Bảo hiểm phi nhân thọ thúc đẩy phát triển sản phẩm mới
Sức hút của các sản phẩm bảo hiểm mới như bảo hiểm Corona một lần nữa cho thấy khách hàng không thờ ơ với bảo hiểm, quan trọng là nhà bảo hiểm phải đưa ra những sản phẩm phù hợp với nhu cầu ngày một đa dạng của khách hàng.
Trong những nghiệp vụ mang lại doanh thu tốt nhất cho các công ty bảo hiểm phi nhân thọ phải kể đến bảo hiểm sức khỏe.
Theo đánh giá của các công ty bảo hiểm, một vài năm trở lại đây, khi vấn đề về ô nhiễm trở nên nghiêm trọng, người dân đã quan tâm nhiều hơn đến bảo hiểm sức khỏe.
Theo đó, nhiều sản phẩm bảo hiểm liên quan đến sức khỏe như bảo hiểm ung thư, bảo hiểm dịch bệnh… đã được các doanh nghiệp bảo hiểm tung ra thị trường.
Ba tháng đầu năm 2020, khi tình hình đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các sản phẩm bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm con người… nằm trong nhóm sản phẩm được tìm hiểu nhiều nhất.
“Khách hàng liên tục gọi điện yêu cầu cấp đơn, thậm chí có ngày bán được cả trăm đơn bảo hiểm sức khỏe”, một đại lý bảo hiểm cho biết.
Sức hút của các sản phẩm bảo hiểm mới như bảo hiểm dịch bệnh một lần nữa cho thấy khách hàng không thờ ơ với bảo hiểm, quan trọng là nhà bảo hiểm phải đưa ra những sản phẩm phù hợp với nhu cầu ngày một đa dạng của khách hàng.
Một nghiệp vụ khác cũng đang chiếm tỷ trọng lớn của thị trường phi nhân thọ là bảo hiểm xe cơ giới - vốn được xem là ít thay đổi - nay có những động thái “chuyển mình” để bắt kịp với xu hướng mới khi nhiều sản phẩm mới đã được triển khai như bảo hiểm tai nạn người ngồi trên xe theo chuyến, bảo hiểm vật chất theo chuyến…
Hình thức cấp đơn được “online hóa”, ngay cả với sản phẩm bảo hiểm trách nhiệm dân sự đang phải sử dụng giấy chứng nhận bằng giấy, thì các doanh nghiệp cũng linh hoạt cung cấp đồng thời 2 loại giấy chứng nhận để tạo sự thuận lợi cho khách hàng.
Đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm cho biết, xu hướng thị trường thay đổi buộc các doanh nghiệp phải nghiên cứu và bổ sung thêm nhiều sản phẩm mới nhằm đa dạng cơ hội lựa chọn cho khách hàng, tạo ra những thị trường ngách và tăng cơ hội cạnh tranh.
Bên cạnh các sản phẩm bảo hiểm được chủ động triển khai, năm qua, các doanh nghiệp bảo hiểm còn tích cực tham gia các chương trình bảo hiểm chính sách của Nhà nước, các sản phẩm bảo hiểm bắt buộc…, góp phần ổn định phát triển kinh tế, an sinh xã hội như bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc với quy trình xử lý bồi thường kịp thời, nhanh chóng nhằm giúp các tổ chức, cá nhân bị thiệt hại do cháy, nổ chủ động khắc phục hậu quả và khôi phục sản xuất - kinh doanh…
Với bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, sau 10 năm thực hiện, sản phẩm đã đóng góp tích cực trong việc bù đắp tổn thất về người và tài sản, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người tham gia giao thông.
Dù vậy, đến thời điểm hiện tại, sản phẩm này cũng cần phải hoàn thiện để đảm bảo sự phù hợp, đồng bộ và nhất quán với hệ thống pháp luật hiện hành, đồng thời khắc phục những tồn tại, hạn chế về chính sách trong thực tiễn.
Hiện tại, Bộ Tài chính đang xây dựng dự thảo Nghị định theo quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, dự kiến sẽ trình Chính phủ xem xét, ban hành vào năm 2020.
Trước đó, trong năm 2019, Bộ Tài chính đã phối hợp với các cơ quan hữu quan trong nước, cũng như các đối tác nước ngoài (như GIZ, WB…) để nghiên cứu chính sách và phát triển sản phẩm bảo hiểm rủi ro thiên tai.
Một số dòng sản phẩm “chuyên dụng” khác như bảo hiểm tài sản công, bảo hiểm bảo lãnh thông quan… cũng đang được điều chỉnh cho phù hợp với thực tế, qua đó giúp mở rộng hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp bảo hiểm, góp phần thúc đẩy thị trường bảo hiểm nói riêng, nền kinh tế nói chung.