Bảo hiểm thất nghiệp là điểm tựa cho người lao động

Theo Thy Lê/vnbusiness.vn

Bảo hiểm thất nghiệp là chính sách ưu việt, người lao động nên tham gia để được hưởng nhiều quyền lợi, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang gây tác động xấu tới thị trường việc làm.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Theo Tổng cục Thống kê, trung bình trong 9 tháng năm 2021, số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động là hơn 1,3 triệu người, tăng 126,5 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động là 2,99%, tăng 0,35 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị là 4,02%, cao hơn 1,64 điểm phần trăm so với khu vực nông thôn

Nhiều hỗ trợ đi kèm

Theo ông Trần Tuấn Tú, Trưởng phòng Bảo hiểm thất nghiệp (Cục Việc làm), Bộ LĐTB&XH, Bảo hiểm thất nghiệp là chính sách ưu việt, người lao động nên tham gia để được hưởng nhiều quyền lợi.

Lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp được đảm bảo quyền lợi như hỗ trợ đào tạo nghề tức là người lao động được đào tạo kiến thức, kỹ năng để có thể tìm việc làm mới; hỗ trợ sớm có việc làm và ổn định việc làm; được tư vấn việc làm miễn phí khi bị chấm dứt hợp đồng lao động…

Chị Phạm Ngân (Vĩnh Phúc) cho biết gần một nửa năm bị thất nghiệp nên làm hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp, không biết liệu có được hưởng tiền hỗ trợ người lao động từ Nghị quyết 116 của Chính phủ hay không?

Về vấn đề này, ông Tạ Văn Thảo, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội nêu rõ, Nghị quyết số 116/NQ-CP của Chính phủ quy định, người lao động đang tham gia bảo hiểm, người lao động dừng việc làm đến tháng 6/2021 đều được hưởng hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp.

Đồng thời giải đáp vấn đề này, ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội cho hay, người đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp thì có quyền được hưởng gói hỗ trợ thuộc Nghị quyết số 116/NQ-CP của Chính phủ. Tuy nhiên có một số lưu ý, người lao động phải đang nộp bảo hiểm thất nghiệp, đến thời điểm 30/9/2021.

Thứ 2 là người lao động có thể dừng hợp đồng lao động từ 1/1/2020 đến 30/9/2021, trong bối cảnh này Việt Nam bị ảnh hưởng của COVID-19, đã được hưởng rồi nhưng họ vẫn có thời gian bảo lưu để được hưởng bảo hiểm thất nghiệp, lúc này người lao động vẫn được hưởng chính sách từ gói hỗ trợ.

Giúp người lao động hiểu thêm về chính sách

Ngoài vấn đề hỗ trợ trực tiếp tiền mặt để người lao động vượt dịch, ổn định cuộc sống, hiện chính sách của Nhà nước đặt ra ưu tiên đào tạo nghề cho lao động theo hướng nâng cao hoặc đào tạo lại.

Theo ông Thành, việc hưởng bảo hiểm thất nghiệp và nhận trợ cấp từ chính sách Nghị quyết 116 là hai vấn đề khác nhau. Hưởng bảo hiểm thất nghiệp là quyền được hưởng bảo hiểm khi người lao động tham gia bảo hiểm, bị thất nghiệp. Chính sách hưởng hỗ trợ do dịch COVID-19 từ Nghị quyết số 116/NQ-CP của Chính phủ kết dư của Quỹ bảo hiểm thất nghiệp, người đóng bảo hiểm thất nghiệp đều được hưởng theo cơ chế có đóng có hưởng, theo thời gian tham gia.

Bên cạnh đó, việc tham gia bảo hiểm thất nghiệp sẽ giúp người lao động được hỗ trợ học nghề, chuyển đổi nghề nghiệp. Ông Vũ Quang Thành cho biết, hiện nay các ngành nghề như cơ khí, điện tử, chế tạo máy, các ngành nghề về chăm sóc sức khỏe, dịch vụ ăn uống vẫn có tỷ suất công việc và thu nhập ổn định. Tuy nhiên, lựa chọn ngành nghề nào để có công việc ổn định hay thu nhập cao tùy thuộc vào sở thích và năng lực của mỗi người. Điều này sẽ giúp người lao động có cuộc sống ổn định hơn.

Trong khi đó, ông Lý Duy Xuân, Phó Bí thư Thành đoàn Hà Nội cho biết, thời gian qua Thành đoàn Hà Nội đã tích cực tuyên truyền đến đoàn viên, thanh niên qua mạng xã hội, báo chí, truyền hình các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước và về chính sách Bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm xã hội...

“Qua các phong trào, chúng tôi tổ chức rất nhiều hoạt động tuyên truyền đến thanh niên, công nhân, lao động trẻ, gắn với an sinh xã hội, hoạt động phòng chống dịch, nhất là thời điểm cuối năm, cận kề Tết cổ truyền… từ đó giúp đoàn viên, thanh niên, lao động trẻ hiểu hơn về chính sách bảo hiểm thất nghiệp”, ông Xuân nói.

Theo thông tin từ Bảo hiểm xã hội Việt Nam, tính đến hết ngày 6/12/2021, Bảo hiểm Xã hội các địa phương đã giải quyết hưởng hỗ trợ từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp cho hơn 12,5 triệu người lao động, với tổng số tiền hỗ trợ hơn 29.600 tỷ đồng.

Bên cạnh chính sách hỗ trợ từ quỹ Bảo hiểm thất nghiệp, BHXH Việt Nam đang tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động theo Nghị quyết số 68 (hay còn gọi là gói 26.000 tỷ đồng) đã đạt được nhiều kết quả tích cực.