Hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam và một số đề xuất

ThS. Đỗ Thị Bích Đào - Đại học Thương mại

Những năm qua, Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong hội nhập kinh tế quốc tế. Hội nhập kinh tế quốc tế cùng với nỗ lực cải cách môi trường đầu tư, kinh doanh từng bước đưa Việt Nam khẳng định được vị thế trên trường quốc tế và thu hút các nhà đầu tư. Bài viết đánh giá những kết quả nổi bật từ hội nhập kinh tế quốc tế thời gian qua và đưa ra một số đề xuất nhằm đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế trong năm 2018 và những năm tiếp theo.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Chủ trương hội nhập kinh tế quốc tế và những kết quả đạt được

Đại hội Đảng lần thứ VI (1986) mở đầu cho thời kỳ đổi mới đất nước trong bối cảnh quốc tế có nhiều thay đổi sâu sắc. Đảng ta đã đưa ra chủ trương tranh thủ những điều kiện thuận lợi về hợp tác kinh tế và khoa học kỹ thuật, tham gia ngày càng rộng rãi vào việc phân công và hợp tác quốc tế trong “Hội đồng tương trợ kinh tế và mở rộng với các nước khác”.

Tới Đại hội lần thứ VII (năm 1991), Đảng ta đề ra phương châm “Việt Nam muốn là bạn với tất cả các nước trong cộng đồng quốc tế, phấn đấu vì hoà bình, độc lập và phát triển”, đánh dấu cột mốc quan trọng khởi đầu của Việt Nam tham gia hội nhập kinh tế quốc tế trong thời kỳ mới, không ngừng mở rộng quan hệ hợp tác kinh tế đối ngoại song phương và đa phương sau khi hệ thống xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu tan rã.

Hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam và một số đề xuất - Ảnh 1Tại Đại hội Đảng lần thứ VIII (1996), với mục tiêu: “Xây dựng một nền kinh tế mở, hội nhập với khu vực và thế giới”, Nghị quyết của Đảng đã đề cập đến việc đẩy nhanh quá trình hội nhập kinh tế quốc tế nhằm mục tiêu phục vụ sự nghiệp phát triển của đất nước, tiếp tục đánh dấu một bước chuyển biến cơ bản trong nhận thức về nhu cầu cần tích cực, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế. Đại hội IX (2001) của Đảng nhấn mạnh việc “chủ động hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực theo tinh thần phát huy tối đa nội lực, nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế, bảo đảm độc lập tự chủ và định hướng xã hội chủ nghĩa”.

Nhận thức được tầm quan trọng của hợp tác kinh tế quốc tế nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững, ngày 27/11/2001, Bộ Chính trị khóa IX đã ban hành Nghị quyết số 07-NQ/TW “về hội nhập kinh tế quốc tế”. Tại Đại hội X (2006), Đảng ta đã nhấn mạnh chủ trương “chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, đồng thời mở rộng hợp tác trên các lĩnh vực khác”. Giai đoạn này cũng đánh dấu một trong những sự kiển nổi bật về hợp tác kinh tế quốc tế khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) vào tháng 1/2007.

Tại Đại hội lần thứ XI (2011), Đảng đã đề ra đường lối đối ngoại của đất nước trong thời kỳ phát triển mới, trong đó có chủ trương rất quan trọng là “chủ động và tích cực hội nhập quốc tế”. Để cụ thể hóa chủ trương này, ngày 10/4/2013, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 22-NQ/TW về hội nhập quốc tế, trong đó tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế quốc tế của đất nước đã chuyển sang một giai đoạn mới, giai đoạn hội nhập toàn diện trên các mặt: Kinh tế; chính trị, khoa học công nghệ và giáo dục, đào tạo...

Mới đây nhất, ngày 5/11/2016, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TW về thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị - xã hội trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới. Nghị quyết 06-NQ/TW xác định hội nhập kinh tế quốc tế là trọng tâm của hội nhập quốc tế; Hội nhập trong các lĩnh vực khác phải tạo thuận lợi cho hội nhập kinh tế quốc tế. Hội nhập kinh tế quốc tế là sự nghiệp của toàn dân; doanh nhân, doanh nghiệp, đội ngũ trí thức là lực lượng đi đầu...

Từ khi nước ta chính thức trở thành thành viên của WTO (năm 2007) đến nay, tiến trình chủ động, tích cực hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước ngày càng sâu rộng, đạt được nhiều kết quả, khá toàn diện trên các lĩnh vực.

Theo đó, hội nhập kinh tế quốc tế đã trở thành một trong những động lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội, làm tăng sức mạnh tổng hợp quốc gia; Thúc đẩy hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; Mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu, tranh thủ được khối lượng lớn vốn đầu tư, công nghệ, tri thức, kinh nghiệm quản lý và các nguồn lực quan trọng khác; Tạo thêm nhiều việc làm. Đội ngũ doanh nhân Việt Nam có bước trưởng thành đáng kể...

Hội nhập kinh tế quốc tế cùng với nỗ lực cải cách môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế đang từng bước đưa Việt Nam khẳng định được vị thế trên trường quốc tế và trong mắt các nhà đầu tư.

Báo cáo Môi trường kinh doanh 2018 do Ngân hàng Thế giới công bố dự báo Việt Nam đứng thứ 68/190 nền kinh tế, tăng 14 bậc so với năm 2017 (82/190 nền kinh tế). Việt Nam cũng đã tích cực, chủ động tham gia các tổ chức kinh tế - tài chính và các hiệp định thương mại.

Tính đến nay, Việt Nam đã phê chuẩn 10 FTA song phương và đa phương với các đối tác trong khu vực và trên thế giới, bao gồm: Khu vực thương mại tự do ASEAN (AFTA) và 5 FTA ASEAN +1 (Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Australia, New Zealand; 4 FTA song phương giữa Việt Nam với Nhật Bản (VJEPA), với Hàn Quốc (KVFTA), với Chile (VCFTA) với Liên minh kinh tế Á - Âu (EAEUFTA). Việt Nam cũng đã cơ bản kết thúc đàm phán FTA với EU, cùng ASEAN ký FTA với Hong Kong vào tháng 11/2017.

 Bên cạnh đó, Việt Nam tiếp tục đàm phán Hiệp định Đối tác toàn diện khu vực, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương. Đến nay, có khoảng 60 nền kinh tế đã và đang đàm phán FTA với Việt Nam, bao gồm các đối tác thương mại chủ chốt nắm giữ khoảng 90% kim ngạch thương mại của Việt Nam.

Việc thực thi các FTA nói trên đã góp phần tích cực cho sự phát triển kinh tế, mở rộng thị trường xuất khẩu, giúp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị, mạng lưới sản xuất toàn cầu, chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, tranh thủ vốn đầu tư, công nghệ tri thức, kinh nghiệm quản lý, tạo thêm nhiều việc làm…

Một số hạn chế và đề xuất

Bên cạnh những kết quả tích cực, hội nhập kinh tế quốc tế của nước ta vẫn còn nhiều vấn đề hạn chế và tồn tại. Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 5/11/2016 Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII “về thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị - xã hội trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới” đã chỉ ra những hạn chế, cụ thể:

Một là, chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về hội nhập kinh tế quốc tế có nơi, có lúc chưa được quán triệt kịp thời, đầy đủ và thực hiện nghiêm túc. Hội nhập kinh tế quốc tế còn bị tác động bởi cách tiếp cận phiến diện, ngắn hạn và cục bộ; do đó, chưa tận dụng được hết các cơ hội và ứng phó hữu hiệu với các thách thức.

Hai là, quá trình hội nhập kinh tế quốc tế và quá trình đổi mới ở trong nước, nhất là đổi mới, hoàn thiện thể chế, trước hết là hệ thống luật pháp, cơ chế, chính sách chưa được thực hiện một cách đồng bộ, chưa gắn kết chặt chẽ với quá trình nâng cao năng lực cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu bảo đảm quốc phòng - an ninh, bảo vệ an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, môi trường sinh thái, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc.

Ba là, hội nhập kinh tế quốc tế chưa được phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với hội nhập trong các lĩnh vực khác. Chưa tạo được sự đan xen chặt chẽ lợi ích chiến lược, lâu dài với các đối tác, nhất là các đối tác quan trọng. Việc ứng phó với những biến động và xử lý những tác động từ môi trường khu vực và quốc tế còn bị động, lúng túng và chưa đồng bộ.

Giải pháp đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế

Năm 2018 là thời điểm quan trọng trong việc thực thi các cam kết hội nhập kinh tế và là năm bản lề cho hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam. Nhằm tiếp tục đẩy mạnh hội nhập kinh tế của đất nước, cần chú trọng một số nội dung sau:

Thứ nhất, tăng cường công tác tư tưởng, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và mọi tầng lớp nhân dân về hội nhập kinh tế quốc tế nói riêng và hội nhập quốc tế nói chung. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến tình hình thực thi cam kết hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam.

Nâng cao hiểu biết và sự đồng thuận của cả xã hội, đặc biệt là của doanh nghiệp, doanh nhân đối với các thoả thuận quốc tế, đặc biệt là cơ hội, thách thức và những yêu cầu phải đáp ứng khi tham gia và thực hiện các FTA thế hệ mới bằng các hình thức, nội dung tuyên truyền phù hợp và hiệu quả cho từng ngành hàng, hiệp hội, doanh nghiệp và cộng đồng. Nâng cao nhận thức và năng lực pháp lý, đặc biệt là luật pháp quốc tế, thương mại quốc tế...

Thứ hai, chủ động thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị - xã hội trong bối cảnh Việt Nam tham gia các FTA. Xử lý thoả đáng mối quan hệ giữa độc lập, tự chủ và hội nhập kinh tế quốc tế, xây dựng nền kinh tế có khả năng tự chủ cao, ứng phó được với những biến động kinh tế quốc tế. Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, an ninh kinh tế.

Thực hiện đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại nền kinh tế, coi đây vừa là tiền đề, vừa là hệ quả của hội nhập kinh tế quốc tế, là giải pháp có tính quyết định để nâng cao nội lực nhằm tận dụng cơ hội, vượt qua thách thức trong hội nhập kinh tế quốc tế, bảo đảm nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững.

Xác định gia tăng xuất khẩu, số lượng và chất lượng thu hút đầu tư nước ngoài, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế là các tiêu chí kinh tế trực tiếp để đánh giá kết quả hội nhập quốc tế về kinh tế.

Thứ ba, khẩn trương rà soát, bổ sung, hoàn thiện luật pháp trực tiếp liên quan đến hội nhập kinh tế quốc tế, phù hợp với Hiến pháp, tuân thủ đầy đủ, đúng đắn các quy luật của kinh tế thị trường và các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế; Nội luật hoá theo lộ trình phù hợp với những cam kết, quy định quốc tế mà Việt Nam là thành viên, trước hết là luật pháp về thương mại, đầu tư, sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ… bảo đảm tranh thủ được thời cơ, thuận lợi, vượt qua các khó khăn, thách thức từ việc tham gia và thực hiện các FTA thế hệ mới.

Thứ tư, tập trung khai thác hiệu quả các cam kết quốc tế, xây dựng các cơ chế, chính sách phòng vệ thương mại, phòng ngừa và giải quyết tranh chấp quốc tế; có chính sách phù hợp hỗ trợ các lĩnh vực có năng lực cạnh tranh thấp vươn lên; Tăng cường đào tạo, nâng cao năng lực cán bộ, trình độ pháp luật quốc tế, xây dựng hàng rào kỹ thuật, biện pháp phòng vệ chủ động phù hợp.

Thứ năm, tăng cường nghiên cứu các vấn đề về hội nhập kinh tế quốc tế, làm cơ sở tham mưu cho Ban chỉ đạo liên ngành và Chính phủ. Nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo quốc gia về hội nhập quốc tế và các ban chỉ đạo liên ngành về hội nhập kinh tế quốc tế, hội nhập quốc tế trong lĩnh vực chính trị - quốc phòng - an ninh, hội nhập quốc tế trong lĩnh vực văn hoá - xã hội, giáo dục, khoa học - công nghệ và các lĩnh vực khác nhằm tạo sức mạnh tổng hợp của quốc gia trong hội nhập kinh tế quốc tế.

Thứ sáu, phát huy vị thế quốc tế để hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia khi triển khai các FTA thế hệ mới. Phát huy uy tín và vị thế quốc tế để tạo môi trường thuận lợi cho phát triển, giữ vững độc lập, chủ quyền trong quá trình hội nhập. Nâng cao hiệu quả phối hợp giữa ngoại giao nhà nước, đối ngoại Đảng và đối ngoại nhân dân trong quá trình hội nhập để phát huy tốt vai trò và thế mạnh của kênh đối ngoại...         

Tài liệu tham khảo:

1. Đảng Cộng sản Việt Nam, Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ X, XI, XII của Đảng;

2. Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII (2016), Nghị quyết số 06 – NQ/TW ngày 5/11/2016 về thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị - xã hội trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới;

3. Nguyễn Hường - Nhật Quang (2018), 2018 là năm bản lề cho hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam, Báo Công Thương;

4. Cổng thông tin điện tử Bộ Tài chính (2016), Quan điểm, chủ trương của Đảng về hội nhập kinh tế quốc tế qua các kỳ Đại hội;

5. Một số trang web: mof.gov.vn, hoinhapkinhte.gov.vn, tapchitaichinh.vn...