Sửa Luật Quản lý thuế:
Bảo đảm nguồn lực cho thực hiện hiện đại hóa ngành Thuế
Việc sửa Luật Quản lý thuế sẽ giúp bảo đảm nguồn lực thực hiện hiện đại hóa ngành Thuế, đồng thời phục vụ tốt nhất người nộp thuế thực hiện nghĩa vụ thuế và để phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội.
Xuất hiện một số hạn chế, vướng mắc
Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 được Quốc hội khóa XIV thông qua ngày 13/6/2019 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2020 (thay thế cho Luật Quản lý thuế số 78/2006/QH11 và các Luật sửa đổi, bổ sung).
Luật Quản lý thuế đã tạo hành lang pháp lý cho việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý thuế nhằm cải cách hành chính; tạo môi trường đầu tư kinh doanh lành mạnh; tạo điều kiện phát triển các thành phần kinh tế, khuyến khích các hộ kinh doanh mở rộng quy mô đầu tư, nâng cao hiệu quả hoạt động trong quá trình hình thành các tổ chức hợp tác, hoặc chuyển đổi hoạt động kinh doanh theo mô hình doanh nghiệp, tạo thuận lợi để mở rộng cơ sở nộp thuế.
Theo đánh giá của Bộ Tài chính, qua 4 năm thực hiện, về cơ bản, các nội dung của Luật Quản lý thuế đã đi vào cuộc sống, tác động tích cực đến nhiều mặt của đời sống kinh tế - xã hội, công tác quản lý thuế, thu thuế ở nước ta đã đạt được nhiều kết quả tích cực, phù hợp với sự vận hành của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Toàn ngành Thuế triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp tăng cường quản lý thu, chống thất thu gắn với đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp; tập trung rà soát quy trình, quy chế, đơn giản hóa thủ tục; triển khai mạnh mẽ ứng dụng công nghệ thông tin. Ngành Thuế cũng chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra; thực hiện tốt các giải pháp thu hồi nợ đọng thuế, kiểm soát chặt chẽ tình hình kê khai, nộp thuế, hoàn thuế, tăng cường công tác tuyên truyền, đối thoại, giải đáp vướng mắc cho người nộp thuế.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Luật Quản lý thuế cũng bộc lộ không ít hạn chế, vướng mắc. Đầu tiên là vướng mắc về cơ chế chính sách, pháp luật liên quan, hiệu lực, hiệu quả quản lý thuế, trách nhiệm công vụ như: những tồn tại, hạn chế trong quy định mức tiền phải trả lãi; quy định về thẩm quyền quyết định hoàn thuế; quy định liên quan đến nguyên tắc quản lý thuế; quy định về hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế trong trường hợp xuất cảnh; quy định về biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế; quy tắc xác định thời gian tính tiền chậm nộp vẫn chưa thống nhất giữa các quy định tại Luật Quản lý thuế hiện hành.
Bên cạnh đó, các quy định của Luật Quản lý thuế có hạn chế trong nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội, chống thất thu thuế, nhất là hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số như: quy định liên quan đến nguyên tắc khai thuế, tính thuế và nguyên tắc lập, quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử; quy định liên quan đến khai thác, chia sẻ dữ liệu giữa cơ quan Thuế với các cơ quan liên quan; quy định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc cung cấp thông tin người nộp thuế.
Luật Quản lý thuế hiện hành quy định Nhà nước bảo đảm các nguồn lực tài chính để thực hiện hiện đại hóa công tác quản lý thuế, tuy nhiên, chưa cụ thể sử dụng nguồn lực nào chủ yếu chi cho công tác hiện đại hóa và cấp có thẩm quyền nào quy định, hướng dẫn để thực hiện trong từng thời kỳ. Do vậy, việc sửa Luật sẽ góp phần đẩy mạnh hiện đại hóa công tác quản lý thuế như triển khai chuyển đổi số, hóa đơn điện tử và nguồn lực thực hiện.
Bảo đảm nguồn lực để hiện đại hóa ngành Thuế
Mới đây, Bộ Tài chính đã công bố lấy ý kiến dự thảo Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Dự trữ quốc gia, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Chứng khoán, Luật Quản lý thuế.
Đối với Luật Quản lý thuế, Bộ Tài chính trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung 12 điều, gồm quy định về: Nguyên tắc quản lý thuế (Điều 5); Hiện đại hóa công tác quản lý thuế (Điều 11); Nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ (Điều 15); Quyền của người nộp thuế (Điều 16); Nguyên tắc khai thuế, tính thuế (Điều 42); Xử lý đối với việc chậm nộp tiền thuế (Điều 59); Hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế trong trường hợp xuất cảnh (Điều 66); Thời hạn giải quyết hồ sơ hoàn thuế (Điều 75); Thẩm quyền quyết định hoàn thuế (Điều 76); Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc cung cấp thông tin người nộp thuế (Điều 98); Trường hợp bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế (Điều 124); Biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế (Điều 125).
Theo Bộ Tài chính, việc điều chỉnh chính sách nhằm thực hiện Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; các giải pháp trọng tâm tại Nghị quyết số 93/NQ-CP ngày 18/6/2024 của Chính phủ, trong đó quyết liệt triển khai chuyển đổi số, quy định về hóa đơn điện tử, nhất là đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số trong thu, chi ngân sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý thu, chi ngân sách nhà nước; bảo đảm thu đúng, thu đủ, thu kịp thời.
Đây là quy định để bảo đảm nguồn lực cho thực hiện hiện đại hóa ngành Thuế để phục vụ tốt nhất cho việc thực hiện nghĩa vụ thuế của người nộp thuế phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ để thực hiện nhiệm vụ, nguồn thu ngân sách nhà nước hằng năm được Quốc hội giao.
Việc sửa Luật Quản lý thuế sẽ cụ thể hóa sử dụng nguồn lực chủ yếu chi cho công tác hiện đại hóa và cấp có thẩm quyền nào quy định, hướng dẫn để thực hiện trong từng thời kỳ; bảo đảm nguồn lực cho thực hiện hiện đại hóa ngành Thuế để phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ để bảo đảm nhiệm vụ, nguồn thu ngân sách nhà nước hằng năm được Quốc hội giao.
Đồng thời, góp phần phục vụ người người dân, doanh nghiệp, các tổ chức có liên quan được nhanh chóng, thuận lợi, thân thiện, an toàn, bảo mật, tránh tác động chủ quan từ công chức thuế… được thực hiện trên cơ sở trang thiết bị hiện đại, ứng dụng công nghệ mới được liên tục cập nhật.