"Bê bối" chung cư 2018

Theo Lâm Tùng/ndh.vn

2018 được cho là năm đỉnh điểm của mâu thuẫn, tranh chấp diễn ra đối với các dự án bất động sản từ bình dân đến cao cấp, từ phân khúc thương mại đến nghỉ dưỡng...

D’Capitale (Cầu Giấy, Hà Nội)

Dự án căn hộ D’Capitale gây chú ý toàn thị trường khi tranh chấp, kiện cáo kéo dài. Sự bức xúc của cư dân bắt đầu từ việc hành lang của dự án chỉ rộng 1,47 m thay vì 2,4 m như đường dẫn hành lang căn hộ mẫu. Không chỉ đặt vấn đề về tính thẩm mỹ, khách hàng còn cho rằng điều này có thể gây mất an toàn khi xảy ra hoả hoạn, cháy nổ.

"Bê bối" chung cư 2018 - Ảnh 1

Tranh chấp tại dự án D'Capitale bước đầu đã được giải quyết. Ảnh: Lâm Tùng.

Về phía chủ đầu tư, Công ty Đầu tư bất động sản Ngôi Sao Việt (thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh) lý giải chiều rộng được duyệt là 1,5 m (thiết kế chưa bao gồm lớp trát), và thực tế chiều rộng là 1,47m vì có 2 lớp trát tường mỗi bên 1,5 cm. Chỉ số này vẫn đáp ứng tiêu chuẩn quốc gia đối với hành lang dưới 40 m.

Sau khi xảy ra bất đồng, tháng 9/2018, nhiều cư dân đòi trả lại nhà hoặc giảm giá bán căn hộ cho tương xứng với chất lượng thực tế bàn giao, đồng thời làm đơn tố cáo chủ đầu tư cung cấp thông tin không đúng cho khách hàng. Đến ngày 15/12, theo thông tin từ chủ đầu tư dự án, tranh chấp tại D’Capitale đã được giải quyết.

D’Capitale là dự án có giá bán trung bình khoảng 60 triệu đồng/m2, mỗi căn hộ có giá từ 3 tỷ đồng trở lên.

Hoà Bình Green City (Hai Bà Trưng, Hà Nội)

Hoà Bình Green City là dự án được quảng cáo tổ hợp chung cư cao cấp, trung tâm thương mại dịch vụ do Công ty TNHH Hoà Bình làm chủ đầu tư. Dự án cũng được cho là có tay vịn lan can mạ vàng, giá bán căn hộ khởi điểm từ 29 triệu đồng/m2.

Tuy nhiên, dự án bị người dân tố “om” sổ đỏ c hơn 3 năm đi vào hoạt động. Liên quan đến việc này, cư dân Hoà Bình Green City nhiều lần căng băng rôn yêu cầu chủ đầu tư cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng nhà theo quy định.

"Bê bối" chung cư 2018 - Ảnh 2

Cư dân Hoà Bình Green City căng băng rôn yêu cầu chủ đầu tư cấp sổ đỏ. Ảnh: Tiền Phong.

Ông Nguyễn Hữu Đường - Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc giải thích, việc cấp sổ đỏ bị chậm trễ là do chưa nhận được các quyết định về việc hoàn thành nghĩa vụ tài chính về đất của UBND TP Hà Nội để làm thủ tục đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở cho dự án.

Tổ hợp khách sạn Mường Thanh (Đà Nẵng)

Tổ hợp khách sạn Mường Thanh và Căn hộ chung cư cao cấp Sơn Trà (Đà Nẵng) do doanh nghiệp tư nhân Xây dựng số 1 Điện Biên làm chủ đầu tư.

Ngoài sai phạm nghiêm trọng là tự ý thay đổi công năng từ tầng 2 đến tầng 5 khối chung cư để biến toàn bộ khu nhà giữ xe, nhà trẻ… thành 104 căn hộ để bán, chủ đầu tư công trình còn xây dựng trái phép nhiều hạng mục, tự ý thay đổi diện tích, kết cấu của nhiều tầng trong toà nhà. Tất cả đều đã hoàn thiện và đưa vào sử dụng..

"Bê bối" chung cư 2018 - Ảnh 3

Tổ hợp khách sạn, căn hộ chung cư Mường Thanh, Đà Nẵng. Ảnh: Tuổi Trẻ.

Mới đây, trong phiên chất vấn tại kỳ họp HĐND TP. Đà Nẵng sáng 19/12, Ông Vũ Quang Hùng, Giám đốc Sở Xây dựng TP. Đà Nẵng, cho biết nếu chủ đầu tư không thực hiện tự tháo dỡ, TP. Đà Nẵng sẽ dành 30 ngày để chuẩn bị và dự kiến ra Tết Nguyên đán 2019 sẽ tiến hành cưỡng chế công trình sai phép của Mường Thanh.

Dự án Tokyo Tower (Hà Đông, Hà Nội)

Chung cư Tokyo Tower (tên gọi trước đây là Hanoi LandMark 51) do Liên danh Tổng công ty lâm nghiệp Việt Nam (Vinafor), Công ty cổ phần Sông Đà 1.01 và Công ty cổ phần thương mại Hoàng Vương làm chủ đầu tư. Dự án này được quảng cáo là trái tim của quận Hà Đông, là tòa nhà cao thứ ba tại Hà Nội.

"Bê bối" chung cư 2018 - Ảnh 4

Phối cảnh dự án Tokyo Tower. Ảnh: Internet.

Đến tháng 9/2018, PvComBank (ngân hàng bảo lãnh) cho biết Công ty Hoàng Vương đang nợ ngân hàng khoảng 114 tỷ đồng, bao gồm gần 92 tỷ dư nợ gốc và hơn 22 tỷ đồng dư nợ lãi. Việc thu giữ tài sản đảm bảo do Hoàng Vương đã vi phạm nghĩa vụ trả nợ theo hợp đồng tín dụng đã ký. PvComBank thu giữ tài sản bảo đảm để xử lý thu hồi nợ theo thoả thuận tại hợp đồng đã ký kết và theo quy định của pháp luật.

Ngân hàng đã thu giữ toàn bộ tài sản còn lại của dự án và toàn bộ tài sản là quyền tài sản phát sinh từ các hợp đồng mua bán căn hộ chung cư giữa Công ty cổ phần Thương mại Hoàng Vương và Công ty cổ phần Sông Đà 1.01 (chủ đầu tư).

Chung cư Topaz City (quận 8, TP. Hồ Chí Minh)

Cuối tháng 3/2018, hơn 200 cư dân Topaz City (đường Tạ Quang Bửu, phường 4, quận 8, TP. Hồ Chí Minh) căng băng rôn biểu tình phản đối chủ đầu tư đồng thời gửi đơn "cầu cứu" đến các lãnh đạo cao cấp tại TP. Hồ Chí Minh.

"Bê bối" chung cư 2018 - Ảnh 5

Cư dân Topaz City nhiều lần căng băng rôn tố cáo chủ đầu tư. Ảnh: Dân Trí.

Cư dân dự án Topaz City phản ánh mặc dù đã sống một thời gian dài tại block B1 và B2 của chung cư nhưng chủ đầu tư chưa tổ chức hội nghị nhà chung cư để bầu ra ban quản trị, chưa hoàn thiện hạ tầng cơ sở theo đúng thiết kế, chưa nghiệm thu PCCC, không bàn giao sổ đổ và không bàn giao phí quản lý chung cư 2%.

Người dân cho biết nhiều lần bị Ban quản lý chung cư đe dọa, thậm chí tấn công khi yêu cầu đối thoại.

Tháng 11, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình chỉ đạo các cơ quan chức năng xem xét nội dung liên quan đến chung cư Topaz City mà báo chí đã phản ánh để xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

Dự án nhà xã hội Bright City (Hoài Đức, Hà Nội)

Đầu năm 2018, cư dân dự án nhà ở xã hội Bright City liên tục tổ chức biểu tình phản đối chủ đầu tư đồng thời làm đơn cầu cứu gửi tới các cơ quan chức năng.

"Bê bối" chung cư 2018 - Ảnh 6

Dự án Bright City. Ảnh: Lao Động

Cụ thể, năm 2014, chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội Bright City là Công ty TNHH Bánh kẹo Thăng Long (thuộc Công ty CP Bất động sản AZ (AZ Land)) cam kết hoàn thành xây dựng, bàn giao nhà vào quý IV/2017. Song đến quý I/2018, công ty này bất ngờ tuyên bố mất khả năng tài chính do cơ chế vay vốn với BIDV Tây Hà Nội không được thực hiện (gói 30.000 tỷ đồng kết thúc). Vì thế, công ty sẽ tiến hành thanh lý hợp đồng đã ký với khách hàng (tiền góp + lãi theo hợp đồng mua bán), sau đó tuyên bố phá sản, để Ngân hàng BIDV phát mại tài sản.

Đầu tháng 4/2018, Văn phòng Chính phủ đã chuyển đơn đến UBND TP. Hà Nội đề nghị xem xét, giải quyết phản ánh của cư dân theo quy định của pháp luật và thông báo cho Văn phòng Chính phủ kết quả giải quyết.

Dự án La Bonita (quận Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh)

Tháng 11/2018, hàng chục khách hàng mua căn hộ tại dự án La Bonita do Công ty Nam Thị làm chủ đầu tư đã căng băng rôn đòi chủ đầu tư bàn giao nhà, đồng thời tố chủ đầu tư bán một căn hộ, tầng thương mại cho nhiều người khác nhau.

"Bê bối" chung cư 2018 - Ảnh 7

Cư dân căng băng rôn tố cáo chủ đầu tư. Ảnh: Dân Trí.

Theo phản ánh của nhiều khách hàng, có 24 căn hộ và tầng thương mại bị bán trùng cho nhiều người. Một số người dân còn bị các ngân hàng tố cáo với công an do lúc mua đã thế chấp căn hộ để vay vốn, nay mất khả năng chi trả và nhà không được bàn giao.

Liên quan đến tranh chấp dự án La Bonita, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đã chỉ đạo yêu cầu Công an TP. Hồ Chí Minh khẩn trương kiểm tra, xác minh thông tin nêu trên, nếu có dấu hiệu tội phạm thì phải khởi tố, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Trước đó, tháng 9/2018, dự án La Bonita cũng bị Sở Xây dựng TP. Hồ Chí Minh xử phạt về việc xây dựng trái phép.