Bất động sản có bùng nổ vào cuối năm 2015?
Những đợt mở bán dự án liên tiếp trong thời gian qua của các chủ đầu tư bất động sản ở miền Bắc và miền Nam cho thấy, thị trường bất động sản đang sôi động trở lại, thể hiện ở lượng giao dịch thành công tăng cao, tồn kho giảm mạnh, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào bất động sản tiếp tục tăng cao…
Nhiều tín hiệu khởi sắc
Mới đây, trong báo cáo đánh giá về thị trường bất động sản (BĐS) của Hiệp hội BĐS Việt Nam (VNREA) cho thấy, từ đầu năm 2015 đến nay, thị trường BĐS tiếp tục sôi động, thể hiện ở lượng giao dịch tăng, tồn kho giảm mạnh, vốn đầu từ trực tiếp nước ngoài (FDI) vào BĐS tiếp tục tăng cao...
Dẫn chứng là, chỉ trong tháng 9/2015, thị trường Hà Nội đã ghi nhận khoảng 1.600 giao dịch thành công, tăng gần 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, tính chung quý III/2015, số lượng giao dịch BĐS thành công tại Hà Nội là 5.300, cao hơn năm 2014 và tăng 70% so với cùng kỳ.
Trong khi đó, tại TP.Hồ Chí Minh, trong tháng 9/2015 cũng có khoảng 1.550 giao dịch thành công, tăng 55% so với cùng thời điểm năm 2014, đưa tổng số giao dịch thành công trong quý III/2015 lên con số 5.100. Thị trường BĐS phục hồi tích cực kéo theo lượng tồn kho giảm.
Cụ thể, lượng hàng tồn kho BĐS tại hai thành phố lớn (Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh) giảm mạnh. Theo đó, lượng hàng tồn kho ở Hà Nội còn khoảng 7.550 tỷ đồng (giảm 218 tỷ đồng so với tháng 8); TP.Hồ Chí Minh còn khoảng 11.368 tỷ đồng (giảm 290 tỷ đồng so với tháng 8).
Không chỉ có vậy, lượng giao dịch tăng cũng đẩy giá bán tăng nhẹ khoảng 2-4% so với đầu năm. Theo đánh giá của VNREA, giao dịch thành công chiếm tỷ lệ lớn nhất vẫn là phân khúc căn hộ tầm trung, tiếp đó là nhà bình dân rồi mới đến căn hộ cao cấp.
9 tháng đầu năm 2015 cũng ghi nhận hàng loạt doanh nghiệp BĐS mới khai sinh, mức tăng vượt trội đến xấp xỉ 80% so với cùng kỳ năm ngoái, số doanh nghiệp giải thể giảm 30% so với cùng kỳ.
Vốn FDI vào lĩnh vực BĐS trong 9 tháng đầu năm 2015 cũng tăng với số vốn đăng ký tăng 53,4%, vốn giải ngân tăng 8,4% so với cùng kỳ năm 2014. Các nhà đầu tư nước ngoài đang ra sức săn các doanh nghiệp BĐS tiềm năng để hợp tác, rót vốn và phát triển các dự án.
Còn theo số liệu thống kê về số lượng căn hộ tiêu thụ từ đầu năm đến tháng 9/2015 của Công ty tư vấn BĐS CBRE, các doanh nghiệp đã bán được 15.000 căn hộ tại Hà Nội và lên tới 24.000 căn hộ tại TP. Hồ Chí Minh.
Những số liệu dẫn chứng ở trên cho thấy, thị trường BĐS đang sôi động trở lại, thậm chí lượng giao dịch thành công còn vượt xa lúc thị trường BĐS phát triển nóng nhất.
Cũng cùng nguồn số liệu từ CBRE, số lượng căn hộ đã bán được trong năm 2015 ở Hà Nội đã gần bằng năm 2009 – thời điểm giao dịch căn hộ đạt mức kỷ lục với 16.000 căn được đặt mua. Thậm chí, số lượng căn hộ bán được trong 9 tháng đầu năm nay đã tăng 40% so với cả năm ngoái.
Sự tăng trưởng của thị trường căn hộ tại TP. Hồ Chí Minh còn ấn tượng hơn, khi đạt đỉnh cao nhất trong lịch sử. Nếu như cả năm 2010, thị trường TP. Hồ Chí Minh bán được hơn 13.700 căn hộ thì năm 2014, số lượng căn hộ tiêu thụ được đã lên đến 17.000 căn.
Tuy nhiên, trong 3 quý đầu năm 2015, số lượng căn hộ đã tiêu thụ thành công lên tới 24.000 căn hộ. Những con số màu hồng về thị trường BĐS hai miền Bắc - Nam cho thấy, thị trường đang bùng nổ trở lại sau một thời gian dài trầm lắng.
Thị trường có bùng nổ vào cuối năm?
Các chuyên gia kinh tế nhận định, thị trường BĐS những tháng cuối năm 2015 sẽ còn tích cực hơn trước, giao dịch sẽ tăng mạnh. Các chủ đầu tư đều có chiến lược định vị từng phân khúc khách hàng để phát triển dự án BĐS phù hợp. Lo ngại về việc một thị trường “bong bóng” là có nhưng sẽ khó xảy ra, do quy mô và tư duy tiếp cận thị trường của các doanh nghiệp đã thay đổi.
TS. Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, thị trường BĐS đã khởi sắc, giao dịch tốt trên tất cả các phân khúc, từ bình dân đến cao cấp, từ nhà ở đến BĐS nghỉ dưỡng và BĐS công nghiệp. Tỷ lệ giao dịch mang tính đầu cơ khá cao.
Cùng với việc giao dịch tăng cao, các dòng tiền đang hướng mạnh vào BĐS góp phần làm thị trường khởi sắc, về vấn đề này, ông Vũ Văn Phấn, Phó cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) cho rằng, sau một thời gian trầm lắng, thị trường hiện nay phát triển bình thường, ổn định hơn, giao dịch tốt hơn, các dự án có tăng giá nhưng chỉ những dự án tốt mới tăng giá chút ít, từ 3-5%.
Bên cạnh đó chính sách mở cửa cho Việt kiều và người nước ngoài mua nhà, hay xa hơn là triển vọng từ việc ký kết Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) vừa được đàm phán thành công đã tác động làm sáng thêm bức tranh thị trường BĐS.
CBRE Việt Nam vừa có báo cáo công bố về tác động của TPP đối với thị trường BĐS Việt Nam. Theo đó, 4 loại BĐS ở Việt Nam sẽ được hưởng lợi sau khi Việt Nam gia nhập TPP bao gồm: đất công nghiệp, kho bãi, hậu cần vận tải, văn phòng và nhà ở là những lĩnh vực chịu tác động chủ yếu.
Tin tưởng vào sự hồi phục của thị trường BĐS, ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam nhận định, khuôn khổ pháp lý mới cũng như bối cảnh mới đã thúc đẩy thị trường BĐS. Ông phân tích, cơ hội đầu tư BĐS trung và dài hạn rất lớn vì dân số đông, nhu cầu mua nhà vẫn cao.
Quy định của một số luật sửa đổi như Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS cũng góp phần quản lý thị trường tốt hơn, loại bỏ những chủ đầu tư yếu vào bảo vệ người mua nhà. Tín dụng BĐS tăng cao, nhưng vẫn đang được kiểm soát ở mức hơn 10% so với mức tăng trung bình 25-30% của thời kỳ BĐS “sốt” nóng trước đây.
Như vậy, thị trường BĐS những tháng cuối năm 2015 hoàn toàn có cơ sở để chúng ta tin tưởng sẽ có diễn biến sôi động với lượng giao dịch thành công tiếp tục tăng mạnh, thanh khoản thị trường được cải thiện./.