Bảo vệ môi trường vùng bờ để phát triển toàn diện các ngành kinh tế biển

PV. (t/h)

Việc quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ góp phần bảo đảm khả năng phục hồi của hệ sinh thái, bảo vệ môi trường, hướng tới phát triển toàn diện các ngành kinh tế biển.

Chính phủ yêu cầu quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên vùng bờ để phát triển toàn diện các ngành kinh tế biển.
Chính phủ yêu cầu quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên vùng bờ để phát triển toàn diện các ngành kinh tế biển.

Vùng biển ven bờ Việt Nam có tổng trữ lượng hải sản ước tính khoảng 407 nghìn tấn, chiếm 10% tổng trữ lượng nguồn lợi hải sản toàn vùng biển. Dọc theo bờ biển nước ta có 114 cửa sông, 12 đầm phá, 50 vũng/vịnh, hàng nghìn hòn đảo lớn nhỏ, nhiều hệ sinh thái, sinh cảnh ven biển và ven bờ quan trọng như rạn san hô, thảm cỏ biển, rừng ngập mặn và các vùng đất ngập nước khác. Đến nay, đã thống kê được hơn 200 điểm rạn san hô, với tổng diện tích khoảng 110.000 ha. 

Tuy nhiên, quá trình khai thác, sử dụng tài nguyên cùng với tốc độ đô thị hóa cao và tác động kết hợp của biến đổi khí hậu dẫn đến sự biến động phức tạp về chất lượng môi trường vùng bờ. Diện tích các rạn san hô giảm khoảng 15 - 20% trong 15 năm trở lại đây, một số rạn bị suy thoái nặng.

Trước những tác động trên, nhằm khai thác, phát huy hiệu quả tài nguyên vùng bờ ở nước ta,  mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà ký Quyết định số 1117/QĐ-TTg phê duyệt quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ thời kỳ 2021-2023, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo đó, Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 nhấn mạnh đến mục tiêu bảo vệ, duy trì và phục hồi hệ sinh thái, đa dạng sinh học và các giá trị khác của vùng bờ; tăng diện tích bảo tồn, bảo vệ giá trị tự nhiên, sinh thái biển, rừng ngập mặn tại vùng bờ, góp phần thực hiện mục tiêu đạt diện tích tối thiểu bằng 6% diện tích tự nhiên vùng biển quốc gia.

Đồng thời, sắp xếp, phân bố hợp lý không gian cho các ngành, lĩnh vực và giải quyết cơ bản các chồng lấn, mâu thuẫn trong khai thác, sử dụng tài nguyên vùng bờ, bảo đảm khả năng phục hồi của hệ sinh thái, bảo vệ môi trường vùng bờ, góp phần đạt được các chỉ tiêu: 100% chất thải nguy hại, chất thải rắn sinh hoạt, 100% rác thải nhựa tại các bãi biển, khu du lịch biển và khu bảo tồn biển được thu gom và xử lý; 100% khu kinh tế, khu công nghiệp và khu đô thị ven biển được quy hoạch, xây dựng theo hướng bền vững, sinh thái, thông minh và an toàn, có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt các quy chuẩn, tiêu chuẩn về môi trường.

Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cũng nhấn mạnh đến việc bảo đảm quyền tiếp cận của người dân với biển, cải thiện sinh kế và nâng cao mức sống cho cộng đồng dân cư ven biển, không còn xã đặc biệt khó khăn ở vùng bờ, góp phần nâng thu nhập bình quân đầu người của các tỉnh, thành phố ven biển gấp từ 1,2 lần trở lên so với thu nhập bình quân của cả nước; bảo vệ, bảo tồn các di sản văn hóa, phát huy truyền thống lịch sử, bản sắc văn hóa biển, góp phần xây dựng và phát triển văn hóa con người Việt Nam toàn diện, phù hợp với xu thế thời đại.

Tầm nhìn đến năm 2050, tài nguyên vùng bờ được quản lý và khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững để phát triển toàn diện các ngành kinh tế biển, góp phần đưa vùng bờ trở thành trung tâm phát triển kinh tế - văn hóa sôi động, thu hút đầu tư, là cửa ngõ kết nối không gian phát triển giữa đất liền với biển, kết nối giao thương giữa Việt Nam với quốc tế.

Đồng thời xây dựng các vùng ven biển thành chỗ dựa vững chắc để tiến ra biển và tạo động lực cho các vùng khác trong cả nước cùng phát triển; có môi trường trong lành, an toàn và các giá trị tự nhiên, sinh thái, cảnh quan, văn hóa, lịch sử được bảo vệ, giữ gìn và phát triển; bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, hướng tới mục tiêu đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh và an toàn, đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Phạm vi quy hoạch vùng bờ bao gồm vùng biển ven bờ và vùng đất ven biển được nêu tại Quyết định như sau: Vùng biển ven bờ có ranh giới trong là đường mép nước biển thấp nhất trung bình trong nhiều năm (18,6 năm) và ranh giới ngoài cách đường mép nước biển thấp nhất trung bình trong nhiều năm 6 hải lý. Vùng đất ven biển bao gồm các xã, phường, thị trấn có biển thuộc 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có biển.

Tuy nhiên, để bảo đảm tính vẹn toàn của các hệ sinh thái, sinh cảnh quan trọng và quan tâm đầy đủ đến sự tương tác mạnh giữa đất liền và biển, phạm vi không gian vùng bờ ở một số khu vực được mở rộng hơn cả về phía đất liền và biển.

Quyết định đề ra 6 giải pháp thực hiện quy hoạch gồm: Giải pháp về quản lý; Giải pháp về môi trường, khoa học và công nghệ; Giải pháp về tuyên truyền, nâng cao nhận thức; Giải pháp về đào tạo, tăng cường năng lực; Giải pháp về tài chính đầu tư; Giải pháp hợp tác quốc tế.

 

Quyết định nêu rõ, để thúc đẩy phát triển mạnh kinh tế biển xanh, bảo đảm hài hòa giữa các hoạt động trên đất liền và dưới biển, hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên trên các vùng đất ven biển được ưu tiên cho phát triển kết cấu hạ tầng, đặc biệt là tuyến hành lang đường bộ cao tốc, khu kinh tế, khu công nghiệp, khu đô thị ven biển nhằm tạo đà, động lực thúc đẩy phát triển các ngành kinh tế biển, kết nối vùng ven biển với các hải đảo, vùng kinh tế trọng điểm và cửa khẩu quốc tế.