Nâng cao hiệu quả thanh tra chuyên ngành bảo hiểm xã hội

Anh Thu (Báo Nhân dân)

Ngày 1/1/2016, cơ quan Bảo hiểm xã hội (BHXH) chính thức được giao chức năng thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp theo Luật BHXH số 58/2014/QH13 ngày 20/11/2014… Đến nay, chức năng thanh tra chuyên ngành của ngành BHXH Việt Nam đã cho thấy những hiệu quả rõ rệt trong công tác phát triển người tham gia, bảo đảm thu đúng, thu đủ và giảm nợ đọng BHXH, BHYT, góp phần nâng cao hiệu quả trong công tác bảo vệ quyền lợi an sinh của người lao động.

Đoàn thanh tra chuyên ngành Bảo hiểm xã hội tỉnh Quảng Ninh thanh tra doanh nghiệp tại địa bàn tỉnh. Ảnh: Quảng Ninh)
Đoàn thanh tra chuyên ngành Bảo hiểm xã hội tỉnh Quảng Ninh thanh tra doanh nghiệp tại địa bàn tỉnh. Ảnh: Quảng Ninh)

Năm 2016, thời điểm ngành BHXH Việt Nam chưa được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành đóng, số nợ BHXH, BHYT chiếm tỷ lệ tương đối cao so với tổng số phải thu (cụ thể, năm 2014, tổng số tiền nợ BHXH chiếm 4,86%; năm 2015, số tiền nợ chiếm 3,74%). Tuy nhiên, từ năm 2016 số tiền nợ BHXH đã giảm dần, tương ứng với 2,7% (năm 2016); 2,2% (năm 2017); 1,7% (năm 2018) và 1,6% (năm 2019); riêng năm 2020, tỷ lệ nợ chiếm 3,35% tổng số phải thu mà nguyên nhân chủ yếu là do đại dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn.

Cùng với số nợ giảm, trong giai đoạn 2016-2020, qua công tác thanh tra, kiểm tra, ngành BHXH Việt Nam đã phát hiện, yêu cầu cơ quan, tổ chức, đơn vị truy đóng 664,1 tỷ đồng tiền đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm  thất nghiệp, với 240.245 người được tham gia và thụ hưởng quyền lợi an sinh xã hội; thu hồi về quỹ BHXH 50,4 tỷ đồng tiền hưởng chế độ không đúng quy định; thu hồi về quỹ BHYT 828,4 tỷ đồng chi phí khám, chữa bệnh BHYT không đúng quy định; chưa chấp nhận thanh toán khám, chữa bệnh BHYT 169,9 tỷ đồng.

Đặc biệt, để tăng hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, BHXH Việt Nam đẩy mạnh triển khai trên cơ sở dữ liệu, ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác này, giúp giảm thời gian làm việc trung bình so với phương pháp thanh tra, kiểm tra truyền thống. Cụ thể, riêng với đơn vị sử dụng lao động giảm 22,8% thời gian làm việc của đoàn thanh tra, kiểm tra và 49,6% thời gian làm việc của đối tượng được thanh tra, kiểm tra. “Những chuyển biến rõ rệt trong công tác thu, giảm nợ đọng, nhất là giảm tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ BHXH, BHYT thời gian qua cho thấy, việc quy định giao chức năng thanh tra chuyên ngành về đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp cho cơ quan BHXH mang lại hiệu quả cao, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động. Đồng thời răn đe, phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi vi phạm về đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp” - Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh khẳng định.

Đánh giá hiệu quả công tác thanh tra chuyên ngành đóng của cơ quan BHXH, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Trường Giang cho rằng, thời gian qua, cơ quan BHXH đã tăng cường triển khai các cơ sở dữ liệu điện tử chuyên ngành, đồng thời đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động thanh tra, kiểm tra; khai thác, phân tích dữ liệu để đánh giá, xác định dấu hiệu lạm dụng, trục lợi và các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT.

Việc triển khai thanh tra, kiểm tra theo hình thức điện tử đã làm tăng năng suất, hiệu quả, chất lượng công việc và giảm nhân lực, thời gian tiến hành của các đoàn thanh tra. Đáng chú ý, với phương pháp thanh tra, kiểm tra truyền thống, thủ công như trước đây, thời lượng làm việc trung bình tại một đơn vị sử dụng lao động là 20 giờ nhưng từ khi ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác thanh tra, kiểm tra thì số giờ làm việc tại một đơn vị khoảng 48% xuống còn 10,5 giờ. 

Tuy nhiên, nạn lạm dụng, trục lợi Quỹ vẫn đang có diễn biến phức tạp với chiều hướng gia tăng. Các hành vi vi phạm do ý thức chủ quan ngày càng tinh vi, đa dạng. Lĩnh vực BHXH xuất hiện tình trạng mua bán sổ BHXH qua mạng xã hội bằng hình thức nhận ủy quyền; mua bán, cấp khống Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH; tuyển lao động là phụ nữ mang thai, thực hiện đăng ký đóng BHXH nhưng thực tế không làm việc tại đơn vị để trục lợi thông qua việc giải quyết chế độ thai sản khi sinh con.

Lĩnh vực BHYT có nhiều trường hợp sử dụng thẻ không đúng quy định, thông đồng với nhân viên y tế làm giả hồ sơ để trục lợi Quỹ; lập hồ sơ bệnh án nhưng không có người bệnh; kê tăng số lượng, thuốc, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật, chi phí giường bệnh nhưng thực tế người bệnh không sử dụng...

Cơ quan BHXH đều phát hiện những hành vi nêu trên song do chưa được giao chức năng thanh tra chuyên ngành chi nên chỉ có thể từ chối thanh toán hoặc yêu cầu hoàn trả về Quỹ và kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý. Cùng với đó, không có chế tài xử lý, thu hồi số đã chi sai nên không đủ sức răn đe, không ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm.

Trong khi đó, công chức thanh tra của các cơ quan quản lý nhà nước về BHXH, BHYT phải tập trung các nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra theo chức năng chuyên sâu nên việc thanh tra về các chính sách này thời gian qua không nhiều, dẫn đến hiệu quả phòng ngừa các vi phạm chưa đạt hiệu quả như mong muốn.

Thảo luận về tình hình thực hiện chính sách BHXH tại kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa XV vừa qua, rất nhiều ý kiến đại biểu cho rằng, nhiều doanh nghiệp kinh doanh có lãi nhưng vẫn chậm đóng BHXH do công tác quản lý nhà nước còn thiếu hiệu quả, thiếu biện pháp cưỡng chế hành chính nên chưa đủ sức răn đe dẫn đến “nhờn” luật; có tình trạng doanh nghiệp sử dụng thang bảng lương để đóng BHXH khác với thang bảng lương để trả lương thực tế... vì vậy, các ý kiến cho rằng cần nghiên cứu sửa đổi Luật BHXH, trong đó bổ sung chức năng thanh tra chuyên ngành chi cho ngành BHXH Việt Nam. Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Minh Trang (Vĩnh Long) cho rằng, qua thực hiện thanh tra chuyên ngành đóng đã cho thấy nếu được bổ sung thanh tra chuyên ngành chi BHXH, BHYT thì đây sẽ là một công cụ quản lý để ngành BHXH Việt Nam tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ, đồng thời việc này cũng không cần tăng thêm biên chế.