Bảo hiểm Xã hội Việt Nam:

Đảm bảo quyền lợi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế cho học sinh, sinh viên

Nhật Nam

Trong thời gian qua, ngành Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã luôn đảm bảo quyền lợi khám chữa bệnh cho các em học sinh, sinh viên tham gia bảo hiểm y tế (BHYT), từ đó tạo niềm tin cho các bậc phụ huynh vào chính sách BHYT.

Thẻ BHYT đã khẳng định vai trò đảm bảo chăm sóc sức khỏe và các quyền lợi khám chữa bệnh chính đáng của học sinh, sinh viên.
Thẻ BHYT đã khẳng định vai trò đảm bảo chăm sóc sức khỏe và các quyền lợi khám chữa bệnh chính đáng của học sinh, sinh viên.

Ghi nhận kết quả tích cực

Những năm gần đây, nhờ sự chủ động, tích cực vào cuộc của các cấp, các ngành và chính quyền địa phương, việc thực hiện chính sách BHYT học sinh, sinh viên đã đạt được những kết quả nhất định, tỷ lệ học sinh, sinh viên tham gia BHYT ở nước ta tăng dần qua các năm.

Nếu như năm học 2018-2019, cả nước có khoảng hơn 17,4 triệu học sinh, sinh viên tham gia BHYT (đạt tỷ lệ bao phủ khoảng 94,2%) thì đến năm học 2019-2020, cả nước có hơn 17,7 triệu học sinh, sinh viên tham gia BHYT (đạt tỷ lệ bao phủ khoảng 95,2%), tăng 1% so với năm học 2018-2019.

Năm học 2020-2021, mặc dù bị ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 song nhờ có sự quan tâm, chỉ đạo của các bộ ngành, các địa phương và sự hưởng ứng của đông đảo phụ huynh, cũng như HSSV nên việc triển khai chính sách BHYT học sinh, sinh viên tiếp tục đạt những kết quả tích cực.

Theo thống kê, năm học 2020-202, cả nước có hơn 18 triệu học sinh, sinh viên tham gia BHYT, tăng 1,6% so với năm học 2019-2020. Trong đó, có hơn 14,5 triệu tham gia theo nhóm học sinh, sinh viên và 3,5 triệu học sinh, sinh viên tham gia theo nhóm khác (như hộ nghèo, hộ cận nghèo, thân nhân lực lượng vũ trang...).

Đáng chú ý, nhiều địa phương có tỷ lệ học sinh, sinh viên tham gia BHYT đạt cao như: Hà Giang, Hải Dương, Ninh Bình, Cần Thơ, Bắc Ninh, Hải Phòng, Lạng Sơn, Hà Nam, Tuyên Quang…

Kết quả phát triển BHYT trong những năm qua cho thấy, nhận thức của các bậc phụ huynh và học sinh, sinh viên về quyền lợi, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc tham gia BHYT đã được nâng cao.

Đơn cử như: Nếu trước đây, một số phụ huynh có quan niệm chỉ khi con mắc bệnh nan y, mãn tính, cần điều trị với chi phí khám chữa bệnh lớn mới tham gia BHYT cho con em mình, thì hiện nay, phần lớn phụ huynh đã chủ động tham gia BHYT cho con em mình ngay từ khi các con đang khỏe mạnh.

Kịp thời chi trả chi phí khám chữa bệnh BHYT cho học sinh, sinh viên

Bên cạnh kết quả tích cực trong phát triển BHYT học sinh, sinh viên, thời gian qua, ngành BHXH Việt Nam đã kịp thời đảm bảo quyền lợi, chi trả chi phí khám chữa bệnh cho học sinh, sinh viên tham gia BHYT.

Theo thống kê của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, năm 2020, số lượng học sinh, sinh viên đi khám chữa bệnh BHYT là trên 3,33 triệu bệnh nhân với trên 6,86 triệu lượt khám chữa bệnh; chi phí khám chữa bệnh được Quỹ BHYT chi trả là hơn 2.296,11 tỷ đồng.

Chẳng hạn như: Năm 2020, trường hợp của bệnh nhân có mã thẻ HS4747423096XXX, điều trị nội trú 01 lượt tại Bệnh viện Nhi đồng II (TP. Hồ Chí Minh) với chẩn đoán “Viêm cơ, không phân loại nơi khác”, chi phí khám chữa bệnh BHYT là 742,34 triệu đồng, trong đó: tiền thuốc là 389,71 triệu đồng; tiền xét nghiệm là 102,65 triệu đồng; tiền máu là 96,56 triệu đồng; tiền giường là 67,72 triệu đồng; tiền phẫu thuật, thủ thuật là 64,37 triệu đồng; tiền vật tư y tế là 16,55 triệu đồng.

Đặc biệt, trong 7 tháng đầu năm 2021, ngành Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã đảm bảo quyền lợi khám chữa bệnh BHYT cho học sinh, sinh viên. Cụ thể, số lượng học sinh, sinh viên đi khám chữa bệnh BHYT là 2.089.713 bệnh nhân với 3.622.994 lượt khám chữa bệnh, chi phí khám chữa bệnh BHYT là 1.398,31 tỷ đồng.

Theo Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, nhóm học sinh, sinh viên có chi phí khám chữa bệnh BHYT với số tiền từ 100-200 triệu đồng trong 7 tháng đầu năm 2021  gồm 4 bệnh nhân/13 lượt khám chữa bệnh với chi phí là 442 triệu đồng. Đối với nhóm học sinh, sinh viên có chi phí khám chữa bệnh BHYT trên 200 triệu đồng gồm 1 bệnh nhân/01 lượt khám chữa bệnh với chi phí là 523 triệu đồng.

Điển hình như: Trường hợp của bệnh nhân có mã thẻ HS4797935403XXX, điều trị nội trú 01 lượt tại Bệnh viện Nhi đồng I (TP. Hồ Chí Minh) với chẩn đoán “Bỏng nhiều vùng, ít nhất có một vùng bỏng độ ba”, chi phí KCB BHYT 523,01 triệu đồng. Trong đó: Tiền thuốc là 383,99 triệu đồng; tiền phẫu thuật, thủ thuật là 66,42 triệu đồng; tiền xét nghiệm là 26,56 triệu đồng; tiền giường là 18,89 triệu đồng; tiền máu là 15,48 triệu đồng, tiền vật tư y tế là 11,14 triệu đồng...

Việc đảm bảo bảo quyền lợi khám chữa bệnh BHYT cho học sinh, sinh viên thời gian qua cho thấy, thẻ BHYT đã khẳng định vai trò đảm bảo chăm sóc sức khỏe và các quyền lợi khám chữa bệnh chính đáng của học sinh, sinh viên; đồng thời, tiếp thêm niềm tin để các gia đình yên tâm điều trị cho con em mình, giúp các em học sinh, sinh viên không may ốm đau, bệnh tật có cơ hội được khám chữa bệnh và sớm quay trở lại cuộc sống.

Trong 7 tháng đầu năm 2021, ngành Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã đảm bảo quyền lợi khám chữa bệnh BHYT cho học sinh, sinh viên. Cụ thể, số lượng học sinh, sinh viên đi khám chữa bệnh BHYT là 2.089.713 bệnh nhân với 3.622.994 lượt khám chữa bệnh, chi phí khám chữa bệnh BHYT là 1.398,31 tỷ đồng.