BHXH Việt Nam đẩy mạnh phối hợp tuyên truyền chính sách BHXH, BHYT
Ngày 21/4/2017, BHXH Việt Nam tổ chức hội nghị đánh giá công tác phối hợp tuyên truyền chính sách, pháp luật BHXH, BHYT, định hướng trọng tâm nội dung tuyên truyền thời gian tới. Phó Tổng Giám đốc BHXH Phạm Lương Sơn chủ trì hội nghị cùng sự tham gia của đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội tham gia phối hợp.
Sự vào cuộc tích cực của hệ thống chính trị, các bộ, ban, ngành
Trong năm 2016, Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam đã ký chương trình phối hợp tuyên truyền với 12 bộ, ban, ngành, tổ chức chính trị- xã hội như: Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), Hội Nông dân Việt Nam, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam... và đã cùng với các đơn vị trên tổ chức đa dạng hình thức tuyên truyền đạt được hiệu quả cao.
Cụ thể như đã tổ chức được 166 hội nghị đối thoại, tư vấn; 205 hội nghị tập huấn, tọa đàm; 12 hội thi, game show... phù hợp với từng nhóm đối tượng và thu hút sự tham gia của đông đảo các tầng lớp nhân dân.
Phạm vi tuyên truyền được triển khai rộng khắp tại các địa phương trong cả nước. Đặc biệt, đã đẩy mạnh tuyên truyền trực tiếp tới tận cơ sở xã, phường, tổ chức, DN.
Tại các địa phương, các bộ, ban, ngành đã phối hợp với BHXH cấp tỉnh, cấp huyện và các sở, ban, ngành liên quan triển khai tuyên truyền tới từng nhóm đối tượng, đảm bảo đúng định hướng, có trọng tâm, trọng điểm, như: Tuyên truyền về những điểm mới của Luật BHXH (sửa đổi) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT; vai trò của các cấp ủy, chính quyền trong việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT; việc triển khai thực hiện chính sách BHYT học sinh sinh viên, BHYT hộ gia đình; vấn đề tăng giá dịch vụ y tế; mục đích, ý nghĩa của việc thông tuyến khám chữa bệnh BHYT; tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT...
Bộ LĐTB&XH và BHXH Việt Nam phối hợp tổ chức 26 hội nghị tuyên truyền, tập huấn, tư vấn, đối thoại, tọa đàm về chủ đề BHXH, BHYT..., giải đáp kịp thời những vướng mắc, kiến nghị của DN trong thực hiện chính sách BHXH như: Mức đóng, mức hưởng và các chế độ ốm đau, thai sản, TNLĐ-BNN, hưu trí, tử tuất...
Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng đã phối hợp chặt chẽ với BHXH Việt Nam tập trung thực hiện các hoạt động tuyên truyền hướng đến nhóm đối tượng là NLĐ đang làm việc tại các DN, KCN, KCX. Các hình thức tuyên truyền trực tiếp hướng về cơ sở đã giúp NLĐ, cán bộ Công đoàn nắm vững các quy định của pháp luật về BHXH, BHYT; vai trò của Công đoàn trong việc tham gia thanh tra, kiểm tra, giám sát thực hiện các quy định của pháp luật về BHXH, BHYT cũng như công tác khởi kiện chủ sử dụng lao động trốn đóng, nợ đọng BHXH, BHYT; đồng thời, giúp người lao động hiểu rõ nghĩa vụ và trách nhiệm của mình trong việc tham gia BHXH, BHYT.
VCCI cùng với BHXH Việt Nam tổ chức nhiều chương trình tuyên truyền thiết thực, hiệu quả. Từ đó, nâng cao sự hiểu biết về chính sách BHXH, BHYT cho giới chủ sử dụng lao động; giúp tăng tính tuân thủ pháp luật, góp phần hạn chế tình trạng nợ đọng, trốn đóng BHXH tại các DN.
Cùng với đó, việc tuyên truyền phổ biến chính sách BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình đến với người dân, chính sách BHYT học sinh sinh viên cũng đã được BHXH Việt Nam phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, ban ngành như: Hội Nông dân Việt Nam, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam... và đã thu được nhiều kết quả tích cực.
Tăng cường đẩy mạnh tuyên truyền
Tại Hội nghị tổng kết công tác phối hợp với các bộ, ban, ngành, tổ chức chính trị- xã hội về tuyên truyền chính sách BHXH, BHYT năm 2016 và định hướng công tác tuyên truyền năm 2017, đại diện một số đơn vị đã có những đóng góp thiết thực, tâm huyết về những mặt được, mặt chưa được và kiến nghị giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả tuyên truyền trong thời gian tới.
Theo đó, trọng tâm tuyên truyền cần tập trung vào các nội dung: Làm rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành, tổ chức chính trị - xã hội trong việc phối hợp tổ chức thực hiện Luật BHXH, Luật BHYT.
Vai trò của các cấp chính quyền, người sử dụng lao động trong việc thực hiện trách nhiệm của mình với người lao động khi tham gia BHXH, BHYT, BHTN. Phân tích ý nghĩa, tầm quan trọng, tính ưu việt của chính sách BHXH, BHYT; lợi ích của BHXH, BHYT đối với mỗi người dân và toàn xã hội; về mức đóng, mức hưởng, phương thức tham gia, thủ tục tham gia BHXH, BHYT.
Tuyên truyền những điểm mới của Luật BHXH, nhất là những nội dung liên quan đến quy định tính lương hưu từ năm 2018; giúp người dân hiểu về lợi ích của việc tham gia BHXH, ngăn ngừa trục lợi BHXH.
Đối tượng tuyên truyền hướng đến bao gồm: đội ngũ lãnh đạo các cấp, các ngành, các chức sắc tôn giáo, báo cáo viên, tuyên truyền viên, phóng viên các cơ quan báo chí; chủ sử dụng lao động, người lao động, cán bộ lao động tiền lương, công nhân lao động; người lao động các làng nghề, người lao động tự do, nông dân, phụ nữ các hội viên, đoàn viên các tổ chức đoàn thể; thanh niên, học sinh, sinh viên.
Hình thức tuyên truyền tiếp tục được đa dạng hóa; thông qua các hội nghị tập huấn, tọa đàm để trang bị kiến thức về BHXH, BHYT cho đội ngũ cán bộ các cấp, các ngành để tuyên truyền phổ biến chính sách BHXH, BHYT.
Đẩy mạnh các hình thức tuyên truyền trực tiếp tại cơ sở trọng tâm là tổ chức các hội nghị đối thoại, tư vấn về BHXH, BHYT với các nhóm đối tượng là người sử dụng lao động, người lao động, học sinh, sinh viên, xã viên hợp tác xã, nông dân….
Thay mặt BHXH Việt Nam, Phó Tổng Giám đốc Phạm Lương Sơn đánh giá cao sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự phối hợp của các bộ, ban, ngành và các tổ chức chính trị-xã hội trong việc tuyên truyền chính sách pháp luật BHXH, BHYT. Theo Phó Tổng Giám đốc, BHXH Việt Nam quyết tâm thực hiện đạt và vượt các mục tiêu mà Thủ tướng Chính phủ đã giao, trong đó xác định công tác tuyên truyền là một trong những giải pháp trọng tâm để thực hiện những mục tiêu đó.
Phát huy những kết quả đạt được, trong năm 2017, BHXH Việt Nam sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác với các bộ, ban, ngành, tổ chức chính trị- xã hội đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước về BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, nhất là tính ưu việt, tầm quan trọng của chính sách cũng như quy định về mức đóng, mức hưởng, phương thức, thủ tục tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp.