tuy nhiên, đây cũng là một trong những thị trường khó đoán định, thường xuyên thay đổi với sự tham gia của nhiều đối tượng, thành phần. Yêu cầu phải luôn theo sát, cập nhật thông tin mới có thể kiểm soát tốt.

Trong bối cảnh đó, báo chí không chỉ là kênh cung cấp thông tin, lan tỏa những góp ý, phản ánh, kiến nghị của người dân, của doanh nghiệp bất động sản, của cơ quan quản lý Nhà nước, của các tổ chức xã hội nghề nghiệp,... mà còn đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc định hình và phát triển thị trường bất động sản.

Theo bà Phạm Thị Miền - Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu đánh giá thị trường bất động sản Việt Nam, sự minh bạch, trung thực và chuyên nghiệp của báo chí góp phần hỗ trợ thị trường bất động sản phát triển theo hướng minh bạch, ổn định hơn.

Các cơ quan truyền thông, báo chí, đóng vai trò là cầu nối, cung cấp, phổ biến các báo cáo, phân tích, nhận định về tình hình thị trường, bao gồm những thông tin về chuyển động thị trường, xu hướng, cung cầu, giá bán,... Đồng thời là đơn vị phổ biến về cơ chế chính sách, pháp luật của Nhà nước, giúp người dân và nhà đầu tư nắm bắt kịp thời.

"Báo chí cũng là đơn vị điều tra và đưa tin các vụ việc ảnh hưởng tiêu cực tới thị trường bất động sản, liên quan đến lừa đảo, gian lận trong mua bán và đầu tư, giúp bảo vệ người tiêu dùng", bà Miền cho hay.

Bên cạnh đó, báo chí còn đăng tải các phân tích chuyên sâu, dưới góc nhìn đa chiều của các chuyên gia hàng đầu trong ngành, giúp độc giả hiểu rõ hơn về các khía cạnh phức tạp của thị trường, giúp người mua có cái nhìn rõ ràng hơn, góp phần làm tăng cường tính minh bạch, hiệu quả, có tính dự báo đối với thị trường bất động sản Việt Nam.

Theo TS Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, báo chí còn đóng vai trò cộng sinh, là kênh quan trọng để các chủ đầu tư và doanh nghiệp bất động sản giới thiệu, quảng bá các dự án mới đến với khách hàng. Thông qua các bài viết và quảng cáo trên báo chí, doanh nghiệp sẽ được tăng cường mức độ nhận diện thương hiệu và thu hút sự quan tâm của khách hàng tiềm năng.

Ngược lại, thông qua các kênh truyền thông báo chí, khách hàng có thể dễ dàng tiếp cận thông tin về dự án, về doanh nghiệp một cách nhanh chóng, đầy đủ.

"Ngoài ra, báo chí còn hỗ trợ cơ quan quản lý Nhà nước trong quá trình xây dựng chính sách, là cầu nối các chủ thể hoạt động trong thị trường với Nhà nước. Theo đó, báo chí là kênh phản ánh ý kiến và nguyện vọng của công chúng đối với các cơ chế, chính sách liên quan đến lĩnh vực bất động sản, từ đó tác động đến việc hoạch định và điều chỉnh chính sách của Chính phủ", TS Nguyễn Văn Đính cho hay.

Đây cũng là đơn vị tổ chức, phối hợp tổ chức các hội thảo, hội nghị, diễn đàn thảo luận giữa các chuyên gia, nhà đầu tư và Chính phủ về các vấn đề liên quan đến bất động sản, góp phần xây dựng một thị trường lành mạnh và bền vững. Đóng góp tích cực cho Bộ Xây dựng và các bộ, ngành khác trong việc hoàn thiện sửa đổi, bổ sung Luật Kinh doanh bất động sản,... và các văn bản dưới luật như các nghị định, thông tư... liên quan đến thị trường bất động sản.

Thực tế thời gian qua, báo chí đã đồng hành xuyên suốt trong quá trình góp ý các dự thảo Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Nhà ở. Thông qua trang thông tin điện tử của báo, cũng như các hội thảo, tọa đàm, hàng loạt các ý kiến góp ý của các tổ chức, chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, cộng đồng doanh nghiệp, Nhân dân trong cả nước và người Việt Nam ở nước ngoài đã được trực tiếp/gián tiếp đóng góp cho Chính phủ.

Thời gian tới, khi các bộ luật quan trọng này chính thức có hiệu lực, báo chí chắc chắn sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với các cơ quan chức năng, các chuyên gia, đưa thông tin hành lang pháp lý mới của Chính phủ, giúp người dân và nhà đầu tư nắm bắt kịp thời.

TS Nguyễn Văn Đính cho rằng, để phát huy tối đa vai trò của báo chí, góp phần tích cực vào việc định hướng, phát triển thị trường một cách lành mạnh, các cơ quan Báo chí, truyền thông cần “tôn trọng sự thật”, phản ánh một cách trung thực các vấn đề của thị trường.

Các thông tin cần được cập nhật một cách thường xuyên, liên tục, đảm bảo tính thời sự và kịp thời, với các góc nhìn đa chiều, để độc giả có đủ căn cứ nhìn nhận, đánh giá mọi vấn đề một cách chắc chắn.

Theo Hồng Hạnh/thoibaonganhang.vn