Muôn dạng hình thức trục lợi bảo hiểm xe cơ giới

Theo Hoài Thu/tinnhanhchungkhoan.vn

Trục lợi bảo hiểm, đặc biệt là ở bảo hiểm xe cơ giới, không còn là câu chuyện mới, nhưng hành vi này đang ngày càng tinh vi, phức tạp, khiến nhiều doanh nghiệp bảo hiểm đau đầu.

Hành vi trục lợi bảo hiểm, đặc biệt là ở bảo hiểm xe cơ giới đang ngày càng tinh vi, phức tạp.
Hành vi trục lợi bảo hiểm, đặc biệt là ở bảo hiểm xe cơ giới đang ngày càng tinh vi, phức tạp.

Mặc dù Liên Bộ Tài chính - Bộ Công an đã có Thông tư liên tịch quy định về việc phối hợp kiểm tra, giám sát, ngăn chặn hành vi trục lợi và gian lận bảo hiểm xe cơ giới, thế nhưng hành vi vi phạm này vẫn diễn ra khá phổ biến.

Theo Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV), những năm gần đây, trục lợi bảo hiểm xe cơ giới diễn ra thường xuyên hơn, số tiền trục lợi bảo hiểm xe cơ giới hàng năm chiếm khoảng 15% tổng mức bồi thường.

Thực tế, hành vi trục lợi bảo hiểm xe cơ giới ở Việt Nam rất đa dạng, chẳng hạn cố tình lập hồ sơ khiếu nại cho một vụ tổn thất không có thật, tự phá hủy tài sản để đòi bồi thường bảo hiểm (dàn dựng tai nạn xe hơi, tự đốt cháy xe…), kê khai thông tin thiếu trung thực (có thể diễn ra ngay từ giai đoạn tiền hợp đồng, hoặc sau khi tai nạn xảy ra) nhằm gia tăng lợi ích, hưởng lợi bất hợp pháp từ doanh nghiệp bảo hiểm…

Ngoài ra, còn có dạng trục lợi là bị tổn thất rồi mới mua bảo hiểm, thông đồng với ga-ra nâng giá sửa chữa xe… Trong nhiều trường hợp, doanh nghiệp bảo hiểm có thể biết, nhưng rất khó để có căn cứ khẳng định đó là hành vi trục lợi.

Một hình thức tinh vi không kém nhằm trục lợi bảo hiểm xe cơ giới là việc khách hàng tạo hiện trường giả đối với các vụ tai nạn, nhất là nhưng vụ việc quy mô vừa và nhỏ, gây nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp bảo hiểm.

Ðại diện của Bảo hiểm Bưu điện (PTI) cho biết, có trường hợp khách hàng tham gia bảo hiểm xe cơ giới của PTI, nhưng không mua phần trách nhiệm ngoài lãnh thổ Việt Nam. Chính vì thế, khi xe chạy sang địa phận Campuchia bị tổn thất, khách hàng đã kéo xe về Quốc lộ 8 thuộc địa phận tỉnh Hà Tĩnh để tạo dựng hiện trường giả.

Vụ việc có tổn thất lên tới 500 triệu đồng, nên PTI đã phải làm việc với cơ quan chức năng cùng người dân địa phương tại khu vực khách hàng khai báo tai nạn để xác minh và đưa ra căn cứ từ chối bồi thường.

Tính từ đầu năm 2019 đến nay, riêng PTI đã phát hiện khoảng 30 vụ trục lợi bảo hiểm xe cơ giới, số tiền từ chối bồi thường khoảng 14 tỷ đồng.

Theo một số doanh nghiệp bảo hiểm, hiện nay các hình thức mà khách hàng thường lợi dụng để trục lợi bảo hiểm xe cơ giới bao gồm: nhập nhằng trong việc kiểm tra nồng độ cồn; thay đổi lái xe khi xe gây ra tai nạn và tạo hiện trường giả.

“Ðã có một số  hiện tượng xảy ra tai nạn nhưng lái xe có nồng độ cồn không thông báo ngay mà để hôm sau mới báo, doanh nghiệp  buộc phải từ chối chờ tòa phân xử”, đại diện một doanh nghiệp cho biết.

Thực tế, với mỗi vụ tai nạn giao thông, kiểm tra nồng độ cồn của tài xế là yêu cầu gần như bắt buộc. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, khi cơ quan công an đưa ra kết luận không có nồng độ cồn trong máu, thì cơ quan y tế lại cho ra kết quả ngược lại, dẫn đến tranh chấp giữa doanh nghiệp bảo hiểm và khách hàng.

“Theo quy định của một số công ty bảo hiểm, khi tài xế gây ra tai nạn, nếu kiểm tra có nồng độ cồn trong máu sẽ không được chi trả, bồi thường thiệt hại. Tuy nhiên, trong nhiều vụ tai nạn, số liệu giữa cơ quan công an và y tế trái ngược nhau, khiến các công ty bảo hiểm bối rối trong việc chi trả bồi thường, dẫn đến tranh cãi với khách hàng và cả cơ quan chức năng. Ðể thị trường bảo hiểm minh bạch, bền vững, tình trạng này cần được xử lý triệt để”, đại diện PTI nhấn mạnh.

Theo Nghị định số 48/2018/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, tổ chức hoặc cá nhân sẽ bị phạt tiền từ 90 triệu đồng đến 100 triệu đồng nếu có hành vi gian lận trong kinh doanh bảo hiểm khi số tiền chiếm đoạt dưới 20 triệu đồng, hoặc gây thiệt hại dưới 50 triệu đồng. Ngoài ra, trục lợi bảo hiểm nói chung, trục lợi bảo hiểm xe cơ giới nói riêng, đã được hình sự hóa và đưa vào Bộ luật Hình sự 2015 với tội danh “Gian lận trong kinh doanh bảo hiểm”. 

Theo đó, cá nhân người phạm tội có thể bị phạt tiền tới 300 triệu đồng hoặc phạt tù từ 1-3 năm, pháp nhân phạm tội có thể bị phạt tiền tới 7 tỷ đồng, có thể bị cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định, hoặc cấm huy động vốn.