Biến cơ hội thành sức mạnh kinh tế

Theo Minh Khuê/thoibaonganhang.vn

Vốn FDI tăng đều qua các năm cho thấy Việt Nam là thị trường hấp dẫn đối với nhà đầu tư ngoại

Vốn FDI tăng đều qua các năm cho thấy Việt Nam là thị trường hấp dẫn đối với nhà đầu tư ngoại. Nguồn: internet
Vốn FDI tăng đều qua các năm cho thấy Việt Nam là thị trường hấp dẫn đối với nhà đầu tư ngoại. Nguồn: internet

Tăng tín nhiệm, nâng niềm tin

Fitch Ratings mới đây đã nâng xếp hạng tín nhiệm Nhà phát hành nợ dài hạn và sửa đổi Sàn Xếp hạng Hỗ trợ của 3 ngân hàng có vốn nhà nước của Việt Nam gồm VietinBank, Vietcombank và Agribank từ B+ lên BB-. Trước đó, cơ quan này cũng nâng mức xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam lên mức “BB” từ mức “BB-” với triển vọng “ổn định”. Brand Finance đầu năm 2018 cũng đã công bố giá trị 500 thương hiệu ngân hàng giá trị nhất thế giới năm 2018, Việt Nam có 3 cái tên góp mặt: VietinBank, BIDV, Vietcombank...

Sau hơn 10 năm, kể từ khi gia nhập WTO, Việt Nam đã hội nhập quốc tế sâu rộng với độ mở nền kinh tế ngày càng lớn. Bắt nhịp cùng nền kinh tế, thị trường tài chính - tiền tệ đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ và ngày càng có uy tín đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

Dòng vốn của nhà đầu tư ngoại đổ vào ngân hàng Việt theo dự báo của các chuyên gia sẽ ngày càng tăng. Đơn cử, ngay trong quý I/2018, hai nhà đầu tư pháp nhân độc lập được quản lý bởi Warburg Pincus đã rót hơn 370 triệu USD (tương đương khoảng 8.400 tỷ đồng) vào Techcombank. Hệ thống NHTM Việt cũng ghi nhận kỷ lục về quy mô các đợt IPO thành công như VPBank với 250 triệu USD, HDBank là 300 triệu USD…

Trong các đợt IPO này, sự xuất hiện của các nhà đầu tư ngoại với số lượng mua đều cao hơn rất nhiều so với lượng chào bán. Cuối năm 2017, TPBank và Quỹ Đầu tư PYN Fund Management đã ký hợp đồng mua bán cổ phần, theo đó PYN Elite Fund sở hữu 4,99% vốn sau phát hành của TPBank với giá trị gần 40 triệu USD…

Năm 2018 kinh tế thế giới phục hồi khả quan, theo dự báo của IMF tăng trưởng khoảng 3,9%, đặc biệt các nền kinh tế lớn là đối tác hàng đầu của Việt Nam tiếp tục tăng trưởng tích cực; giá hàng hoá cơ bản trên thế giới phục hồi tác động tích cực đến tăng trưởng, xuất khẩu, thu ngân sách.

Ông Phạm Thanh Hà - Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) nhìn nhận, trong nước kinh tế vĩ mô, lạm phát ổn định thời gian qua; kết hợp với môi trường đầu tư kinh doanh cải thiện, cải cách hành chính, khuôn khổ pháp lý thông thoáng là nền tảng cơ bản khuyến khích đầu tư tư nhân, khởi nghiệp và thu hút vốn nước ngoài.

Ngoài ra việc Việt Nam đẩy mạnh triển khai các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới hỗ trợ mở rộng thị trường bền vững, thúc đẩy cải cách trong nước… cũng tạo điều kiện để DN tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Những yếu tố này tạo thế và lực cho nền kinh tế trong năm 2018, tạo điều kiện thuận lợi để ngành Ngân hàng thực hiện thành công các nhiệm vụ đặt ra, gia tăng niềm tin với đối tác ngoại.

Vươn tầm khu vực, quốc tế

Trao đổi với phóng viên Thời báo Ngân hàng, các chuyên gia kinh tế đều có chung quan điểm, sự hấp dẫn của các ngân hàng Việt đối với giới đầu tư nước ngoài phần nhiều là do điều hành chính sách tiền tệ của NHNN đã đạt được những thành công nhất định, góp phần tích cực vào ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát được lạm phát, ổn định giá trị đồng tiền và thị trường tiền tệ; trong khi vẫn hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức cao so với các quốc gia trong khu vực.

Bên cạnh đó, công cuộc tái cơ cấu hệ thống TCTD và xử lý nợ xấu cũng đã thiết lập nền tảng vững chắc cho sự phát triển lành mạnh của hệ thống và ổn định kinh tế vĩ mô. Kinh tế Việt Nam nhờ thế mà có sự tăng trưởng ổn định, các cân đối kinh tế vĩ mô được giữ vững. Vị thế của Việt Nam được nâng cao trong những năm qua, thể hiện ở việc các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế nâng mức xếp hạng đối với Việt Nam năm 2014 và liên tục điều chỉnh nâng triển vọng xếp hạng trong các năm 2015 - 2018.

Cơ hội không tự nó biến thành lợi ích, cũng không tự chuyển thành sức mạnh kinh tế, năng lực cạnh tranh trên thị trường, bởi theo chia sẻ của một chuyên gia kinh tế, thách thức là sức ép, nhưng tác động tới đâu còn phụ thuộc nhiều vào phản ứng của chủ thể. Đối với riêng lĩnh vực tài chính – ngân hàng, khi tận dụng được tốt cơ hội mang lại sẽ tạo ra cơ hội mới còn lớn hơn thế. Ngược lại, nếu không nắm giữ được thì thách thức đối diện sẽ chuyển thành khó khăn dài hạn. 

Trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, hệ thống tài chính - ngân hàng Việt Nam đã, đang mạnh mẽ tái cơ cấu, thanh lọc hệ thống, nâng cao tính minh bạch của các TCTD. TS. Cấn Văn Lực nhận thấy, các ngân hàng Việt Nam bắt buộc phải cải cách thủ tục hành chính, quy trình. Từ đó nâng cao chất lượng dịch vụ, đưa chất lượng dịch vụ ngày càng gần hơn với các định chế tài chính hàng đầu trong khu vực và trên thế giới.

“Tiếp tục đổi mới công nghệ, tạo ra nhiều sản phẩm, dịch vụ thiết thực, hiện đại phục vụ cho các hoạt động xuất- nhập khẩu, đầu tư. Đi cùng với đó là nâng cao khả năng hội nhập, mở rộng mạng lưới trong khu vực, tăng cường kết nối với hệ thống các định chế tài chính khu vực và trên thế giới”, ông Lực chia sẻ.

Ông Lực cũng cho rằng, điểm yếu của nhiều ngân hàng Việt Nam nằm ở tính minh bạch chưa cao. Đây cũng sẽ là rào cản lớn khiến các nhà đầu tư ngoại chần chừ trong quyết định rót vốn của mình. Vì vậy, nâng cao chất lượng quản trị doanh nghiệp, quản lý rủi ro về tỷ giá, lãi suất, thị trường, hay minh bạch thông tin… đều là những điều kiện bắt buộc khi tham gia sân chơi chung kinh tế quốc tế.

Đồng tình với ý kiến trên, một chuyên gia kinh tế chia sẻ thêm, lãnh đạo của các TCTD phải có khả năng phản ứng chính xác, nhanh nhạy, linh hoạt, có cơ chế phòng ngừa rủi ro đối với những biến động của thị trường. Chấp nhận mạo hiểm trên cơ sở thu thập và xử lý đầy đủ thông tin, khả năng tư duy để có quyết định chính xác. Nhưng dù thế nào vẫn khó có thể dự báo hết tất cả biến động do kinh tế thế giới ngày càng có nhiều biến động phức tạp. Do đó Cơ chế phòng ngừa rủi ro là điều tối quan trọng.