Shangri-La 2015:

Biển Đông nóng từ ngày đầu tiên

Theo daibieunhandan.vn

(Taichinh) - Phát biểu mở đầu phiên thảo luận “Mỹ và những thách thức đối với an ninh châu Á - Thái Bình Dương” tại Đối thoại Shangri-La lần thứ 14 - 2015 ngày 30.5, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã lên án những hành vi bành trướng phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông.

Biển Đông trở thành vấn đề nóng tại diễn đàn Shangri-La 2015. Nguồn: ITN
Biển Đông trở thành vấn đề nóng tại diễn đàn Shangri-La 2015. Nguồn: ITN

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ: Mỹ có quyền can dự

Ông Carter phát biểu, châu Á là điểm tựa của kinh tế toàn cầu. Chính sách tái cân bằng của Mỹ sẽ kéo dài, cả về quân sự và kinh tế.

“Việc đoàn đại biểu Quốc hội Mỹ có mặt tại Đối thoại Shangri-Lalần thứ 14 - 2015 đã thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ của lưỡng đảng (Dân chủ và Cộng hòa) dành cho chính sách tái cân bằng của Mỹ sang châu Á” - ông Carter khẳng định, đồng thời nói thêm chiến lược này nhằm phát triển châu Á - Thái Bình Dương chứ không phải để kìm hãm bất cứ quốc gia nào.

Về Biển Đông, ông Carter khẳng định Mỹ có quyền can dự và lo ngại đối với vấn đề này. “Chúng ta đều có lợi ích cơ bản trong an ninh Biển Đông” - ông nói và cho rằng Mỹ quan ngại sâu sắc trước những căng thẳng ở vùng biển này.

“Đến nay vẫn chưa rõ Trung Quốc sẽ còn đi xa tới đâu. Đó là lý do tại sao Biển Đông đã và đang trở thành ngọn nguồn của sự căng thẳng trong khu vực và xuất hiện trên khắp các phương tiện thông tin đại chúng toàn cầu” - ông Carter phát biểu.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cũng cho biết, “Mỹ sẽ tiếp tục ưu tiên việc đạt được một giải pháp hòa bình cho tất cả các bên liên quan, đồng thời phản đối bất cứ hành vi quân sự hóa hơn nữa tại các khu vực tranh chấp.

Ông Carter nhấn mạnh, Washington sẽ tiếp tục hoạt động ở vùng biển và không phận quốc tế để khẳng định quyền tự do đi lại mà Trung Quốc đang phá vỡ”.

Trong bài phát biểu, ông Carter cũng nêu bật các hành vi xây dựng đảo phi pháp trên Biển Đông đang có dấu hiệu tăng mạnh của Trung Quốc trong vòng hơn một năm trở lại đây, với hơn 800ha diện tích đất được cải tạo trái phép trong 18 tháng qua.

Bình luận của ông Carter được đưa ra một ngày sau khi Lầu Năm Góc xác nhận thông tin Trung Quốc đã điều pháo tới một trong những đảo nhân tạo nước này xây dựng ở Biển Đông. Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain gọi đây là một bước phát triển leo thang và đáng lo ngại.

Trung Quốc: Mỹ không có hứa hẹn cụ thể nào

Ngay sau phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter tại Đối thoại Shangri-La 14 diễn ra ở Singapore, Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã lập tức triệu tập họp báo để đưa ra phản ứng chính thức đối với các phát ngôn của ông Carter.

Tại họp báo, Thiếu tướng Hải quân Quan Hữu Phi - Chủ nhiệm Văn phòng Ngoại vụ Bộ Quốc phòng Trung Quốc - nhận định, quan điểm của Bộ trưởng Carter đối với vấn đề Biển Đông “có 3 phương diện không được thể hiện một cách toàn diện” và “không có tính hợp pháp cũng như tính xây dựng, bao gồm việc xây dựng đảo nhân tạo, tự do hàng hải” và việc chỉ trích Trung Quốc là kẻ gây rối ở Biển Đông.

Về cơ bản, phản ứng của Bộ Quốc phòng Trung Quốc không khác so với những gì mà báo chí đã dự đoán, rằng Bắc Kinh sẽ bỏ ngoài ta mọi lời cảnh tỉnh để tiếp tục luận điệu bao biện đầy trắng trợn cho những hành động phi pháp trên biển.

Tờ Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc cũng ngay lập tức có bài nói rằng, trong phần phỏng vấn ông Carter sau diễn văn cũng như cuộc họp báo ngắn của Chủ tịch Ủy ban Quân sự Thượng viện Mỹ John McCain, truyền thông quốc tế đã đưa ra nhiều câu hỏi buộc Mỹ phải ngửa bài. Những vấn đề như nếu Bắc Kinh ngoan cố xây đảo nhân tạo trái phép, Mỹ có thể làm gì? hay Mỹ đã cảnh cáo bằng lời rất nhiều, đã đến lúc đưa ra hành động tiếp theo...

Tuy nhiên, tờ báo mỉa mai, ngoài việc nhấn mạnh sự hiện diện quyền lực Mỹ ở các vùng biển và không phận quốc tế, cũng như phủ nhận toàn bộ hoạt động xâm chiếm trái phép đảo đá trên Biển Đông, các ông Carter và McCain chưa đưa ra được hứa hẹn cụ thể nào.

Singapore: Mỹ - Trung không nên chia Thái Bình Dương thành khu vực ảnh hưởng

Trước đó, trong bài phát biểu khai mạc tối 29.5, Thủ tướng Lý Hiển Long kêu gọi Mỹ và Trung Quốc không sử dụng sức mạnh quân sự để chia khu vực châu Á - Thái Bình Dương thành hai vùng ảnh hưởng riêng biệt.

Theo ông Lý, sự cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc là điều khó tránh khỏi nhưng mối quan hệ song phương này không phải là một trò chơi có kẻ thắng người thua. Vấn đề là, hành động gia tăng ảnh hưởng của hai nước nên diễn ra trong khuôn khổ các chuẩn mực và quy tắc quốc tế. Ông nhấn mạnh, không nước nào ở châu Á muốn phải lựa chọn đứng về phía Washington hoặc Bắc Kinh.

Tuy nhiên, ông Lý cảnh báo, một mô hình cạnh tranh khác đang diễn ra ở biển Đông và biển Hoa Đông có thể dẫn đến những căng thẳng và hậu quả xấu mà bất kỳ quốc gia châu Á nào cũng sẽ bị thiệt hại. “Tại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, tàu và máy bay của Trung Quốc và Nhật Bản đang thử thách giới hạn chịu đựng của nhau.

Còn ở Biển Đông, những hành động đơn phương đang được tiến hành tại khu vực tranh chấp như khoan dầu khí, cải tạo đất, lập tiền đồn và tăng hiện diện quân sự” - nhà lãnh đạo Singapore nói, ám chỉ hoạt động xây dựng trái phép của Trung Quốc tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam.