Bất động sản thương mại tăng: Tiền đề thu hút nhà đầu tư bán lẻ
Năm 2017, cơ bản các phân khúc bất động sản đều có sự tăng trưởng tương đối tốt, đặc biệt là mặt bằng bán lẻ. Đây có thể là điểm sáng để Việt Nam tiếp tục thu hút nhà đầu tư bán lẻ khi bất động sản thương mại đáp ứng được nhu cầu phát triển trong những năm tới.
Theo báo cáo của các công ty nghiên cứu thị trường bất động sản như Savills, CBRE, thị trường mặt bằng bán lẻ tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đều có bước tăng trưởng. Tính đến quý III/2017, tại Hà Nội, nguồn cung của cả thị trường vẫn giữ ở mức 790.000 m2. Tại TP. Hồ Chí Minh, tổng mặt bằng bán lẻ gần đạt 1,2 triệu m2.
Tỷ lệ lấp đầy tăng
Trong năm 2017, thị trường bán lẻ Hà Nội được cung cấp nhiều nhất bởi các dự án ở phía Nam, chiếm gần 35%. Khu vực phía Đông với các trung tâm thương mại lớn như Aeon Mall Long Biên, Vincom Center Long Biên, Savico Mall… đứng thứ hai với 21,5%. Phía Tây bao gồm các quận Cầu Giấy, Từ Liêm hiện đang cung cấp 13%.
Đánh giá về thị trường Hà Nội, Savills cho rằng giá thuê và tỷ lệ lấp đầy đều có cải thiện. Tỷ lệ trung tâm thương mại ở Hà Nội đã giảm 2,7 điểm phần trăm, xuống còn 7,7%, tương đương với mức giảm 5,2 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.
Trong một vài năm tới, thị trường bán lẻ Hà Nội mở rộng theo xu hướng phát triển của các dự án nhà ở và hạ tầng. Khu vực dọc vành đai 3 và hai tuyến metro sắp đưa vào sử dụng bao gồm phía Tây, Tây Nam và phía Nam sẽ là điểm nóng với hơn 380.000 m2 sàn thương mại sẽ được ra mắt.
Một vài dự án nổi bật ở khu vực này bao gồm Aeon Mall Hà Đông, các trung tâm thương mại của Vincom và FLC. Phía Bắc của thành phố cũng trên đà phát triển với dự án mới được công bố hồi đầu năm của tập đoàn Hàn Quốc Lotte.
Tại TP. Hồ Chí Minh, với công suất đạt 1,2 triệu m2 tính đến hết quý III/2017, trong đó có 14.600 m2 của riêng quý III đóng góp từ 4 siêu thị và một khối đế vừa hoạt động.
Giá thuê trung bình ổn định theo quý, khu trung tâm giá thuê tăng do sức ảnh hưởng của nhiều thương hiệu quốc tế mới, khu ngoài trung tâm có công suất thuê giảm vì mô hình bán lẻ kém hấp dẫn và dư nguồn cung.
Trao đổi bên lề Hội thảo “Thị trường Bất động sản Việt Nam 2017 – 2018: Toàn cảnh & Dự báo” diễn ra mới đây, ông Phạm Thanh Hưng, Phó Chủ tịch HĐQT CEN Group, nhận định, năm 2017, thị trường bất động sản có diễn biến tương đối bình ổn, không có sự đột phá. Thị trường nhà ở, nguồn cung đã tăng lên rất cao trong thời gian qua, gấp 4 – 5 lần, dẫn đến sự cạnh tranh rất rõ rệt trong từng phân khúc. Điều đó làm cho các chủ đầu tư và các dự án trong tương lai phải định vị rất rõ vị thế của từng sản phẩm.
Tuy nhiên, ông Hưng cho rằng thị trường bất động sản 2017 ghi nhận sự tăng trưởng rất ngoạn mục của bất động sản thương mại về giá cũng như tỷ lệ lấp đầy của các trung tâm thương mại. Điều đó cho thấy, tiềm năng của phân khúc này tiếp tục được phát triển trong thời gian tới.
Thu hút nhà đầu tư bán lẻ
Nhận định về thị trường bất động sản nói chung, một số chuyên gia cho rằng nguồn cung bất động sản sẽ có sự đảm bảo, tuy nhiên vẫn còn phụ thuộc vào nhiều vấn đề. Đặc biệt là số lượng dự án_xếp hàng thi công và chờ cấp phép đang rất nhiều, do đó, việc cạnh tranh ngày càng gay gắt.
Để các dự án tại các phân khúc được lấp đầy, vấn đề đặt ra là ngành, lĩnh vực đó có phát triển hay không. Đơn cử như thị trường bất động sản nghỉ dưỡng hút khách phụ thuộc vào chính sách phát triển du lịch. Tỷ lệ văn phòng được lấp đầy sẽ phụ thuộc vào các doanh nghiệp được thành lập và hoạt động….
Ông Hưng cho biết năm 2018, Việt Nam chính thức mở cửa 100% thị trường bán lẻ, đây sẽ là tiền đề cho việc các nhà đầu tư bán lẻ nước ngoài đầu tư vào thị trường Việt Nam.
Điều này sẽ tác động mạnh mẽ đến phát triển bất động sản, do tính thanh khoản cao, lợi nhuận lớn nên đây cũng là tiền đề cho chu kỳ 10 năm phát triển của bất động sản trong tương lai.
Theo nhận định của ông Troy Griffiths, Phó Giám đốc Điều hành Savills Việt Nam, thị trường bất động sản Việt Nam, đặc biệt là TP. Hồ Chí Minh, có sự phát triển rất tích cực.
Theo khảo sát thường niên do Savills đưa ra, năm 2017, TP. Hồ Chí Minh lọt vào top những thị trường có kết quả hoạt động khả quan nhất trên thế giới với những vị trí cao vang dội trên bảng xếp hạng.
“TP. Hồ Chí Minh là thành phố xếp thứ 3 thế giới về khả năng tăng giá thuê bất động sản, xếp thứ 5 thế giới về tiềm năng đầu tư và xếp thứ 2 thế giới về tiềm năng phát triển”, ông Troy Griffiths nói.
Niềm tin này giúp thị trường Việt Nam nói chung, TP. Hồ Chí Minh nói riêng, trở thành lựa chọn số một cho nhà đầu tư muốn mua các loại hình bất động sản văn phòng, mặt bằng bán lẻ và nhà ở.
Bà Yolande Barnes, Trưởng bộ phận Nghiên cứu của Savills toàn cầu nhận định, biểu hiện của thị trường cho thuê vẫn là yếu tố then chốt, là dấu hiệu đáng tin cậy, thể hiện hai yếu tố căn bản của thị trường: Nhu cầu của khách thuê và tình trạng nguồn cung.