Thị trường bất động sản 2018 vẫn tiếp đà khả quan
Nhận định này được TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế đưa ra tại hội thảo "Thị trường Bất động sản Việt Nam 2017 - 2018: Toàn cảnh & Dự báo".
Để dẫn chứng, ông Lực cho biết, trong năm qua, số doanh nghiệp bất động sản thành lập mới tăng mạnh. 11 tháng đầu năm 2017, có 4.500 doanh nghiệp kinh doanh bất động sản được thành lập mới (tăng 60% về số doanh nghiệp và số vốn, tăng 18,6% về lao động); 155.300 doanh nghiệp xây dựng thành lập mới (tăng 9% về số vốn và 28% về vốn).
Về quy mô vốn cũng tăng mạnh, từ mức khoảng 20 tỷ đồng/doanh nghiệp trước đây lên đến 68 tỷ đồng/doanh nghiệp trong năm 2017. Mức độ minh bạch thông tin đang cải thiện với số doanh nghiệp bất động sản niêm yết tăng từ 11 doanh nghiệp lên đến gần 60 doanh nghiệp hiện nay.
“Kết quả kinh doanh khả quan. Hết tháng 9/2017, doanh nghiệp bất động niêm yết có doanh thu tăng 40%, lợi nhuận tăng 6%. Trên thị trường, giá cả tăng từ 5 - 10% ở các phân khúc văn phòng cho thuê, căn hộ khép kín, căn hộ để bán, mặt bằng bán lẻ...”, TS. Cấn Văn Lực cho hay.
Theo TS. Cấn Văn Lực, ngay cả vấn đề vốn cho bất động sản cũng rất tích cực. Mặc dù, bị ngân hàng kiểm soát nhưng dòng vốn giảm không nhiều, các dòng vốn đầu tư khác vào bất động sản cũng rất ấn tượng. Vốn của tư nhân đổ vào bất động sản tăng 60%.Trong khi đó, theo Ngân hàng Nhà nước, tổng dự nợ cho vay đầu tư vào kinh doanh bất động sản của Việt Nam đến 31/10/2017 là khoảng 400.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 6,5% tổng dư nợ, tăng khoảng 5% so với đầu năm.
Dư nợ tín dụng kinh doanh bất động sản và xây dựng chiếm khoảng 15,5% tổng dư nợ (theo Uỷ ban giám sát tài chính). Tín dụng tiêu dùng hết tháng 6/2017 là 743.000 tỷ đồng (chiếm 12,4% tổng dư nợ); trong đó, dư nợ cho vay sửa, mua nhà, thuê nhà chiếm khoảng 6,2% tổng dư nợ.
“Tôi cho rằng, thị trường bất động sản năm 2018 có lẽ vẫn tiếp tục đà khả quan”, TS. Cấn Văn Lực nhận định.
Cùng có những nhận định tích cực về thị trường bất động sản, bà Liễu Nguyễn, Đại sứ Hiệp hội Bất động sản Hoa Kỳ tại Việt Nam cho biết, lượng kiều hối ở Việt Nam khá cao, Việt kiều Mỹ cũng rất quan tâm đến việc sở hữu bất động sản tại quê nhà.
"Tuy nhiên, các vấn đề, quy định về tài chính và luật sở hữu đã gây nhiều khó khăn với việc này. Cụ thể như việc họ phải nhờ một người khác trong nước đứng tên hộ tài sản của mình để dễ dàng sở hữu một căn hộ ở quê hương", Bà Liễu cho biết.
Trong khi đó, ông Chow Chee Fan - Giám đốc điều hành Gamuda Việt Nam, với tư cách đại diện các chủ đầu tư nước ngoài cho rằng, các nhà đầu tư đến từ Trung Quốc, Singapore, Mỹ,… đã có sự quan tâm đến thị trường bất động sản Việt Nam, đặc biệt là các nhà đầu tư Trung Quốc. Tuy nhiên vẫn đang e ngại về thị trường Việt Nam bởi hiện nay quy định về luật sở hữu nhà đất ở Việt Nam chưa rõ ràng, chặt chẽ, vẫn còn nhiều bất cập.