Giải pháp mở rộng diện bao phủ bảo hiểm xã hội tự nguyện và bảo hiểm y tế hộ gia đình
Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm chỉ đạo xây dựng và đẩy mạnh thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế ra toàn dân và coi đây là động lực phát triển bền vững đất nước. Thực tế triển khai cho thấy, việc phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và bảo hiểm y tế hộ gia đình đạt được kết quả bước đầu, nhưng so với tiềm năng vẫn ở mức thấp, nhất là các hộ nghèo, hộ gia đình cận nghèo, hộ gia đình làm nông, lâm, ngư, diêm nghiệp. Để tiến tới bao phủ bảo hiểm xã hội tự nguyện và bảo hiểm y tế toàn dân cần triển khai đồng bộ các giải pháp trong thời gian tới.
Thực trạng phát triển bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế hộ gia đình
Thực hiện chủ trương, chính sách phát triển bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện, bảo hiểm y tế (BHYT), trong những năm qua, ngành BHXH Việt Nam đã đạt kết quả tích cực. Số người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình hàng năm sau tăng cao hơn so với năm trước. Trước năm 2016, số người tham gia BHXH tự nguyện so với lực lượng lao động còn thấp, chủ yếu là người đã có thời gian tham gia BHXH bắt buộc, đóng tiếp BHXH tự nguyện để đủ điều kiện hưởng lương hưu.
Trong giai đoạn này, có nhiều người đủ tuổi nghỉ hưu có trên 10 năm tham gia BHXH bắt buộc, nhưng chưa đủ 20 năm đóng BHXH để hưởng lương hưu, nên đóng một lần cho những năm còn thiếu với mức thu nhập làm căn cứ đóng bằng hoặc cao hơn mức lương đóng BHXH bắt buộc để hưởng mức lương hưu cao, chính vì vậy, mức đóng bình quân trước năm 2016 khá cao.
Thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW, từ tháng 9/2018, BHXH Việt Nam đã phối hợp với Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam phối hợp tổ chức các hội nghị tuyên truyền, vận động trực tiếp nông dân, người lao động khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện, kết quả sau 3 tháng, số người tham gia BHXH tự nguyện mới đạt trên 36.000 người.
Sau khi đánh giá, rút kinh nghiệm. Năm 2020, BHXH Việt Nam tiếp tục phối hợp với Bưu điện tổ chức Hội nghị tuyên truyền trực tiếp đến đối tượng tiềm năng để mở rộng diện bao phủ BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình trên toàn quốc và triển khai theo kế hoạch hàng tháng.
Kết quả số người tham gia BHXH tự nguyện năm 2019 là 558.109 người (tăng 101,3% so với năm 2018) và bằng 10 năm trước cộng lại; năm 2020 là 1.125.236 người, tăng gấp đôi so với năm 2019. Mặc dù, năm 2020 và 2021 toàn xã hội bị ảnh hưởng nặng bởi đại dịch COVID-19, nhưng đến tháng 10/2021, số người tham gia BHXH tự nguyện là 1,226 triệu người, tăng 5,6%) so với năm 2020; dự kiến đến hết năm 2021, số người tham gia BHXH tự nguyện đạt khoảng 1.271.768 người, tăng 146.532 người so với năm 2020.
Số người tham gia BHYT hộ gia đình có tỷ lệ tăng hàng năm khoảng từ 7%-35%; trong đó, tỷ lệ người tham gia BHYT năm 2016 tăng ở mức cao nhất.
Trong năm 2020 và năm 2021, thiên tai và dịch bệnh đã ảnh hưởng nặng nề đến công tác thu, phát triển đối tượng BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình. Tuy nhiên, đến tháng 8/2021, số người tham gia BHYT hộ gia đình là 20.360.890 người, tăng 1.329.786 người (tương ứng tăng 7%) so với năm 2020.
Để thực hiện mục tiêu tại các nghị quyết và đạt được kết quả trên, BHXH Việt Nam đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT nói chung và BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình nói riêng.
Điển hình như: Quyết liệt chỉ đạo BHXH địa phương thường xuyên phối hợp các sở, ngành báo cáo, tham mưu lãnh đạo cấp ủy; UBND tỉnh chỉ đạo trong công tác phát triển người tham gia BHXH, BHYT; Ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý các hoạt động nghiệp vụ, đẩy mạnh thực hiện giao dịch điện tử trong công tác thu BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN); Cải cách thủ tục hành chính, nộp hồ sơ đăng ký tham gia, đóng hưởng chế độ BHXH, BHYT, BHTN qua Cổng Dịch vụ Công Quốc gia; Triển khai ứng dụng BHXH số - VssID; Xây dựng bộ tài liệu cẩm nang tuyên truyền, vận động phát triển người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình để BHXH các tỉnh thực hiện; Đẩy mạnh phối hợp, tổ chức các hội nghị khách hàng; Triển khai các hình thức tuyên truyền vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện, BHYT phù hợp với thực tế trong bối cảnh dịch COVID-19.
Một số khó khăn, thách thức
Bên cạnh kết quả đạt được, việc phát triển BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình, so với tiềm năng thì số người tham gia BHXH tự nguyện vẫn còn thấp, nhất là người tham gia hộ nghèo, hộ gia đình cận nghèo.
Để đạt mục tiêu bao phủ BHYT toàn dân là thách thức lớn, bởi do nhóm người thuộc hộ gia đình làm nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình và nhóm người tham gia BHYT theo hộ gia đình còn khoảng trên 10% chưa tham gia BHYT.
Nguyên nhân dẫn tới số người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình còn thấp là do:
Một là, cơ chế, chính sách.
- Mức hỗ trợ tiền đóng, giảm trừ mức đóng cho người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình còn thấp, đa số các địa phương chỉ hỗ trợ kinh phí theo mức quy định của Luật BHXH, Luật BHYT chỉ một số ít địa phương hỗ trợ thêm kinh phí từ nguồn ngân sách tỉnh, thành phố.
Mức hỗ trợ kinh phí BHXH tự nguyện của Nhà nước từ ngày 01/01/2018 theo mức chuẩn nghèo khu vực nông thôn còn thấp (hộ nghèo được hỗ trợ 30% mức đóng, tương ứng 46.200 đồng/ tháng; hộ cận nghèo được hỗ trợ 25%, tương ứng 38.500 đồng/tháng; các đối tượng còn lại được hỗ trợ 10%, tương ứng 15.400 đồng/tháng).
Mức đóng BHYT hộ gia đình quy định như sau: Người thứ nhất đóng bằng 4,5% mức lương cơ sở (1.490.000 đồng/tháng), tương ứng với mức đóng là 67.050 đồng/tháng; người thứ hai, thứ ba, thứ tư đóng lần lượt bằng 70%, 60%, 50% mức đóng của người thứ nhất (tương ứng là 46.935 đồng/tháng; 40.230 đồng/tháng; 33.525 đồng/tháng); từ người thứ năm trở đi mức đóng bằng 40% mức đóng của người thứ nhất (25.820 đồng/tháng).
- Điều kiện về thời gian đóng BHXH để được hưởng lương hưu còn dài, một bộ phận người dân ở tuổi trung niên không đủ khả năng để đáp ứng.
Kết quả số người tham gia BHXH tự nguyện năm 2019 là 558.109 người (tăng 101,3% so với năm 2018) và bằng 10 năm trước cộng lại; năm 2020 là 1.125.236 người, tăng gấp đôi so với năm 2019. Mặc dù, năm 2020 và 2021 toàn xã hội bị ảnh hưởng tiêu cực bởi đại dịch COVID-19, nhưng đến tháng 10/2021, số người tham gia BHXH tự nguyện là 1,226 triệu người, tăng 5,6%) so với năm 2020; dự kiến đến hết năm 2021, số người tham gia BHXH tự nguyện đạt khoảng 1.271.768 người, tăng 146.532 người so với năm 2020.
- Việc thực hiện tăng tuổi nghỉ hưu từ năm 2021 theo quy định mới cũng là nguyên nhân khiến người dân chưa thật sự yên tâm, tin tưởng.
- Chính sách trợ cấp người cao tuổi dần hoàn thiện theo hướng nâng mức trợ cấp và giảm điều kiện về tuổi hưởng làm giảm động cơ tham gia BHXH tự nguyện của người dân.
Hai là, về tổ chức thực hiện.
- Chính quyền một số địa phương còn chưa quan tâm đúng mức đến việc triển khai thực hiện chính sách BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình; sự phối hợp của các cấp, các ngành ở địa phương với cơ quan BHXH chưa thường xuyên, có lúc, có nơi còn coi đây là nhiệm vụ của riêng ngành BHXH.
- Mặc dù, công tác tuyên truyền đã được tăng cường, nhưng vẫn chưa đạt hiệu quả như mong muốn nên một bộ phận người dân còn chưa nhận thức được đầy đủ về vai trò, mục đích, ý nghĩa của việc tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình; trong xã hội chưa hình thành được văn hóa tích lũy khi còn trẻ, còn khả năng lao động tạo thu nhập để thụ hưởng khi về già, còn nặng tâm lý “trẻ cậy cha, già cậy con”.
Giải pháp khắc phục
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế, thời gian tới, cần triển khai các giải pháp sau:
Về cơ chế, chính sách
- BHXH Việt Nam đã đề xuất, kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tăng mức hỗ trợ mức đóng cho người tham gia BHXH tự nguyện, nhất là đối tượng không thuộc hộ gia đình nghèo, cận nghèo; có chính sách linh hoạt hơn về mức hỗ trợ, quy định mức hỗ trợ tối thiểu để địa phương nào có điều kiện, kinh tế phát triển thì có cơ chế để hỗ trợ thêm một phần mức đóng BHXH tự nguyện.
- Đề xuất sửa đổi, bổ sung điều kiện hưởng chế độ hưu trí theo hướng giảm dần số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống 15 năm hướng tới còn 10 năm với mức hưởng được tính toán phù hợp nhằm tạo điều kiện cho người lao động cao tuổi, có số năm tham gia BHXH thấp được tiếp cận và thụ hưởng quyền lợi BHXH.
- Bỏ quy định khống chế chỉ tham gia duy nhất một loại hình BHXH bắt buộc hoặc BHXH tự nguyện.
- Đề xuất sửa đổi, bổ sung chính sách để BHXH tự nguyện hấp dẫn và thu hút người lao động hơn, đa dạng hóa loại hình và mức đóng BHXH để phù hợp mức thu nhập khác nhau của người lao động, nhất là người thu nhập thấp, người nghèo khu vực phi chính thức.
Hiện nay, BHXH tự nguyện có chế độ hưu trí và chế độ tử tuất để tăng tính hấp dẫn của loại hình BHXH này, cần nghiên cứu việc bổ sung các chế độ như thai sản, tai nạn lao động và trợ cấp tuất hàng tháng.
Về tổ chức thực hiện
- Về công tác lãnh đạo, chỉ đạo: Tiếp tục tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp; sự phối hợp của các sở, ban, ngành của địa phương để phát triển người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình từng địa bàn để huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị.
- Về công tác vận động, tuyên truyền: Cơ quan BHXH tiếp tục rà soát, cung cấp danh sách đối tượng tiềm năng sàng lọc qua dữ liệu từ cơ quan thuế để tuyên truyền, vận động.
Xây dựng các kịch bản truyền thông phù hợp với từng nhóm đối tượng tiềm năng, để tuyên truyền về ý nghĩa nhân văn của chính sách, quyền lợi khi tham gia BHXH, BHYT thông qua nhiều kênh truyền thông đa dạng về hình thức, phong phú về nội dung.
Triển khai bổ sung các hình thức nộp tiền BHXH, BHYT, BHTN của người dân đóng tiếp BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia, qua ứng dụng VssID, qua tài khoản các ngân hàng nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân trong việc kê khai, đóng BHXH, BHYT và phù hợp với yêu cầu phòng, chống dịch bệnh.
- Đào tạo mạng lưới đại lý thu chuyên nghiệp: Ký hợp đồng với các đại lý thu, đào tạo chuyên sâu cho đại lý nắm bắt được nội dung của chính sách BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình. Trang bị kỹ năng khai thác, phát triển người tham gia, nhất là triển khai các hoạt động tuyên truyền linh hoạt phù hợp với yêu cầu phòng chống dịch bệnh.
Tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc đại lý thu thực hiện đúng quy định của pháp luật; trả thù lao cho đại lý thu kịp thời, để khuyến khích các đại lý thu tích cực tham gia phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT.
Tài liệu tham khảo:
1. Quốc hội, Luật Bảo hiểm xã hội;
2. Quốc hội, Luật Bảo hiểm y tế;
3. Bộ Chính trị (2005), Nghị quyết số 46-NQ/TW ngày 23/02/2005 về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới;
4. Bộ Chính trị (2012), Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 22/11/2012 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012-2020;
5. Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII;
6. Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.
(*) Đinh Mai Hạnh- Phó Trưởng Ban Quản lý Thu - Sổ Thẻ (BHXH Việt Nam).
(**) Bài đăng trên Tạp chí Tài chính số kỳ 1 tháng 11/2021.