Bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng trong môi trường số

Theo Trung Hưng/nhandan.vn

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng cùng với sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế số, các đại biểu Quốc hội cho rằng, cần tiếp tục hoàn thiện thể chế để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, nhất là những người yếu thế, dễ bị tổn thương trong quá trình tham gia vào các giao dịch mua bán thương mại.

Quang cảnh thảo luận tại Tổ 7 sáng 2/11.
Quang cảnh thảo luận tại Tổ 7 sáng 2/11.

Huy động tổ chức xã hội tham gia bảo vệ người tiêu dùng

Thảo luận tại Tổ 7 về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) sáng 2/11, các đại biểu đều thống nhất với sự cần thiết phải sửa đổi Luật. Đại biểu Đặng Bích Ngọc (Hòa Bình) nhấn mạnh, trong gần 12 năm thực thi, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã hướng tới bảo vệ quyền con người, quyền của người tiêu dùng trong quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng và xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của nước ta.

Đại biểu cho rằng, với nhiều phương thức kinh doanh, tiêu dùng mới ra đời và phát triển, yêu cầu cấp thiết đòi hỏi phải sửa đổi Luật cho phù hợp với sự phát triển hiện nay, nhằm bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật phù hợp sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế số, thương mại điện tử.

Bày tỏ đồng tình với việc bổ sung phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng “Hoạt động của tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng”, đại biểu Đặng Bích Ngọc cho biết, thực tiễn thời gian qua, rất nhiều thành viên của các tổ chức xã hội đã tham gia vào quá trình mua bán, trao đổi hàng hóa, với số lượng thành viên các tổ chức ngày càng tăng.

Đại biểu Đặng Bích Ngọc (Hòa Bình) phát biểu thảo luận. Ảnh: Thủy Nguyên
Đại biểu Đặng Bích Ngọc (Hòa Bình) phát biểu thảo luận. Ảnh: Thủy Nguyên

“Chính vì vậy, việc bổ sung vào phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng có ý nghĩa rất quan trọng, giúp cho các tổ chức xã hội được chính thức tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, trong đó có các thành viên của tổ chức mình”, đại biểu Đặng Bích Ngọc nhấn mạnh.

Đại biểu cũng nêu rõ, hiện nay, hoạt động của các Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng còn nhiều khó khăn, trong đó nổi bật là vấn đề cơ chế bảo đảm kinh phí, nguồn lực và tham gia các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của Hội.

Bên cạnh đó, chưa có những cơ chế phối hợp và huy động sự tham gia trong công tác này của các tổ chức chính trị xã hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh...

Do đó, đại biểu đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định phân công rõ đầu mối, nhiệm vụ cho Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, cũng như xây dựng cơ chế phối hợp phù hợp để tạo điều kiện cho các tổ chức xã hội. Trong đó, cần làm rõ vai trò, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Đại biểu cũng đề nghị ngân sách bảo đảm hỗ trợ kinh phí cho Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức xã hội thực hiện nhiệm vụ bảo về quyền lợi người tiêu dùng.

Bảo vệ những đối tượng yếu thế

Đồng tình với quan điểm trên, đại biểu Triệu Thị Huyền (Yên Bái) cho rằng, cần bố trí kinh phí và nguồn lực cho công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Theo đại biểu, Điều 5 của dự thảo luật quy định về các chính sách của Nhà nước đối với việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, trong đó có các quy định về các biện pháp trong việc triển khai thực hiện bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Đại biểu Triệu Thị Huyền (Yên Bái) phát biểu tại phiên thảo luận tại Tổ 7. Ảnh: Thủy Nguyên.
Đại biểu Triệu Thị Huyền (Yên Bái) phát biểu tại phiên thảo luận tại Tổ 7. Ảnh: Thủy Nguyên.

Tuy nhiên, đại biểu Triệu Thị Huyền cho rằng, để có thể triển khai thực hiện tốt các biện pháp này thì điều đầu tiên và cũng là điều tất yếu cần phải có kinh phí, nguồn lực. Chính vì vậy, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu và sửa đổi, bổ sung thêm nội dung: ngân sách Nhà nước có sự bố trí kinh phí về nguồn lực cho công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Ngoài ra, tại Điều 7 quy định về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dễ bị tổn thương, đại biểu bày tỏ thống nhất với ý kiến cần nghiên cứu và bổ sung thêm đối tượng những người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, bởi đây là những đối tượng rất dễ bị tổn thương trong quá trình tham gia vào các giao dịch mua bán thương mại.

Ngoài ra, đại biểu cũng nhất trí với việc bổ sung các đối tượng được ưu tiên như trong dự thảo luật, bao gồm người cao tuổi, người tiêu dùng là người khuyết tật, người tiêu dùng là trẻ em dân tộc thiểu số, phụ nữ mang thai...

Về bảo đảm an toàn thông tin của người tiêu dùng, trong dự thảo luật có quy định trong trường hợp thông tin bị tấn công và làm phát sinh nguy cơ mất thông tin của người tiêu dùng, tổ chức, cá nhân kinh doanh hoặc bên lưu trữ thông tin phải thông báo cho cơ quan chức năng trong vòng 24 giờ khi phát hiện ra sự cố.

Đại biểu Triệu Thị Huyền cho rằng, ngay lúc này, người tiêu dùng cũng là những người cần phải được biết nguồn thông tin của mình đang có nguy cơ bị rò rỉ và lộ, lọt hay không.

Do đó, đại biểu kiến nghị Ban soạn thảo cũng cần phải có nghiên cứu bổ sung về cơ chế cũng như các hình thức để thông báo của tổ chức, cá nhân kinh doanh hoặc bên lưu trữ thông tin đối với người tiêu dùng, nhằm giúp người tiêu dùng có phương án chủ động trong việc phòng ngừa các sự cố có thể xảy ra.

Siết chặt quản lý chất lượng sản phẩm

Ngoài ra, đối với Điều 16 quy định về nghĩa vụ của người tiêu dùng, đại biểu Triệu Thị Huyền bày tỏ băn khoăn khi ở khoản 1 của Điều này có quy định về việc người tiêu dùng có nghĩa vụ phải kiểm tra hàng hóa trước khi nhận, lựa chọn tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, tiêu dùng bền vững không trái với thuần phong mỹ tục và đạo đức xã hội, không gây nguy hại đến tính mạng, sức khỏe của mình và của người khác.

Theo đại biểu, thực tế có một số loại hàng hóa người tiêu dùng lựa chọn nhưng để có thể kiểm tra ngay bằng mắt hoặc là xác định ngay được chất lượng cũng như hiệu quả của sản phẩm thì rất khó, thí dụ như thực phẩm chức năng hoặc các loại mỹ phẩm cần phải có chuyên môn, hoặc phải trải qua một thời gian sử dụng tương đối lâu dài mới nhận thấy được những hiệu quả cũng như chất lượng.

Chính vì vậy, đại biểu cho rằng điều quan trọng nhất là vẫn cần phải có sự quản lý tốt về chất lượng của sản phẩm trước khi đưa ra lưu hành trên thị trường, thay vì quy định trong dự thảo luật để cho người tiêu dùng tự lựa chọn.

Đại biểu Dương Văn Phước (Quảng Nam) phát biểu. Ảnh: Thủy Nguyên.
Đại biểu Dương Văn Phước (Quảng Nam) phát biểu. Ảnh: Thủy Nguyên.

Để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, tại Điều 34 dự thảo luật có quy định trách nhiệm bồi thường thiệt hại do sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật gây ra. Đại biểu Dương Văn Phước (Quảng Nam) cho rằng, cần sửa đổi điều luật này theo hướng tổ chức, cá nhân kinh doanh không những chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại do sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật gây ra mà còn phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại kể cả trong các trường hợp: “sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ không phù hợp tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đo lường, chất lượng, an toàn, số lượng, tính năng, công dụng, giá cả hoặc nội dung khác mà tổ chức, cá nhân kinh doanh đã đăng ký, công bố, niêm yết, quảng cáo, cam kết hoặc theo quy định của pháp luật” để phù hợp với quy định tại khoản 6, Điều 15 dự thảo luật đã quy định.

Cũng liên quan đến khoản 6, Điều 15 quy định về quyền của người tiêu dùng được “yêu cầu bồi thường thiệt hại khi sản phẩm, hàng hóa dịch vụ không phù hợp tiêu chuẩn....”, đại biểu Đặng Bích Ngọc cho rằng, trên thực tế hiện nay, đa số các giao dịch mua bán được thực hiện trên môi trường mạng internet. Nhiều hàng hóa trên mạng so với thực tế rất khác nhau, nhiều người mua bị lừa, nhận những mặt hàng không giống như đã thỏa thuận trên mạng nhưng vẫn không thực hiện được yêu cầu bồi thường.

“Có những người bán hàng sau đó tắt điện thoại, thoát khỏi giao dịch, gây bức xúc trong dư luận nhưng chế tài xử lý hiện nay còn chưa có, không kiểm soát hết được, rất khó để thực hiện chế tài. Vì vậy tôi để nghị dự thảo luật nên có quy định chặt chẽ, chi tiết vấn đề này”, đại biểu kiến nghị.