Bão giá tiếp tục gây bất ổn toàn cầu
Thế giới đang phải chịu lạm phát phi mã, giá cả lương thực và nhiên liệu tăng vọt, điều này thúc đẩy tình trạng hỗn loạn. Mặc dù Chính phủ các nước đã cố gắng kìm hãm lạm phát, tuy nhiên, việc vay trong thời kỳ đại dịch và với lãi suất tăng cao rất khó để duy trì. Viện Kinh tế và Hòa bình (IEP) - một tổ chức tư vấn của Australia cho biết, tất cả những điều này đang làm trầm trọng thêm những căng thẳng đã tồn tại từ trước ở nhiều quốc gia và khiến tình trạng bất ổn có thể xảy ra nhiều hơn.
IEP tính toán rằng, 84 quốc gia đã trở nên kém hòa bình hơn kể từ năm 2008, trong khi đó chỉ có 77 quốc gia cải thiện được vấn đề này. Nếu tính lượt đề cập trên các phương tiện truyền thông những từ liên quan đến tình trạng bất ổn trên 130 quốc gia, ước tính vào tháng 5 vừa qua, tình trạng hỗn loạn xã hội gần mức cao nhất kể từ khi đại dịch bắt đầu.
IEP cũng đưa ra báo động về những tháng sắp tới. Chi tiêu cho nhập khẩu lương thực và nhiên liệu sẽ tăng lên, đặc biệt là ở các nước nghèo, và theo đó nợ của các quốc gia này cũng tăng lên. Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết, 41 quốc gia đã hoặc có nguy cơ cao về “nợ nần chồng chất”. Theo đó, nhiều quốc gia sẽ chứng kiến số lượng “sự kiện bất ổn” tăng gấp đôi trong năm tới.
Bất ổn chính trị, xã hội xảy ra ở nhiều châu lục
Cơn bão kinh tế toàn cầu đã làm trầm trọng thêm những rắc rối tiềm ẩn. Tại Ấn Độ, bạo loạn nổ ra vì kế hoạch giảm thời gian phục vụ trong quân đội, đặc biệt rơi vào thời điểm khó khăn, khi mà nhiều thanh niên chờ đợi được tuyển dụng vào quân đội để thoát cảnh thất nghiệp và khao khát một công việc ổn định.
Trong khi đó, sự sụp đổ kinh tế tại Sri Lanka đã cho thấy sự chuyển biến vượt tầm kiểm soát. Quốc đảo hơn 22 triệu dân này đang trải qua cuộc khủng hoảng kinh tế và chính trị tồi tệ nhất kể từ khi giành được độc lập. Với tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng các mặt hàng thiết yếu cùng việc mất điện thường xuyên, cuộc sống của người dân đang trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Họ phải xếp hàng dưới ánh nắng chói chang hàng giờ liền để có thể mua nhiên liệu hoặc lương thực.
Nhiều tuần qua, người dân liên tục xuống đường biểu tình. Chính phủ Sri Lanka đã ban hành nhiều biện pháp cứng rắn như áp lệnh giới nghiêm nhưng không giúp làm dịu được làn sóng biểu tình. Trong khi đó, việc lương thực, thực phẩm khan hiếm và tăng giá đang làm sâu sắc hơn tình trạng bất bình đẳng xã hội ở Indonesia. Nhiều cuộc biểu tình, thậm chí bạo loạn đã nổ ra, tình trạng biểu tình ở quốc gia Hồi giáo này có thể sẽ còn nghiêm trọng hơn với việc dầu ăn tăng giá trùng với tháng ăn chay Ramadan.
Tunisia cũng là quốc gia đang rơi vào tình trạng khủng hoảng. Tunisia rơi vào bế tắc chính trị từ tháng 1/2021, sau khi nảy sinh bất đồng giữa Tổng thống Kais Saied và Thủ tướng Hichem Mechichi về việc cải tổ chính phủ. Không chỉ thế, Tunisia cũng đang đối mặt khủng hoảng kinh tế và y tế do đại dịch COVID-19 đẩy hệ thống y tế vào trình trạng quá tải.
Hiện Tunisia đứng trước các thách thức như: Tăng trưởng kinh tế yếu (chỉ đạt 3,1% trong năm 2021), nợ công cao (chiếm tới 85,6% GDP), thâm hụt cán cân thương mại và tỷ lệ thất nghiệp cao (gần chạm mốc 18,4%). Trong khi đó, các hoạt động sản xuất lúa mì của Tunisia gặp khó khăn do hạn hán và suốt 10 năm bất ổn chính trị kể từ biến động chính trị năm 2011. Điều này càng làm gia tăng sự phụ thuộc của Tunisia vào việc nhập khẩu.
Trong năm 2021, hai phần ba lượng ngũ cốc tiêu thụ của Tunisia là nhập khẩu từ nước ngoài, trong đó phần lớn từ khu vực Biển Đen. Thêm vào đó, chuỗi cung ứng toàn cầu gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 và cuộc xung đột tại Ukraine - quốc gia cung cấp khoảng 50% lượng lúa mì mềm (được dùng làm bánh mì) nhập khẩu của Tunisia.
Ngay cả những quốc gia có nền kinh tế phát triển như ở châu Âu, vốn có nhiều khả năng để bảo vệ người dân khỏi tình trạng giá cả leo thang, hiện cũng không có đủ công cụ để chống đỡ hoàn toàn cuộc khủng hoảng này. Tại Hy Lạp xảy ra biểu tình khắp nước trong tuần đầu tháng 4 yêu cầu chính quyền tăng lương trong bối cảnh lạm phát và giá cả tăng.
Hệ lụy khó lường
Ngân hàng Thế giới (WB) chỉ ra rằng, bất ổn toàn cầu có thể cản trở tăng trưởng, các đợt bùng phát bất ổn lớn xảy ra trung bình theo sau là mức giảm GDP theo điểm phần trăm, so với đường cơ sở trước đó. Về lý thuyết, điều này có thể là do chính sách thắt lưng buộc bụng tài khóa trước đây đã dẫn đến sự giận dữ của dân chúng và làm giảm tốc độ tăng trưởng.
Nhưng các chuyên gia nhận thấy rằng, tình trạng bất ổn thực sự làm tổn thương các nền kinh tế sâu sắc. Tình trạng bất ổn được thúc đẩy bởi các yếu tố kinh tế xã hội (chẳng hạn như lạm phát) nghiêm trọng hơn là tình trạng bất ổn do các yếu tố chính trị gây ra. Khi bất ổn có cả động cơ từ chính trị và kinh tế - xã hội, thì thiệt hại đối với GDP là rất tồi tệ. Một ví dụ điển hình là cuộc bạo động làm rung chuyển Nam Phi vào năm 2021, trong khi đại dịch COVID-19 đang gây ra khó khăn về kinh tế, khiến cho GDP đã giảm 1,5%.
Trong khi đó, kinh tế trưởng Arif Husain - Giám đốc nghiên cứu, đánh giá và giám sát của Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) cảnh báo rằng, mặc dù hiện nay giá lương thực đã có dấu hiệu giảm sút, và các tàu chở ngũ cốc của Ukraine đã được vận chuyển, nhưng nếu cuộc giao tranh giữa Nga và Ukraine khiến trình sản xuất lương thực bị hạn chế hơn nữa, kéo theo hàng trăm triệu người rơi vào cảnh đói kém.
Trong một tuyên bố chung, các lãnh đạo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), WB, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) kêu gọi cộng đồng quốc tế hỗ trợ tài chính để đảm bảo nguồn cung lương thực toàn cầu và sự an toàn cho các gia đình và nông dân nghèo, cũng như tăng cường sản xuất nông nghiệp. Họ cũng đề nghị các quốc gia nên có chính sách thương mại mở và tránh áp đặt các hạn chế xuất khẩu. Điều quan trọng là phải nhanh chóng phối hợp với nhau để cung cấp sự hỗ trợ cho các quốc gia bị mất an ninh lương thực.
Lịch sử nhân loại cho thấy, bất ổn về lương thực từng là nguyên nhân chính gây ra những biến động xã hội và chính trị ở các nước nghèo. Vì thế, tình trạng này nếu không sớm được kiểm soát có thể thúc đẩy xung đột, bạo lực và khủng bố, dẫn tới những hệ lụy khó lường cho an ninh của nhiều quốc gia và của thế giới.