Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đẩy mạnh chuyển đổi số, tạo thuận lợi cho người dân
Nhằm tạo thuận lợi hơn nữa cho các tổ chức, cá nhân khi tham gia giao dịch với cơ quan bảo hiểm xã hội, thời gian tới, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động nghiệp vụ theo hướng hiện đại, phù hợp với yêu cầu của tình hình mới.
Chuyển biến tích cực trong cung cấp dịch vụ công trực tuyến
Hiện nay, hệ thống công nghệ thông tin (CNTT) của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam (BHXH) được triển khai từ Trung ương tới tất cả BHXH cấp tỉnh, cấp huyện và các cơ sở y tế; triển khai thực hiện giao dịch điện tử ở tất cả các lĩnh vực: thu, cấp sổ BHXH, thẻ bảo hiểm y tế (BHYT), giải quyết các chế độ BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), giám định và thanh toán chi phí khám chữa bệnh (KCB) BHYT...
Đến nay, BHXH Việt Nam đã hoàn thành việc cung cấp dịch vụ công (DVC) mức độ 4 cho tất cả các thủ tục hành chính (TTHC) của Ngành; tổ chức, cá nhân có thể thông qua 13 nhà cung cấp dịch vụ kê khai BHXH điện tử (I-VAN) hoặc thực hiện trực tiếp trên Cổng DVC của BHXH Việt Nam tại địa chỉ https://dichvucong.baohiemxahoi.gov.vn.
Trong năm 2020, toàn ngành BHXH Việt Nam đã tiếp nhận và giải quyết hơn 85 triệu hồ sơ giao dịch điện tử (chưa kể 170 triệu hồ sơ đề nghị thanh toán chi phí KCB liên thông trên Hệ thống Giám định BHYT); từ 01/01/2021 đến 20/10/2021, BHXH Việt Nam đã tiếp nhận và giải quyết hơn 66,6 triệu hồ sơ giao dịch điện tử.
Theo số liệu thống kê trên các phần mềm, trong 10 tháng năm 2021, BHXH Việt Nam đã tiếp nhận và giải quyết và giải quyết 61.616 giao dịch trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Trong đó, thanh toán gia hạn thẻ BHYT theo hộ gia đình cho 52.468 trường hợp; tiếp nhận và giải quyết cấp lại thẻ BHYT do hỏng, mất cho 2.876 trường hợp; đóng tiếp BHXH tự nguyện cho 5.491 trường hợp; đóng BHXH bắt buộc, BHYT, BHTN cho 281 trường hợp.
Thực hiện các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ gồm: Quyết định số 274/QĐ-TTg ngày 12/3/2019 phê duyệt Đề án Cổng DVC Quốc gia; Quyết định số 411/QĐ-TTg ngày 24/3/2020 phê duyệt Danh mục DVC tích hợp, cung cấp trên Cổng DVC Quốc gia năm 2020; Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg ngày 24/04/2020 về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19... BHXH Việt Nam đã kết nối, tích hợp, cung cấp tất cả các DVC trực tuyến mức độ 4 của Ngành trên Cổng DVC Quốc gia.
Nhằm tạo thuận lợi cho tổ chức, doanh nghiệp (DN) trong việc báo cáo tình hình sử dụng lao động (SDLĐ), BHXH Việt Nam đã phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tích hợp, cung cấp thủ tục liên thông đăng ký điều chỉnh đóng BHXH bắt buộc, BHYT, BHTN và báo cáo tình hình thay đổi lao động” trên Cổng DVC Quốc gia.
Theo Khoản 2 Điều 8 Nghị định số 03/2014/NĐ-CP (ngày 16/01/2014) của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Bộ luật Lao động về việc làm: “Định kỳ 6 tháng và hàng năm, người SDLĐ phải báo cáo tình hình thay đổi về lao động với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội hoặc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (đối với người SDLĐ thuộc khu công nghiệp) nơi đặt trụ sở, chi nhánh, văn phòng đại diện”.
Để thực hiện quy định trên, đơn vị SDLĐ chỉ cần đăng nhập vào Cổng DVC Quốc gia, lựa chọn thủ tục liên thông đăng ký điều chỉnh đóng BHXH bắt buộc, BHYT, BHTN và báo cáo tình hình thay đổi lao động, qua đó lựa chọn cơ quan lao động nhận báo cáo (Phòng Lao động Thương binh và Xã hội hoặc Sở Lao động Thương binh và Xã hội).
Định kỳ 6 tháng và hàng năm, Cổng DVC Quốc gia sẽ tự động lấy dữ liệu về lao động của đơn vị từ cơ sở dữ liệu (CSDL) của ngành BHXH gửi đến cơ quan lao động nhận báo cáo mà đơn vị SDLĐ đã lựa chọn. Đồng thời, với DVC này, đơn vị SDLĐ cũng có thể lựa chọn để khai báo đăng ký, điều chỉnh đóng BHXH, BHYT, BHTN trên Cổng DVC của BHXH Việt Nam.
Triển khai ứng dụng VssID - Bảo hiểm xã hội số
Từ khi triển khai ứng dụng VssID-BHXH số (ngày 16/11/2020), ngoài các tính năng, tiện ích được cung cấp như: Theo dõi, tra cứu quá trình tham gia BHXH, BHYT, BHTN; giá trị thẻ BHYT; lịch sử KCB; tra cứu các thông tin: mã số BHXH, cơ quan BHXH, đại lý thu, cơ sở KCB BHYT... thời gian qua, BHXH Việt Nam đã tích hợp, bổ sung thêm một số tính năng, tiện ích trên ứng dụng VssID, cụ thể gồm:
(i) Triển khai hệ thống thông báo trên VssID được kết nối với hệ thống gửi tin nhắn SMS đã thực hiện trước đây để gửi các thông điệp của BHXH Việt Nam tới người dùng, thông báo khi thẻ BHYT sắp hết hạn, thông báo cho người tham gia BHXH tự nguyện sắp đến kỳ đóng tiền, khi phát sinh chi phí KCB BHYT...
(ii) Triển khai đa ngôn ngữ trên ứng dụng (hoàn thành việc tích hợp 05 ngôn ngữ gồm: Tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Trung Quốc, tiếng Nhật Bản, tiếng Hàn Quốc);
(iii) Tích hợp 06 DVC trực tuyến dành cho cá nhân trên ứng dụng, trong đó có DVC hỗ trợ người tham gia BHTN bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 theo Nghị quyết số 116/NQ-CP;
(iv) Triển khai đăng ký giao dịch điện tử cho cá nhân trên ứng dụng VssID, trong đó tích hợp tiện ích tra cứu mã số BHXH, quét mã QR thẻ BHYT, quét mã QR thẻ căn cước công dân để tự động điền thông tin vào biểu mẫu đăng ký;
(v) Bổ sung tiện ích "Mời cài đặt VssID";
(vi) Bổ sung Phiếu điều chỉnh lương hưu tại mục "Thông tin hưởng/Hàng tháng/Phiếu điều chỉnh lương hưu";
(vii) Bổ sung chức năng xem các loại “Giấy được cấp theo Thông tư số 56/2017/TT-BYT” tại mục "Sổ KCB";
(viii) Hiển thị hình ảnh cá nhân tại màn hình "Sử dụng thẻ BHYT";
(ix) Kết nối với CSDL Quốc gia về dân cư để xác thực thông tin cá nhân khi đăng ký tài khoản giao dịch điện tử với cơ quan BHXH.
Từ 01/6/2021, người bệnh đến KCB được sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VssID thay thế cho thẻ BHYT giấy tại các cơ sở KCB BHYT trên toàn quốc. Tính đến 20/10/2021, trên toàn quốc đã có hơn 21,5 triệu tài khoản giao dịch điện tử cá nhân với cơ quan BHXH (dùng để đăng nhập, sử dụng ứng dụng VssID), đạt 86,95% so với Kế hoạch số 818/QĐ-BHXH ngày 31/3/2021 giao; trên toàn quốc đã có hơn 352 nghìn lượt sử dụng thẻ BHYT trên ứng dụng VssID để KCB BHYT.
Ngày 10/8/2021, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam đã ký ban hành Kế hoạch số 2434/KH-BHXH về việc nâng cấp, hoàn thiện ứng dụng VssID, theo đó, trong thời gian tới, BHXH Việt Nam sẽ tích hợp toàn bộ các DVC trực tuyến mức độ 4 dành cho cá nhân trên ứng dụng VssID.
Tích cực hỗ trợ người lao động, đơn vị sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19
Thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ người lao động (NLĐ) và người SDLĐ gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, BHXH Việt Nam đã xây dựng quy trình, điều chỉnh các phần mềm nhằm bổ sung các chức năng, đáp ứng các quy định tại Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg và Nghị quyết số 68/2021/NQ-CP.
Cụ thể, bổ sung các chức năng: Quản lý đơn vị giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; Xác nhận danh sách NLĐ tham gia theo hồ sơ quy định Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg do đơn vị, DN, cá nhân gửi qua Cổng DVC Quốc gia; Quản lý đơn vị tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất; Chi trả hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề...
Đồng thời, triển khai các DVC trên Cổng DVC BHXH Việt Nam (tại địa chỉ: https://dichvucong.baohiemxahoi.gov.vn) và yêu cầu I-VAN cung cấp trên các phần mềm của I-VAN, gồm: Tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất (đã cung cấp từ tháng 4/2020); Hỗ trợ người SDLĐ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho NLĐ; Hỗ trợ NLĐ tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương; Hỗ trợ NLĐ ngừng việc; Hỗ trợ người SDLĐ vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất; Giải quyết giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Bên cạnh việc triển khai DVC trên Cổng DVC của Ngành và các nhà I-VAN, BHXH Việt Nam đã phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các đơn vị liên quan, kết nối, tích hợp, cung cấp 05 DVC trực truyến hỗ trợ NLĐ, người SDLĐ gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 trên Cổng DVC Quốc gia. Cụ thể, các DVC: Hỗ trợ NLĐ và người SDLĐ tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí tử tuất; hỗ trợ NLĐ tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương; hỗ trợ NLĐ ngừng việc; hỗ trợ NLĐ chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; hỗ trợ người SDLĐ vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất.
Theo số liệu thống kê trên các phần mềm, trong 10 tháng năm 2021, BHXH Việt Nam đã tiếp nhận và giải quyết và giải quyết 61.616 giao dịch trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Trong đó, thanh toán gia hạn thẻ BHYT theo hộ gia đình cho 52.468 trường hợp; tiếp nhận và giải quyết cấp lại thẻ BHYT do hỏng, mất cho 2.876 trường hợp; đóng tiếp BHXH tự nguyện cho 5.491 trường hợp; đóng BHXH bắt buộc, BHYT, BHTN cho 281 trường hợp.
Thực hiện Nghị quyết số 116/NQ-CP ngày 24/9/2021 của Chính phủ và Quyết định số 28/2021/QĐ-TTg ngày 01/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện chính sách hỗ trợ NLĐ và người SDLĐ bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 từ Quỹ BHTN, BHXH Việt Nam đã kịp thời xây dựng quy trình, điều chỉnh, bổ sung chức năng trên các phần mềm, ứng dụng, cung cấp các DVC trực tuyến Hỗ trợ người tham gia BHTN bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 (cho cả cá nhân và tổ chức), tích hợp DVC trên Cổng DVC Quốc gia, Cổng DVC BHXH Việt Nam, các nhà I-VAN và ứng dụng VssID - BHXH số.
Kết nối, chia sẻ dữ liệu
Thực hiện Nghị định số 43/2021/NĐ-CP ngày 31/3/2021 của Chính phủ quy định CSDL quốc gia về bảo hiểm, BHXH Việt Nam đã ban hành Kế hoạch số 455/QĐ-BHXH, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan hoàn thiện các CSDL chuyên ngành, triển khai mở rộng kho dữ liệu, công bố danh mục dữ liệu mở; kết nối, chia sẻ với các CSDL quốc gia khác để đơn giản hóa TTHC, loại bỏ yêu cầu cung cấp giấy tờ của cá nhân, tổ chức khi giao dịch với cơ quan BHXH.
Đồng thời, BHXH Việt Nam thực hiện kết nối và chia sẻ dữ liệu với các đơn vị gồm: Kết nối với trục liên thông văn bản của Văn phòng Chính phủ; Kết nối với trục tích hợp dữ liệu quốc gia do Bộ Thông tin và Truyền thông quản lý đảm bảo sẵn sàng chia sẻ dữ liệu với các bộ/ngành; các CSDL quốc gia khác khi có yêu cầu; Kết nối, chia sẻ dữ liệu với Tổng cục Thuế để trao đổi dữ liệu mã số thuế sử dụng trong quản lý tổ chức trả thu nhập tham gia BHXH và dữ liệu tổ chức, cá nhân trả thu nhập từ tiền lương tham gia đóng các khoản BHXH bắt buộc và nộp thuế để phối hợp quản lý thu các khoản BHXH bắt buộc, bảo hiểm y tế, BHTN và quản lý thu thuế; Kết nối, trao đổi thông tin với Bộ Tư pháp để thực hiện việc liên thông đăng ký khai sinh, cấp thẻ BHYT cho trẻ dưới 6 tuổi theo quy định tại Thông tư liên tịch số 05/2015/TTLT-BTP-BCA-BYT ngày 15/5/2015; Kết nối, chia sẻ dữ liệu chuyên ngành về BHYT với Bộ Y tế: Dữ liệu hộ gia đình tham gia BHYT, dữ liệu giám định thanh toán chi phí KCB BHYT. Đã phối hợp xây dựng ứng dụng khai báo nhân lực y tế và hồ sơ sức khỏe cá nhân; Đã ký quy chế phối hợp giữa Bộ Y tế và BHXH Việt Nam trong xây dựng và thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT; Kết nối với Kiểm toán Nhà nước và đã ký Quy chế phối hợp trao đổi thông tin qua hệ thống liên thông dữ liệu giữa BHXH Việt Nam và Kiểm toán Nhà nước về tình hình thanh toán bảo hiểm, hỗ trợ BHXH và xử lý chậm đóng BHXH… và triển khai hệ thống liên thông.
Kết nối kỹ thuật để liên thông dữ liệu với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để triển khai Nghị định số 122/2020/NĐ-CP ngày 15/10/2020 về quy định về phối hợp, liên thông thủ tục đăng ký thành lập DN, chi nhánh, văn phòng đại diện, khai trình việc sử dụng lao động, cấp mã số đơn vị tham gia BHXH, đăng ký sử dụng hóa đơn của DN; Kết nối với Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam để phục vụ việc tiếp nhận và trả hồ sơ cho người tham gia, đơn vị SDLĐ qua đường bưu chính.
Kết nối với các hệ thống ngân hàng để thực hiện thu nộp và chi trả BHXH, BHYT, BHTN điện tử; Kết nối với các đơn vị cung cấp dịch vụ I-VAN để tiếp nhận và trả hồ sơ điện tử; Kết nối với Cổng DVC Quốc gia để chia sẻ, xác thực thông tin định danh; Kết nối với Bộ Công an nhằm chia sẻ, chuẩn hóa dữ liệu giữa CSDL quốc gia về bảo hiểm với CSDL quốc gia về dân cư...
Đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số
Trong thời gian tới, để tạo thuận lợi hơn nữa cho các tổ chức, cá nhân khi tham gia giao dịch với cơ quan BHXH, đồng thời thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng chính phủ điện tử, hướng tới chính phủ số, BHXH Việt Nam tiếp tục triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm về ứng dụng CNTT, chuyển đổi số sau:
Thứ nhất, về hạ tầng CNTT: Duy trì hệ thống hạ tầng, đường truyền đảm bảo cung cấp các dịch vụ liên thông, các hoạt động giao dịch trực tuyến; đảo đảm an toàn thông tin mạng trong hoạt động của ngành BHXH Việt Nam; bổ sung năng lực, hoàn thiện các Trung tâm Dữ liệu của Ngành, đáp ứng sự tăng trưởng dữ liệu trong tương lai; hướng tới tái cấu trúc, chuyển đổi hạ tầng CNTT thành hạ tầng số thống nhất, ổn định, linh hoạt; ưu tiên áp dụng công nghệ như: AI, BigData, Cloud Computing... làm nền tảng cho việc phát triển ứng dụng, dịch vụ mới theo hướng sử dụng chung hạ tầng số, nền tảng số và các dịch vụ CNTT sẵn có; triển khai xây dựng Trung tâm giám sát, điều hành thông minh để giám sát, điều hành hoạt động ứng dụng CNTT, xây dựng và vận hành Chính phủ số trong toàn Ngành...
Thứ hai, về ứng dụng nội bộ Ngành: Nâng cấp, hiệu chỉnh, hoàn thiện các phần mềm để đáp ứng các quy trình nghiệp vụ, 100% các phần mềm liên thông theo quy định; Tiếp tục hoàn chỉnh hệ thống thông tin quản lý, hỗ trợ ra quyết định phục vụ đắc lực cho công tác dự báo, ra quyết định, chính sách một cách kịp thời và xuyên suốt; Triển khai CSDL quốc gia về Bảo hiểm, đáp ứng các quy định của Nghị định số 43/2021/NĐ-CP quy định CSDL quốc gia về bảo hiểm; tích hợp với các CSDL chuyên Ngành của các bộ, ngành liên quan, góp phần xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính phủ điện tử, chính phủ số tại Việt Nam...
Thứ ba, cung cấp DVC cho người dân và DN: 100% các DVC thực hiện mức độ 4, tích hợp thanh toán điện tử; Tiếp tục duy trì hiệu quả hệ thống tương tác giữa cơ quan BHXH với người dân và DN thông qua hệ thống tin nhắn đa phương tiện, cung cấp thông tin một cách kịp thời, chính xác nhất; Tiếp tục thực hiện liên thông dữ liệu trong quản lý, chỉ đạo công tác tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết TTHC theo cơ chế “một cửa” nhằm theo dõi, kiểm tra, xử lý, đôn đốc tiến độ tiếp nhận hồ sơ, giải quyết và trả kết quả TTHC của BHXH địa phương qua mạng trực tuyến.
Thứ tư, đảm bảo an toàn thông tin: Duy trì công tác triển khai bảo đảm an toàn thông tin của Ngành theo mô hình do Bộ Thông tin và Truyền thông quy định; Tiếp tục triển khai các hoạt động thường xuyên về xác định và bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ; Giám sát, ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng, bảo vệ các hệ thống thông tin; Bồi dưỡng nâng cao năng lực cho công chức, viên chức chuyên trách về CNTT kỹ năng số, phân tích dữ liệu, xử lý dữ liệu và an toàn thông tin...
Với những nỗ lực trong ứng dụng CNTT, chuyển đổi số, xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, 3 năm liên tiếp (2018, 2019 và 2020) BHXH Việt Nam giữ vững vị trí thứ 2 trên bảng xếp hạng chỉ số sẵn sàng cho ứng dụng và phát triển CNTT Việt Nam. Tại Hội nghị trực tuyến công bố kết quả đánh giá mức độ chuyển đổi số của các bộ, ngành và các tỉnh, thành phố năm 2020 do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức ngày 19/10/2021, BHXH Việt Nam cũng được đánh giá và xếp thứ 4/18 bộ, ngành có cung cấp DVC.
Tài liệu tham khảo:
1. Báo cáo số 3299/BC-BHXH ngày 20/10/2021 của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam về kết quả thực hiện công tác tháng 10 và nhiệm vụ công tác những tháng cuối năm 2021;
2. Quyết định số 455/QĐ-BHXH ngày 21/5/2021 của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị định số 43/2021/NĐ-CP ngày 31/3/2021 quy định cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm;
3. Kế hoạch số 2434/KH-BHXH ngày 10/8/2021 về việc nâng cấp, hoàn thiện ứng dụng VssID - Bảo hiểm xã hội số;
4. Cổng Thông tin điện tử Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam xếp thứ hạng cao trong các bộ, ngành về chuyển đổi số;
5. Cổng Thông tin điện tử Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, Ngành Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đạt nhiều kết quả tốt, tiến bộ trong ứng dụng công nghệ thông tin.
(*) ThS. Nguyễn Hoàng Phương - Phó Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin (Bảo hiểm Xã hội Việt Nam)
(**) Bài đăng trên Tạp chí Tài chính số kỳ 1 tháng 11/2021.