Bảo đảm đồng bộ trong kiểm soát an toàn thực phẩm
Để bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP), lực lượng chức năng đã triển khai nhiều giải pháp quyết liệt ngay từ đầu năm, tuy nhiên cho đến nay, tình trạng vi phạm pháp luật về ATTP vẫn diễn ra khá phổ biến.
Từ kiểm tra, giám sát...
Theo báo cáo của Thanh tra Bộ Y tế, trong 6 tháng đầu năm 2018, 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã tiến hành thanh tra, kiểm tra được 351.128 cơ sở, phát hiện 68.362 cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm. Trong đó, phạt tiền 13.017 cơ sở với số tiền phạt 35.464.251.000 đồng.
Đại diện Bộ Y tế cho biết, các nội dung vi phạm chủ yếu được phát hiện trong quá trình thanh tra, kiểm tra là vi phạm về điều kiện vệ sinh cơ sở (trang thiết bị, dụng cụ); vi phạm về con người. Một số cơ sở còn vi phạm về việc ghi nhãn, quảng cáo thực phẩm, thực phẩm không bảo đảm chất lượng.
Bên cạnh đó, tại Cục An toàn thực phẩm, trong 6 tháng đầu năm 2018, đã triển khai 9 đoàn thanh tra, kiểm tra về ATTP. Trong đó có 3 đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành theo kế hoạch và 6 đoàn kiểm tra đột xuất về ATTP.
Đồng thời, thực hiện công tác xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh kiến nghị về ATTP; xử lý vi phạm về quảng cáo. Trên cơ sở kết quả thanh tra, kiểm tra và xác minh nội dung đơn thư, Cục An toàn thực phẩm đã ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính 28 cơ sở với tổng số tiền phạt là 1.479.310.000 đồng.
Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia, công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại về ATTP tại nhiều địa phương còn thụ động, xử lý vi phạm chưa kiên quyết, chế tài xử lý các hành vi vi phạm pháp luật cũng chưa bảo đảm tính răn đe.
Thực tế, có đến 80% số đoàn thanh tra, kiểm tra tuyến xã, phường chỉ nhắc nhở, cảnh cáo, hoặc xử phạt mức thấp hơn quy định. Bên cạnh đó, hệ thống giám sát ATTP cấp cơ sở còn lỏng lẻo; lực lượng cán bộ quản lý nhà nước về lĩnh vực ATTP tuyến cơ sở cũng chưa có chuyên môn sâu, đối khi hiểu và áp dụng các văn bản hướng dẫn không đúng; thiếu trang, thiết bị phục vụ công tác lấy mẫu, xét nghiệm.
Năng lực kiểm nghiệm của tuyến cơ sở chưa đáp ứng yêu cầu trong việc giám sát các nguy cơ gây ô nhiễm thực phẩm, nhất là đối với sản phẩm tươi sống.
Bên cạnh những hạn chế về công tác thanh tra, kiểm tra, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế Đỗ Hữu Tuấn cho rằng, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về ATTP chưa được hệ thống hóa với một số quy định thiếu rõ ràng, thiếu cụ thể về phân công trách nhiệm giữa các bộ, ngành và địa phương, dẫn tới một thực tế là tình trạng vi phạm pháp luật về ATTP còn khá phổ biến.
Thực tế, nhiều tổ chức, cá nhân sản xuất và kinh doanh nông sản, thực phẩm vẫn còn nhận thức yếu kém và cố tình vi phạm. Trong khi đó, không ít cơ quan quản lý nhà nước về ATTP tại địa phương còn thờ ơ trước thực trạng này; chưa chú trọng tuyên truyền, phổ biến kiến thức tới doanh nghiệp, người sản xuất cũng như người tiêu dùng.
Theo kết quả điều tra của Cục An toàn thực phẩm, kiến thức của các nhóm đối tượng sản xuất, kinh doanh, chế biến và người tiêu dùng thực phẩm đang được nâng cao đáng kể nhưng “thực hành đúng” về ATTP còn hạn chế.
Để bảo đảm ATTP, Phó cục trưởng Cục An toàn thực phẩm Đỗ Hữu Tuấn cho rằng, cần sự phối hợp đồng bộ để kiểm soát ATTP từ khâu nuôi trồng, sản xuất, kinh doanh, chế biến, bảo quản và tiêu dùng thực phẩm.
Đặc biệt là triển khai đồng bộ các biện pháp từ Trung ương đến địa phương, thực hiện nghiêm Chỉ thị số 34/CT-TTg về việc tiếp tục đẩy mạnh công tác bảo đảm ATTP và phòng chống ngộ độc thực phẩm trong tình hình mới cũng như Chỉ thị số 13/CT-TTg về việc tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về ATTP.
Đồng thời, rà soát, chỉnh sửa, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật đáp ứng yêu cầu quản lý trong điều kiện nền kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế.
Tăng cường công tác truyền thông giáo dục nhằm chuyển đổi hành vi ATTP trong sản xuất kinh doanh thực phẩm bền vững; nâng cao trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm đối với sức khỏe người tiêu dùng.
Đặc biệt, đối với những tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm vi phạm pháp luật về ATTP, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại phải bồi thường và khắc phục hậu quả theo quy định của pháp luật.