Bảo đảm quyền tiếp cận đất đai của phụ nữ
(Tài chính) Từ Luật Đất đai năm 2003, quy định Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) phải ghi tên của cả chồng và vợ là một bước tiến bộ lớn trong việc cải thiện sự bình đẳng giữa nam và nữ đối với đất đai, một tài sản lớn của gia đình. Tuy nhiên, cần quy định rõ hơn nữa vấn đề bảo đảm thi hành quyền có tên của phụ nữ, đặc biệt là người vợ, trong GCNQSDĐ đang là vấn đề được nhiều ý kiến quan tâm.
Theo báo cáo mới nhất về Tiếp cận đất đai của phụ nữ trong xã hội hiện nay được Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) công bố năm 2013, tại 10 tỉnh thành đại diện cho sự đa dạng của các vùng kinh tế và tộc người bao gồm Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Lâm Đồng, Long An, Nghệ An, Ninh Thuận, Quảng Ninh, Sơn La, Trà Vinh, tỷ lệ cả chồng và vợ cùng đứng tên trên GCNQSDĐ chỉ chiếm 22% trong khi nếu đứng tên riêng người chồng thì gấp đôi tỷ lệ này.
Từ con số đó, UNDP đã đưa ra kết luận cho rằng, luật pháp nhà nước như đang áp dụng hiện nay vô hình trung đã tạo khả năng để các tác nhân loại trừ phụ nữ ra khỏi sự tiếp cận đối với đất đai hơn là bảo đảm cho sự tiếp cận của phụ nữ đối với loại tài sản này. Đây không phải lần đâu tiên các tổ chức quốc tế nhận định như vậy, bởi trước đó, trong báo cáo Khảo sát quyền tiếp cận đất của phụ nữ do Nhóm An ninh lương thực và giảm nghèo (CIFPEN) và Tổ chức Actionaid Việt Nam (AAV) thực hiện năm 2008, thậm chí có tới trên 90% GCNQSDĐ ghi tên một người mà phần lớn là người chồng.
So sánh hai báo cáo tại thời điểm sau khi Luật Đất đai sửa đổi năm 2013 có hiệu lực và sau ngày Luật Đất đai năm 2003 ra đời, mặc dù tỷ lệ GCNQSDĐ ghi tên cả chồng và vợ có giảm đi nhưng chỉ đối với khu vực thành phố và đồng bằng ven thành phố còn khu vực miền núi và nông thôn thì không được cải thiện. Điều này cho thấy, pháp luật quy định phụ nữ, đặc biệt là người vợ, có quyền đứng tên trong GCNQSDĐ nhưng trên thực tế quyền này chưa được bảo đảm thực hiện và dù có đủ điều kiện pháp lý thì vẫn gặp những rào cản khiến họ không được hưởng trọn vẹn quyền chính đáng của mình.
Lý giải điều này là do còn tồn tại những bất cập về mặt pháp luật và chính sách liên quan, cụ thể là quy định tại khoản 4, Điều 98 Luật Đất đai năm 2013: Trường hợp quyền sử dụng đất hoặc quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất hoặc quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất là tài sản chung của vợ chồng mà Giấy chứng nhận đã cấp chỉ ghi họ, tên của vợ hoặc chồng thì được cấp đổi sang Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất để ghi cả họ, tên vợ và họ, tên chồng nếu có yêu cầu.
Quy định rõ như vậy nhưng chưa tìm thấy văn bản nào hướng dẫn đổi GCNQSDĐ một tên (chồng hoặc vợ) thành hai tên cả chồng và vợ khi có đủ điều kiện pháp lý đối với trường hợp GCNQSDĐ được cấp từ trước năm 2004. Kể cả Dự thảo Nghị định Hướng dẫn chi tiết thi hành Luật đất đai năm 2013 do Bộ Tài nguyên & Môi trường đang thực hiện (theo bản cập nhật ngày 14/2/1014) cũng chưa thấy có điều khoản nào hướng dẫn chi tiết về khoản 4, Điều 98.
Đồng thời, đối với cụm từ nếu có yêu cầu dường như đã tạo ra hạn chế sự quyết tâm của các cấp chính quyền và phụ nữ - người vợ trong việc cấp đổi GCNQSDĐ đứng tên cả chồng và vợ; cộng với mức lệ phí cấp đổi GCNQSDĐ còn cao, chưa thống nhất và thủ tục ở các địa phương kéo dài cũng là một điều gây ngại khi ý thức gia trưởng trong một bộ phận nam giới/người chồng lấn áp, người vợ sẽ trở lên phụ thuộc.
Về mặt kinh tế xã hội, việc phụ nữ - người vợ không có tên trong GCNQSDĐ theo quy định của pháp luật làm cho chủ trương về tăng cường bình đẳng về giới, lồng ghép các vấn đề giới vào các chính sách, chương trình và dự án phát triển trong chiến lược toàn diện về tăng trưởng và xóa đói, giảm nghèo bền vững không được thực hiện triệt để. Không có tên trong GCNQSDĐ đã làm giảm vai trò của phụ nữ bên cạnh nam giới trong huy động nguồn lực đất đai và con người cho phát triển kinh tế - xã hội.
Về phía cá nhân và gia đình, việc người vợ không có tên trong GCNQSDĐ sẽ góp phần làm giảm vai trò, vị thế của phụ nữ trong sử dụng đất vào mục đích phát triển kinh tế gia đình, cải thiện sinh kế. Nếu người chồng (chủ hộ) đứng tên một mình trong GCNQSDĐ cũng có nghĩa là người chồng được quyết định với tài sản luôn được xem là có giá trị lớn nhất đối với mỗi gia đình.
Trường hợp khi người chồng muốn chuyển quyền sử dụng đất, người vợ lúc này sẽ không có quyền tham gia hoặc tham gia cũng chỉ lấy lệ; hay khi vợ chồng ly hôn, người vợ cũng sẽ gặp nhiều rắc rối trong phân chia tài sản; hoặc khi người chồng chẳng may qua đời, việc làm ăn kinh doanh thất bát thi người vợ đều gặp thiệt thòi và không thuận lợi trong việc bảo vệ tài sản của mình và con cái.
Nhằm bảo đảm tính liên tục, nhất quán giữa Luật Đất đai năm 2013 và Nghị định Hướng dẫn chi tiết việc thi hành Luật đất đai năm 2013, tại Hội thảo Chia sẻ đề xuất kiến nghị góp ý cho Dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai 2013 diễn ra ngày 22.4, đa phần các ý kiến đều đồng ý cần có điều khoản hướng dẫn thi hành chi tiết về quyền có tên của người phụ nữ, cụ thể là người vợ trong GCNQSDĐ.
Ngoài ra, cần quy định việc đổi GCNQSDĐ là tài sản chung của chồng và vợ từ một tên thành hai tên của các trường trước năm 2004 như một việc đương nhiên và thuộc về trách nhiệm của chính quyền, không nên chờ khi người vợ có yêu cầu. Đối với các hộ gia đình nghèo, cận nghèo thành thị và tất cả các hộ gia đình ở khu vực nông thôn, miền núi, cần có thêm quy định hỗ trợ tài chính đối với việc đổi sổ theo luật định.
Thêm nữa, rút ngắn thời gian chờ đợi từ 10 ngày (trong Chương IX: Trình tự thủ tục hành chính về quản lý và sử dụng đất đai) xuống còn 5 ngày đối với các trường hợp cấp đổi đủ điều kiện pháp lý không mất nhiều thời gian để thẩm định để bảo đảm việc thi hành quyền tiếp cận và kiểm soát đất đai của phụ nữ, nhất là người vợ.