Bảo đảm thực hiện nghĩa vụ trong tranh chấp hợp đồng tín dụng
Ngày 19/7/2017, Tòa án nhân dân tối cao đã có văn bản số 152/TANDTC-PC gửi Tòa án nhân dân cấp cao, các Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các đơn vị thuộc Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn một số nội dung liên quan đến việc xử lý vướng mắc khi giải quyết tranh chấp nhằm xử lý tài sản bảo đảm (TSBĐ) của các hợp đồng tín dụng.
Trên cơ sở đề nghị của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, một số Tòa án, tổ chức tín dụng (TCTD) và Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), tại văn bản số 152/TANDTC-PC, Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC) đã hướng dẫn việc bảo đảm thực hiện nghĩa vụ trong tranh chấp hợp đồng tín dụng, xử lý nợ xấu.
Theo đó, căn cứ các quy định tại Điều 324, 344 Bộ luật Dân sự 2005, Điều 293 Bộ luật Dân sự 2015, việc các bên thỏa thuận nghĩa vụ được bảo đảm bao gồm cả các nghĩa vụ phát sinh trong tương lai (các nghĩa vụ tại các hợp đồng cấp tín dụng được ký kết sau ngày ký hợp đồng bảo đảm) là hoàn toàn phù hợp với quy định pháp luật.
Trên thực tế, khi phát sinh tranh chấp liên quan đến yêu cầu xử lý TSBĐ để đảm bảo cho nghĩa vụ của hợp đồng tín dụng được ký sau ngày ký hợp đồng thế chấp thì một số tòa án không chấp nhận vì cho rằng hợp đồng thế chấp chỉ được đảm bảo cho hợp đồng tín dụng đã được ký kết vào thời điểm ký hợp đồng thế chấp.
Do đó, để giải quyết vướng mắc này, tại văn bản 152/TANDTC-PC, TANDTC đã hướng dẫn thống nhất về phạm vi nghĩa vụ được bảo đảm, phạm vi bảo lãnh, quan hệ giữa bên bảo lãnh và bên nhận bảo lãnh như sau:
Thứ nhất, về phạm vi nghĩa vụ được bảo đảm, trường hợp bảo đảm nghĩa vụ trong tương lai thì nghĩa vụ được hình thành trong thời hạn bảo đảm là nghĩa vụ được bảo đảm, trừ trường hợp có thỏa thuận khác (Điều 293 Bộ luật Dân sự 2015); các bên có quyền thỏa thuận cụ thể về phạm vi nghĩa vụ được bảo đảm và thời hạn thực hiện nghĩa vụ được bảo đảm, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Khi nghĩa vụ trong tương lai được hình thành, các bên không phải xác lập lại biện pháp bảo đảm đối với nghĩa vụ đó (Điều 294 Bộ luật Dân sự 2015).
Thứ hai, về phạm vi bảo lãnh, các bên có thể thỏa thuận sử dụng biện pháp bảo đảm bằng tài sản để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh. Trường hợp nghĩa vụ được bảo lãnh là nghĩa vụ phát sinh trong tương lai thì phạm vi bảo lãnh không bao gồm nghĩa vụ phát sinh sau khi người bảo lãnh chết hoặc pháp nhân bảo lãnh chấm dứt tồn tại (Điều 366 Bộ luật Dân sự 2015).
Thứ ba, về quan hệ giữa bên bảo lãnh và bên nhận bảo lãnh, trường hợp bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ của mình thì bên nhận bảo lãnh có quyền yêu cầu bên bảo lãnh phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận bên bảo lãnh chỉ phải thực hiện nghĩa vụ thay cho bên được bảo lãnh trong trường hợp bên được bảo lãnh không có khả năng thực hiện nghĩa vụ (Điều 339 Bộ luật Dân sự 2015).