Bất động sản công nghiệp: Cơ hội “bứt tốc” nhờ nối lại đường bay quốc tế

Theo Đỗ Nga/congthuong.vn

Theo các chuyên gia bất động sản, với sự trở lại của các chuyến bay quốc tế từ ngày 15/03, kỳ vọng sẽ có sự bùng nổ trong vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam với nhiều dự án mới được ký kết, đặc biệt là các nhà máy sản xuất và hậu cần kho bãi. Thị trường bất động sản công nghiệp được dự báo sẽ có sự “bứt tốc” trong những tháng sắp tới.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Điểm đến thu hút đầu tư

Nhận định về thị trường bất động sản công nghiệp trước bối cảnh Việt Nam sắp nối lại đường bay quốc tế, ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội cho biết, so với các nước láng giềng trong khu vực, Việt Nam đang ở một vị thế khá thuận lợi. Thứ nhất, giá bất động sản vẫn tương đối phải chăng nếu đặt lên bàn cân với các nước khác như Malaysia, Thái Lan, Trung Quốc, hay Ấn Độ. Mặc dù giá đang trên đà tăng, nhận thấy nhiều dự án mới đang được bổ sung vào nguồn cung tương lai.

“Đây sẽ là yếu tố ảnh hưởng tới chi phí đất đai. Đối với các doanh nghiệp sản xuất, vấn đề nằm tại lực lượng lao động, bao gồm chất lượng tay nghề, môi trường làm việc và phúc lợi xã hội. Với nhiều cơ hội việc làm và phát triển, giá nhân công tại Việt Nam ở mức tương đối trong khu vực. Hơn thế nữa, vì khung pháp lý tương đối đơn giản, các doanh nghiệp cũng cảm thấy thoải mái khi đầu tư vào và làm việc tại Việt Nam” - ông Matthew Powell cho hay.

Theo đó, việc các doanh nghiệp có danh tiếng lựa chọn Việt Nam là điểm đến chiến lược có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy sự tăng trưởng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), đồng thời, làm tăng thêm uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Ví dụ như Lego hiện đang chỉ có 5 nhà máy sản xuất trên toàn cầu. Do đó việc doanh nghiệp này lựa chọn Việt Nam là điểm đến để xây dựng nhà xưởng mới là một thành công rực rỡ trong việc thu hút nguồn vốn đầu tư FDI.

Bên cạnh những tập đoàn lớn, Việt Nam cũng thu hút vốn FDI từ các công ty hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, hậu cần. Ngoài ra, số lượng các dự án công nghiệp đầu tư vào Việt Nam ngày càng tăng, với mục tiêu ưu tiên phát triển trung tâm dữ liệu. Bàn về địa lý, các yếu tố mang tính quyết định có thể kể đến: sản phẩm, nhân công, cơ sở hạ tầng, ví dụ như vị trí gần với các bến cảng, sân bay hay gần khu vực đô thị lớn như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.

Ngoài ra, ông Matthew Powell cho rằng, có nhiều lý do tạo nên sự hấp dẫn của ngành bất động sản công nghiệp tại Việt Nam. Cụ thể, đất công nghiệp ở nước ta có mức giá tương đối hợp lý, có nhiều nhà phát triển bất động sản uy tín cùng với chính sách pháp lý phù hợp. Đây là những yếu tố giúp thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào Việt Nam. Bên cạnh đó, có thể kể đến các yếu tố khác như dân cư, dân số lao động, chi phí nhân công, mạng lưới giao thông thuận tiện và khả năng tiếp cận các cảng và sân bay quốc tế, nhằm phục vụ việc xuất nhập khẩu thành phẩm và sản phẩm.

Thực tế cho thấy, dịch bệnh đã gây ra nhiều cản trở đối với việc đầu tư do các hạn chế khi làm việc qua Internet. Các công ty khó có thể đưa ra quyết định phù hợp. Theo đó, với sự trở lại của các chuyến bay quốc tế từ ngày 15/03, các chuyên gia kỳ vọng vào sự bùng nổ trong vốn đầu tư nước ngoài với nhiều dự án mới được ký kết, đặc biệt là các nhà máy sản xuất và hậu cần kho bãi trong những tháng sắp tới. Việc quyết định mở cửa đường bay trở lại sẽ giúp các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tiếp cận dự án khu công nghiệp tại Việt Nam dễ dàng hơn. Điều này sẽ tạo bước tiến lớn cho đà tăng trưởng của phân khúc này trong năm 2022.

Trợ lực từ chính sách

Cũng đánh giá về tiềm năng của thị trường bất động sản công nghiệp trong năm 2022, ông Nguyễn Huy Thịnh – Phó giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư RFI nhận định, do sở hữu nhiều lợi thế như vị trí địa lý, chi phí nhân công hay khả năng tiếp cận các cảng, sân bay quốc tế, Việt Nam là một điểm đến đầu tư hấp dẫn nếu so với các nước trong khu vực. Trong đó, thị trường bất động sản công nghiệp cũng đang ghi nhận nhiều dự án trung tâm dữ liệu và kho vận với nguồn đầu tư chất lượng cao. Theo ông Thịnh, từ đầu năm đến nay lượng giao dịch bất động sản công nghiệp tăng lên khá lớn, tăng 20-30%.

Với góc nhìn của nhà đầu tư, ông Thịnh cho rằng: Năm 2022 thị trường bất động sản công nghiệp sẽ có nhiều xung lực phát triển. Cụ thể, các tâm điểm sẽ tập trung ở khu vực phía Nam là Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, Long An. Ở khu vực miền Trung sẽ là Hà Tĩnh, Đà Nẵng. Riêng khu vực ngoài Bắc một số các huyện ngoại thành tăng trưởng nóng như Thạch Thất, Nam Thăng Long, Đông Anh, và một số tỉnh lân cận như Bắc Ninh, Hải Phòng cũng có sự tăng trưởng khá tốt”.

Nhận định thêm ở khía cạnh pháp lý, chuyên gia Savills cho hay, việc hoạch địch chính sách một cách đúng đắn từ cấp trung ương đến địa phương cũng tạo nên sức hấp dẫn của Việt Nam. Kết quả có thể kể đến việc nhiều công ty mới đang gia nhập thị trường do những ưu đãi thuế tại các khu vực kinh tế trọng điểm.“Tuy thủ tục hành chính vẫn còn những hạn chế nhất định, nhưng cũng đã có nhiều cải thiện. Nhìn chung, có rất nhiều nhân tố "kéo" các nhà đầu tư về với thị trường Việt Nam, thay cho những địa điểm khác như Trung Quốc, Ấn Độ hay Thái Lan”- ông Matthew Powell cho biết.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, bất động sản luôn luôn có độ trễ và năm 2022 sẽ là thời điểm thực hiện độ trễ đó. Một loạt chính sách đã ban hành từ kiến nghị của năm 2020, 2021 chưa thực hiện được nhưng năm 2022 sẽ có hiệu lực và được thụ hưởng. Đó là các vấn đề tồn tại liên quan đến thị trường bất động sản như hoạt động đầu tư, thủ tục pháp lý vì hệ thống pháp luật liên quan hiện đã dần hoàn thiện nên không còn mâu thuẫn giữa các quy định trong hệ thống pháp luật về đầu tư.

“Cụ thể như Luật Đầu tư đã sửa, hay các quy định của pháp luật về quy hoạch, xây dựng cũng đã sửa. Do đó, năm 2022, doanh nghiệp và nhà đầu tư sẽ quan tâm đến hiệu lực của các chính sách tác động đến nguồn cung trên thị trường” - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản thông tin.

Theo các chuyên gia, bên cạnh sự hỗ trợ thuận lợi từ các cơ chế chính sách, cùng với việc mở cửa trở lại theo hướng thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, thì những ưu đãi từ các hiệp định thương mại, nhu cầu đối với đất công nghiệp, kho xưởng xây sẵn… là những yếu tố trợ lực để loại hình bất động sản công nghiệp bứt tốc, tăng trưởng trong thời gian tới.