Bất động sản Hà Nội: “Cuộc chiến” chiều cao
Cuộc đua chiều cao dự án căn hộ tại Hà Nội có xu hướng nóng lên, khi nhiều dự án cao tầng mọc lên và nhiều doanh nghiệp vẫn coi chiều cao dự án như một biểu tượng phát triển thương hiệu của mình.
Sức hút… cao nhất
Năm 2005, sau khi hoàn thiện hàng loạt dự án chung cư cao 18 và 24 tầng tại Khu đô thị Trung Hòa Nhân Chính, Vinaconex đã bắt tay thi công dự án biểu tượng của mình là tòa nhà 34T, cao 34 tầng cũng tại khu đô thị này.
Tại thời điểm dự án 34T Trung Hòa hoàn thiện, đây là dự án cao nhất quận Cầu Giấy và cũng là dự án chung cư cao nhất Hà Nội. Trên thực tế, tòa 34T đã ít nhiều trở thành biểu tượng phát triển thịnh vượng của Vinaconex trong giai đoạn này.
Trong khi đó, khách hàng cũng có xu hướng muốn sở hữu căn hộ của dự án, khiến giá bán căn hộ tại tòa 34T có giai đoạn cao hơn khoảng 20 - 30% giá bán căn hộ các tòa lân cận, có chất lượng tương đương, cũng do chính Vinaconex phát triển.
Tuy nhiên, kỷ lục khiêm tốn này nhanh chóng bị phá vỡ. Năm 2007, dự án tổ hợp Keangnam Landmark Tower được khởi công đã biến tòa tháp cao nhất Hà Nội là tòa 34T trở nên “nấm lùn”. Tổ hợp dự án Keangnam Landmark Tower gồm 3 tòa tháp, trong đó, có 2 tòa chung cư cao 50 tầng và một tòa tháp cao 72 tầng.
Được khởi công đúng thời điểm thị trường bất động sản Hà Nội đang ở đỉnh cơn sốt nhà đất, giá căn hộ dự án Keangnam được giao dịch lên đến gần 50 triệu đồng/m2. Đây là một mức giá rất cao, bởi khi ấy, Nam Từ Liêm vẫn chỉ là một khu vực “ngoại ô” heo hút chứ chưa được coi là một khu trung tâm như hiện nay.
Mặc dù được bán với giá rất cao, nhưng rất nhiều người vẫn sẵn sàng bỏ tiền để sở hữu căn hộ tại dự án chung cư có tính biểu tượng ở Thủ đô này.
Đến năm 2014, Hà Nội tiếp tục xuất hiện một dự án biểu tượng về chiều cao mới là dự án Lotte Center Đào Tấn. Tuy nhiên, dự án lại được phát triển vào đúng giai đoạn suy thoái của thị trường bất động sản. Phân khúc của dự án hướng đến là tổ hợp khách sạn, văn phòng và căn hộ cho thuê hạng sang, nên thị trường căn hộ Hà Nội dường như không có nhiều xáo trộn.
Tranh ngôi vị thứ 3
Đầu năm 2015, Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam đã triển khai thi công tòa tháp HaNoi Landmark 51 cao 51 tầng, tại lô đất thuộc phường Vạn Phúc, quận Hà Đông. Tại thời điểm dự án được thi công và đến hiện nay, dự án này vẫn là dự án cao thứ 3 tại Hà Nội.
Dự án HaNoi Landmark 51 mới đây được một đơn vị phân phối giới thiệu tại Hội chợ bất động sản do Hiệp hội Bất động sản Việt Nam tổ chức và đang được một số đơn vị phân phối chào bán ra thị trường.
Việc dự án HaNoi Landmark 51 có chiều cao đứng thứ 3 tại Hà Nội đã trở thành một lợi thế trong truyền thông, khiến một doanh nghiệp “ngoài ngành”, không mấy ai biết đến bỗng trở thành một cái tên nổi như cồn trên thị trường bất động sản Hà Nội. Và với không ít khách hàng, sở hữu căn hộ tại một trong số ít dự án có tính biểu tượng, cao thứ 3 Hà Nội đã trở thành một lựa chọn hàng đầu, dù mức giá không hề dễ chịu.
Dường như mục tiêu sở hữu một trong những dự án tổ hợp cao nhất, hoặc nằm trong Top về chiều cao tại Hà Nội vẫn đang được nhiều doanh nghiệp hướng tới khi thị trường địa ốc hồi phục.
Cụ thể, sau khi thâu tóm khu đất tại địa chỉ 256 Cầu Giấy, FLC Group đã phát triển tổ hợp gồm hai tòa tháp tại khu đất này, trong đó, có tòa tháp cao 50 tầng được FLC quảng cáo là tòa tháp cao thứ 3 tại Hà Nội.
Như vậy, đang có sự cạnh tranh ngôi vị tòa nhà cao thứ 3 Hà Nội giữa tòa tháp HaNoi Landmark 51 cao 51 tầng và tòa FLC Twin Tower Cầu Giấy cao 50 tầng.
Trên thực tế, dự án 51 tầng chưa hẳn đã cao hơn dự án 50 tầng, vì chiều cao mỗi tầng và các công trình phụ trợ ở mỗi dự án là khác nhau. Tuy nhiên, việc có nhiều dự án đều nhận nằm trong Top 3 dự án cao nhất tại Hà Nội cho thấy doanh nghiệp đang tận dụng triệt để lợi thế về mặt truyền thông của biểu tượng độ cao dự án đem lại. Bởi biểu tượng này, thực tế, sẽ hỗ trợ tích cực trong việc bán hàng, định giá bán hàng, sự hấp dẫn của sản phẩm dự án với khách hàng, cũng như việc hỗ trợ xây dựng hình ảnh của doanh nghiệp.