Biến động tỷ giá có đáng lo ngại?
Trong những tháng cuối năm đồng USD tăng liên tục, chạm mốc cao nhất trong13 năm qua đã tác động đến giá nhiều đồng tiền trên thế giới.
Vậy điều này, ảnh hưởng đến nền kinh tế và doanh nghiệp (DN) Việt Nam như thế nào? Liệu sóng tỷ giá cuối năm tác động thế nào tới nền kinh tế và DN xuất khẩu của Việt Nam…
Tỷ giá tiếp tục tăng
Trong tuần qua, tỷ giá USD trên thị trường đã tăng tới 300 đồng/USD, thậm chí có ngày tăng gần 200 đồng/USD. Tỷ giá trung tâm cũng được Ngân hàng nhà nước (NHNN) tăng hơn 100 đồng/USD. Đây là phản ứng đương nhiên của thị trường khi trên thế giới, đồng USD đạt mức tăng giá kỷ lục trong vòng 13 năm qua.
Khác với những năm trước, thay vì một quota “cứng”, ngay từ đầu năm NHNN đã áp dụng cơ chế điều hành tỷ giá trung tâm, điều chỉnh từng ngày. Tuy nhiên, cứ vào cuối năm, tín dụng dồn toa, nhu cầu thanh toán cũng gia tăng,… thì tỷ giá năm nay vẫn không thoát khỏi tình trạng biến động.
Theo báo cáo của các tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài qua hệ thống báo cáo thống kê về Ngân hàng Nhà nước (NHNN), đến ngày 18/11, tổng doanh số giao dịch trên thị trường liên ngân bằng USD quy đổi ra VNĐ đạt 52662 tỷ đồng, tăng 3003 tỷ đồng so với tuần trước đó. Các ngân hàng đang tăng cường vay mượn đồng USD để đáp ứng nhu cầu thanh toán cuối năm cho các DN.
Ông Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế cho rằng, kết quả bầu cử tổng thống Mỹ đã gây tác động mạnh đến thị trường tài chính toàn cầu. Các thị trường chứng khoán, ngoại hối, vàng đã dao động rất mạnh ngay sau khi có kết quả bầu cử. Vào tháng 12 tới, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ tăng lãi suất và khả năng càng tăng cao đang ảnh hưởng tới đồng USD.
Phản ứng này của thị trường, theo giới chuyên gia và cả lãnh đạo các ngân hàng, là hoàn toàn theo “sóng đầu cơ” USD của thế giới, chứ không liên quan đến cung – cầu trong nước và càng không liên quan đến khả năng phá giá VND của NHNN.
Có bất lợi cho xuất khẩu?
Ông Nguyễn Văn Hưởng – Giám đốc công ty Hapaco Yên Sơn cho rằng, dù linh hoạt, song chính sách điều hành tỷ giá cũng gặp khó trong ứng xử với thị trường. Lạm phát cao hơn nhiều năm trước trên dưới 5%. Đồng USD lên giá kéo theo áp lực từ việc mất giá của nhiều đồng tiền, trong đó có những đồng tiền gắn bó chặt chẽ với thị trường thương mại của Việt Nam.
Cái khó trong điều hành tỷ giá là làm sao điều chỉnh đủ linh hoạt để vừa không làm mất khả năng cạnh tranh hàng hóa của các DN xuất khẩu Việt Nam mà vẫn giữ được ổn định giá trị đồng tiền. Ví như, nếu cố giữ VND quá “cứng” sẽ khiến Việt Nam mất lợi thế cạnh tranh xuất khẩu.
Từ đầu năm đến nay, tỷ giá trong nước hầu như đứng im, trong khi nhiều quốc gia khác đang phá giá đồng nội tệ (tuần qua, đồng tiền của nhiều quốc gia châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, Malaysia, Nhật Bản… liên tục giảm giá), gây bất lợi cho xuất khẩu của Việt Nam.
Theo TS Lê Đăng Doanh, đối với việc xuất hàng hóa sang các nước xung quanh, nếu đồng tiền của các nước xung quanh mất giá với USD thì chính phủ các nước này sẽ để đồng tiền mất giá nhằm tăng tính cạnh tranh cho xuất khẩu của họ, gây bất lợi cho các DN xuất khẩu của Việt Nam.
Cuối năm lãi suất có tăng?
Theo dự báo, nếu USD tiếp tục tăng thì dòng tiền có thể đảo chiều, chuyển từ kênh gửi tiết kiệm sang USD. Sự dịch chuyển từ gửi tiền đồng sang USD có thể tiếp tục diễn ra, có thể gây áp lực lên thanh khoản tiền đồng. Khi đó, các NHTM sẽ phải xem xét điều chỉnh tăng lãi suất tiền đồng để thu hút vốn.
Hiện thanh khoản hệ thống ngân hàng đã bớt dư thừa so với giai đoạn trước – được thể hiện qua động thái bơm ròng qua kênh tín phiếu của NHNN và xu hướng tăng trở lại của lãi suất liên ngân hàng. Nhiều khả năng tín dụng đang tăng tốc mạnh khiến lượng vốn dư thừa trong hệ thống ngân hàng không còn nhiều như trước.
Trong khi đó, lạm phát mục tiêu năm nay có thể vượt mức 4%, cao hơn nhiều so với lạm phát bình quân năm 2015 chỉ ở 0,63%, trong khi lãi suất tiền gửi VND từ đầu năm đến nay đã giảm nhiều so với năm trước.
Theo phân tích của công ty chứng khoán Vietcombank (VCBS), những tháng cuối cùng của 2016, mặt bằng lãi suất có thể chịu một số áp lực nhất định như tỷ giá nóng lên, FED tăng lãi suất dự kiến và tăng trưởng tín dụng gia tốc về cuối năm theo yếu tố mùa vụ.
Tuy vậy, ở chiều ngược lại, lãi suất đang được hỗ trợ bởi một số yếu tố như định hướng từ chính phủ và NHNN trong việc duy trì mặt bằng lãi suất thấp ở mức hợp lý để hỗ trợ nền kinh tế, lạm phát vẫn đang được giữ ở mức mục tiêu đề ra và thanh khoản của hệ thống ngân hàng mặc dù có thể bớt dư thừa trong ngắn hạn, nhưng sẽ không chuyển sang trạng thái thiếu hụt.
Bà Nguyễn Thị Hồng – Phó Thống đốc NHNN cho biết, nhờ cách thức điều hành tỷ giá mới linh hoạt và những diễn biến thuận lợi về cung cầu ngoại tệ. NHNN mua được một lượng lớn ngoại tệ để tăng dự trữ ngoại hối Nhà nước. Trong những ngày qua, tỷ giá có xu hướng tăng, nhưng mức tỷ giá này vẫn thấp hơn khoảng 50 đồng/USD so với mức tỷ giá vào cuối năm 2015.