Luật Hải quan sửa đổi:

Bao quát, toàn diện 4 nhóm vấn đề lớn

Theo thoibaotaichinhvietnam.vn

(Tài chính) Luật Hải quan sửa đổi dự kiến được trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIII xem xét thông qua. Việc sửa đổi luật lần này có tính toàn diện, ngoài 4 nhóm vấn đề lớn, đổi mới quan trọng, còn bổ sung thêm 2 vấn đề tác động đến sự phát triển kinh tế, năng lực quản lý của cơ quan hải quan...

Thủ tục hải quan sẽ chuyển mạnh từ thủ công sang tự động hóa, tạo thuận lợi cho DN xuất nhập khẩu. Nguồn: thoibaotaichinhvietnam.vn
Thủ tục hải quan sẽ chuyển mạnh từ thủ công sang tự động hóa, tạo thuận lợi cho DN xuất nhập khẩu. Nguồn: thoibaotaichinhvietnam.vn

Hiện đại hóa-yêu cầu cấp bách

Theo Tổng cục Hải quan, quan điểm xuyên suốt trong quá trình xây dựng Luật Hải quan (sửa đổi) là đổi mới toàn diện hoạt động hải quan, thông qua đó tạo điều kiện áp dụng quản lý hải quan hiện đại phù hợp với thông lệ quốc tế, góp phần bảo vệ lợi ích chủ quyền và an ninh quốc gia; thu hút đầu tư và nâng cao sức cạnh tranh trong nước và quốc tế của doanh nghiệp (DN), thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Luật Hải quan sửa đổi lần này quan tâm tạo hành lang pháp lý cho hiện đại hóa hoạt động hải quan, áp dụng rộng rãi phổ biến hải quan điện tử (HQĐT) và sắp tới (quý 1/2014), ngành Hải quan sẽ chính thức vận hành hệ thống thông quan tự động hàng hóa (VNCCS\VICS) do Chính phủ Nhật Bản tài trợ.

Đến nay, cả nước đã có hơn 40.000 DN tham gia thủ tục HQĐT. HQĐT đã và đang góp phần đơn giải hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan, giảm thời gian chi phí cho hoạt động xuất nhập khẩu của DN. Thời gian thông quan chỉ từ 5 đến 15 phút/1 lô hàng.

Hoạt động thương mại của nước ta có tốc độ phát triển khá cao trong những năm gần đây. Kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam 2005 – 2010 tăng bình quân 25%/năm; năm 2011 tăng 29,7% so với năm 2010; năm 2012 đã đạt được 228,3 tỷ USD, bằng 1,68 lần GDP; số lượng tờ khai hải quan 2012 đạt 5,18 triệu.

Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011-2020, định hướng đến năm 2030, dự kiến đến năm 2020 kim ngạch xuất nhập khẩu đạt trên 400 tỷ USD.

Do đó, hiện đại hóa quy trình thông quan hàng hóa là vô cùng cấp bách  đối với ngành Hải quan.

Chuẩn hóa nội luật

Theo Tổng cục Hải quan, Luật Hải quan sửa đổi về cơ bản là khá bao quát và toàn diện, trả lời được bốn nhóm vấn đề quan trọng.

Một là, cải cách thủ tục hải quan, hiện đại hoá quản lý hải quan, nội luật hoá các cam kết quốc tế đáp ứng yêu cầu hội nhập và tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu.

Hai là, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hoạt động quản lý hải quan; tăng cường công tác bảo vệ lợi ích, chủ quyền quốc gia và an ninh kinh tế nhằm phòng chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới, gian lận thương mại.

Ba là, sửa đổi bổ sung những quy định trong Luật hiện hành để bảo đảm tính thống nhất, khả thi của pháp luật hải quan, phù hợp với văn bản pháp luật có liên quan và thực tế hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu.

Bốn là, kiện toàn hệ thống tổ chức hải quan đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh chóng của đất nước.

Theo bà Phùng Thị Bích Hường- Vụ trưởng Vụ pháp chế (Tổng cục Hải quan), Luật Hải quan sửa đổi sẽ giải trình trước Quốc hội để làm rõ sự hài hòa của những quy định tại dự thảo Luật Hải quan (sửa đổi), với các nội dung tại các cam kết quốc tế và những Hiệp ước sẽ được ký kết trong thời gian tới. Đồng thời, làm rõ sự tương thích của dự thảo Luật Hải quan sửa đổi với các luật chuyên ngành khác, đặc biệt sự tác động qua lại với các Luật Hình sự và Luật Tố tụng hình sự; sự cần thiết dẫn đến sự thay đổi tổ chức bộ máy hải quan.

Cũng theo bà Hường, Tổng cục Hải quan cũng sẽ giải trình rõ thêm 2 vấn đề nêu trong Luật được Đại biểu Quốc hội và dư luận quan tâm, như: Tổ chức bộ máy và thẩm quyền chống buôn lậu của cơ quan hải quan; Tăng cường công tác quản lý rủi ro, giám sát hải quan vừa đảm bảo thông thoáng cho hoạt động xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh vừa đảm bảo ngăn chặn tình trạng buôn lậu, vận chuyển hàng quốc cấm, gian lận thương mại, trốn thuế…