Bảo hiểm xã hội Việt Nam: Vượt khó phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội

Theo Hoa Quỳnh/congthuong.vn

Mặc dù phía trước còn nhiều khó khăn, tuy nhiên với nhiều tín hiệu lạc quan cho nền kinh tế nên ngành Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam đặt kỳ vọng sẽ mang lại những thuận lợi hơn cho công tác thực hiện chính sách của Ngành trong năm 2021.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Vào những tháng đầu năm, do dịch bệnh Covid-19 phát sinh những diễn biến phức tạp, kéo dài, đã tiếp tục tác động, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, việc làm của người lao động; do đó đã gây ra những khó khăn cho việc triển khai thực hiện công tác phát triển người tham gia BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT).

Báo cáo của BHXH Việt Nam cho biết, tính đến hết 28/2/2021, toàn Ngành đã phát triển 98.037 người tham gia BHXH, đưa tổng số người tham gia tính lên con số 16,03 triệu người (đạt 32,27% LLLĐ trong độ tuổi); phát triển 1.445.187 người tham gia BHYT, tính chung cả nước đã đạt 86,5 triệu người tham gia BHYT (đạt tỷ lệ bao phủ 88,65% dân số); số người tham gia BHXH tự nguyện đã tăng thêm 47.268 người, đạt 26,67% lực lượng lao động trong độ tuổi. Tuy nhiên số phát triển trong 2 tháng đầu năm vẫn chưa đạt được kế hoạch mà BHXH Việt Nam đặt ra .

Đặc biệt, theo BHXH Việt Nam, tình trạng nợ đọng, chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN còn khá phổ biến, hiện tổng số tiền nợ BHXH, BH thất nghiệp, BHYT khoảng 26.592 tỷ đồng. Việc xử lý đối với đơn vị, doanh nghiệp phá sản, giải thể, chủ bỏ trốn, ngừng hoạt động... vẫn còn khó khăn, vướng mắc. Số người đề nghị hưởng BHXH một lần vẫn có chiều hướng gia tăng...

Hiện các chỉ tiêu phát triển đối tượng chưa đạt kế hoạch kỳ vọng, song BHXH Việt Nam cho rằng vẫn có sự tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước. Đồng thời, hiện các doanh nghiệp các tỉnh phía Nam đang có nhu cầu tuyển dụng cao, dịch Covid-19 vẫn còn, nhưng sẽ giảm bớt áp lực so với năm trước, bởi các giải pháp chỉ đạo của Chính phủ đã có sự khác biệt, việc khoanh vùng phong tỏa không quá rộng, nên giảm bớt tác động tiêu tực đến khối doanh nghiệp.

Mặt khác, với sự nỗ lực tích cực của toàn ngành BHXH, đã có 5 địa phương tham mưu cho cấp ủy ban hành Nghị quyết về phát triển đối tượng, 45 địa phương đã kiện toàn Ban chỉ đạo phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp và xây dựng quy chế làm việc.

Theo kế hoạch, từ nay đến hết năm 2021, ngành BHXH cần phát triển thêm 1,6 triệu người tham gia BHXH; 847.545 người tham gia BH thất nghiệp và 1.888.301 người tham gia BHYT. Để có thể hoàn thành mục tiêu đề ra, BHXH Việt Nam sẽ tập trung rà soát, phân nhóm các đối tượng tham gia BHXH tự nguyện để xác định được các nhóm cần ưu tiên phát triển; phối hợp với Bộ LĐ-TB&XH tiếp tục hoàn thiện các quy định về đại lý thu, đề xuất nghiên cứu tháo gỡ các khó khăn trong giải quyết nợ, chính sách BHXH, BHYT tại các đơn vị giải thể, phá sản...

Tại Hội nghị giao ban tháng 3/2021của BHXH Việt Nam, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh cho hay, năm 2021 có nhiều thách thức với ngành BHXH khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiệm vụ của ngành BHXH bên cạnh đảm bảo quyền lợi cho người dân tham gia BHXH, BHYT theo đúng quy định. Bên cạnh đó, cần phải theo dõi sát tình hình thực tế để có đề xuất tạo điều kiện tối đa hỗ trợ người dân trong việc thụ hưởng quyền lợi, đặc biệt là khám chữa bệnh (KCB) BHYT.

“Trong khó khăn từ đại dịch Covid-19, người nghèo càng nhận thức hơn về vai trò của chính sách BHXH, BHYT đối với cuộc sống của mình, do đó họ cũng là nhóm đối tượng cần đặc biệt quan tâm hơn trong việc phát triển BHYT hộ gia đình, BHXH tự nguyện”, ông Mạnh nói.

Lãnh đạo BHXH Việt Nam yêu cầu, BHXH các địa phương là triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp phát triển người tham gia như: đôn đốc thu, giảm nợ, không để phát sinh nợ đóng BHXH, BHTN, BHYT trong tháng 3 và những tháng tiếp theo; Phối hợp với các bộ, ngành triển khai chương trình, kế hoạch thanh tra, kiểm tra liên ngành năm 2021; thực hiện thanh tra chuyên ngành theo kế hoạch đã được BHXH Việt Nam phê duyệt; tăng cường thanh tra chuyên ngành đột xuất tại các đơn vị có dấu hiệu nợ đọng, lạm dụng quỹ BHXH, BHYT; Quản lý chặt chẽ đối tượng thụ hưởng, đổi mới phương thức phục vụ, chi trả qua các tổ chức dịch vụ công; đẩy mạnh việc chi trả không dùng tiền mặt theo chỉ đạo của Chính phủ; Quản lý chặt chẽ việc chi trả các chế độ BHXH ngắn hạn, trợ cấp một lần, trợ cấp BHTN; tăng cường, chủ động các biện pháp kiểm soát chi phí KCB BHYT tại các cơ sở KCB.

Đồng thời, tiếp tục rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính; mở rộng cung cấp các dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 (100% dịch vụ công của ngành được thực hiện ở mức độ 4); tích hợp, cung cấp thêm các dịch vụ công của ngành trên Cổng dịch vụ công Quốc gia theo hướng dẫn của Văn phòng Chính phủ. Hoàn thiện, bổ sung các tính năng, tiện ích mới trên ứng dụng VssID - BHXH số; hoàn thiện, nâng cấp các phần mềm nghiệp vụ, nhất là hệ thống phần mềm quyết toán tập trung; cập nhật bổ sung dữ liệu hộ gia đình, cấp mã số BHXH cho người tham gia; liên thông, kết nối, chia sẻ dữ liệu với các Bộ, ngành. Đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá, hướng dẫn, hỗ trợ đơn vị, doanh nghiệp, người lao động, người dân cài đặt và sử dụng ứng dụng VssID - BHXH số.