Chật vật thời “bão giá”

Theo T. Trang/ Báo Hậu Giang

Giá xăng dầu liên tục tăng trong thời gian qua, người tiêu dùng trong tỉnh dần “thấm đòn” khi thu nhập chưa chạy theo kịp với giá nhiều mặt hàng thiết yếu liên tục tăng mạnh.

Người tiêu dùng phải cân đối chi tiêu thời bão giá.. Ảnh: T. Trang
Người tiêu dùng phải cân đối chi tiêu thời bão giá.. Ảnh: T. Trang

Giá cả “nhảy múa”

Buôn bán tạp hóa tại chợ Vị Thanh, TP. Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang gần chục năm qua, đây là lần đầu chị Nguyễn Thị Huyền chứng kiến nhiều mặt hàng tăng đồng loạt như thế. Bởi thông thường, các mặt hàng thiết yếu như dầu ăn, gia vị các loại, bột giặt, sữa, chỉ 1-2 lần điều chỉnh giá mỗi năm và mức tăng không quá cao. Nhưng hiện nay nhìn chung các loại hàng hóa đều tăng từ 5-15%.

Đặc biệt, dầu ăn chưa khi nào tăng mạnh như thế, từ đầu năm đến nay mỗi chai dầu ăn 1 lít tăng hơn 40%. Chỉ tay vào một loại dầu ăn có mức giá “dễ chịu” nhất, chị Huyền cho biết hiện nay loại dầu này có giá 48.000 đồng/chai 1 lít trong khi năm ngoái giá chỉ gần 30.000 đồng/chai. Còn mấy loại dầu ăn tầm trung hay cao cấp thì mức giá mỗi lít phải từ 60.000 đồng đến hơn 100.000 đồng tùy nhãn hàng. Giờ có hàng còn tăng cường làm chai thể tích nhỏ hơn để người mua đỡ ngán khi nhìn giá.

Khảo sát tại các chợ truyền thống, nhiều loại gia vị cũng tăng như bột ngọt 67.000 đồng/bịch (1kg), tăng khoảng 5.000 đồng, nước mắm tăng 2.000-3.000 đồng/chai, mì gói cũng tăng từ 3.000 đồng/thùng. Các loại đậu cũng tăng trung bình từ 4.000 đồng/kg. Lựa chọn nhập bán các dòng có giá thấp hơn để giảm sốc là cách làm của một số tiệm tạp hóa, vì chủ yếu khách hàng là người lao động thu nhập trung bình, thấp, nông dân với mức thu nhập phụ thuộc vào mùa thu hoạch, bán nông sản.

Giá cả liên tục điều chỉnh làm người bán có khi trở tay không kịp mỗi đợt nhập hàng và người mua không khỏi ngỡ ngàng, sức mua từ đó mà chựng lại khá nhiều. “Nhiều người mua than phiền giá tăng hoài, tiền làm ra không tăng theo kịp. Có người kể trồng cây tới cuối vụ bán không được giá cao, người nuôi heo cũng khó vì thức ăn chăn nuôi giá cao. Mình nghe nhiều hoàn cảnh cũng thông cảm và giải thích với họ là tình hình chung tăng giá không tránh khỏi”, chị Huyền nói thêm.

Còn chị Phạm Thị Ngọc Nhan, ở phường VII, TP. Vị Thanh thì lo lắng: “Gia đình có 2 con nhỏ, nhiều loại đồ ăn phải mua riêng cho bé, mấy loại sữa bột, sữa tươi tăng giá 2 lần từ cuối năm ngoái đến nay nhưng số lượng phải mua đều đặn và có tăng lên chứ không thể cắt giảm được. Trong khi đó thu nhập công nhân từ thời gian đó tới nay đâu có tăng, mình chỉ có thể cân đối và giảm chi tiêu bớt các khoản khác trong nhà để tiết kiệm chi phí bù lại, không thiếu đã là may mắn lắm rồi”.

Người bán và người mua đều chật vật

Chợ truyền thống vẫn là nơi chiếm phần lớn sức mua của thị trường. Mỗi biến động dù lớn hay nhỏ của thị trường sẽ tác động ngay đến người tiêu dùng ở đây, trong khi đó các chương trình bình ổn chủ yếu tập trung ở các siêu thị hay cửa hàng tiện lợi của các doanh nghiệp. Người tiêu dùng nhất là đối tượng lao động, người dân khu vực nông thôn khó tiếp cận từ chương trình bình ổn khi xảy ra tình trạng giá cả tăng.

Bà Nguyễn Thị Nhanh, một người đi chợ nông thôn Vị Thanh sáng sớm bộc bạch rằng: “Ra chợ nhiều món lớn nhỏ đều tăng giá, ít thì tăng 1.000-2.000 đồng, có loại tăng gấp đôi. Không riêng gì rau củ ở Đà Lạt hay chở về từ nơi khác, mớ rau vườn hay rau tạp tàng tại chỗ cũng có giá 20.000 đồng/kg, bó xà lách xoong hiện giờ có giá 10.000 đồng nên giờ nhiều người “ngán” ăn vì giá cao. Trứng vịt là món thường xuyên ở nhà cũng lên tới 35.000 đồng/chục. Nhà tôi mỗi tuần cố định chi khoảng 500.000 đồng tiền chợ thì nay phải lên 700.000 đồng mới đủ”.

Ghi nhận cho thấy lượng nông sản về các chợ đa dạng, một số loại trái cây vào mùa thu hoạch nên giá cả có giảm nhẹ, riêng rau, củ vẫn còn mức khá cao, cá biệt một số loại còn tăng giá mạnh do mùa mưa khó trồng và khó bảo quản. Không chỉ lo ngại vì giá cả khiến người mua thắt chặt chi tiêu, giảm mua sắm mà hiện nay người tới chợ truyền thống không còn tập trung đông như trước khiến các tiểu thương đứng ngồi không yên. 

Bà Lê Thị Phượng, bán hàng hóa ở chợ Phường VII, chia sẻ: Giờ buôn bán lẻ có mặt khắp nơi, bước ra đường là có vài điểm bán, chưa kể còn có các xe bán lưu động nên nhiều người không cần đi tận chợ mới mua được thực phẩm. Các điểm bán này lại không chịu các chi phí thuê lô sạp như ở chợ nên giá bán thấp hơn hoặc bằng vẫn có lời.

Trong thời gian tới, dự báo áp lực lạm phát còn có xu hướng tăng, nguyên vật liệu và giá xăng dầu sẽ còn biến động, tác động đến giá các mặt hàng khác. Theo Thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ ngày 22/6, các địa phương cần tăng cường nắm bắt tình hình và chuẩn bị phương án, kịch bản, có biện pháp chủ động kiểm tra yếu tố cấu thành giá theo quy định khi có bất thường để giữ ổn định mặt bằng giá, xây dựng các chương trình bình ổn thị trường.

Bên cạnh đó, tập trung tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo thuận lợi cho quá trình lưu thông, phân phối hàng hóa, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân. Trong trường hợp có biến động lớn về giá, căn cứ quy định tại Luật giá để đề xuất và tổ chức triển khai các biện pháp bình ổn giá phù hợp.