Biến động về giá mặt hàng thiết yếu làm CPI tháng 5 giảm 0,03%
Sáng 29/5, Tổng cục Thống kê công bố, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả nước tháng 5 năm 2020 giảm 0,03% so với tháng trước, giảm 1,24% so với tháng 12 năm 2019 và tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 5 tháng đầu năm 2020, CPI tăng 4,39% so với cùng kỳ năm 2019.
CPI tháng 5/2020 giảm nhẹ
Tổng cục Thống kê chỉ ra, trong tháng 5, trong số 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, 4 nhóm hàng có chỉ số giá giảm như: giao thông giảm 2,21%; văn hóa, giải trí và du lịch giảm 0,02%; bưu chính viễn thông giảm 0,02%; may mặc, mũ nón và giầy dép giảm 0,01%.
Có 7 nhóm hàng hóa dịch vụ tăng gồm: hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,34%; đồ uống và thuốc lá tăng 0,25%; nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,25%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,07%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,05%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,04%. Nhóm giáo dục không thay đổi.
CPI khu vực thành thị giảm 0,17%, khu vực nông thôn tăng 0,11%. Lạm phát cơ bản 5 tháng đầu năm 2020 tăng 2,88% so với cùng kỳ năm 2019.
Trong tháng 5 năm 2020, CPI khu vực thành thị giảm 0,17%, khu vực nông thôn tăng 0,11% so với tháng trước. Khu vực nông thôn tăng chủ yếu do nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,8%, trong khi đó khu vực thành thị giảm 0,11%.
Các nhóm hàng nhà ở, điện, nước sinh hoạt, gas và các chất đốt khác của hai khu vực có mức tăng giảm tương đương nhau, nhưng do tỷ trọng tiêu dùng nhóm nhà ở thuê của khu vực thành thị cao nên khi giá nhà thuê giảm, chỉ số chung của nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng giảm nhiều hơn khu vực nông thôn.
Bà Đỗ Thị Ngọc, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê) cũng cho biết, các nguyên nhân làm giảm CPI tháng 5 năm 2020 là do giá xăng, dầu được điều chỉnh giảm vào ngày 28/4/2020 và điều chỉnh tăng vào ngày 13/5/2020, bình quân giá xăng dầu tháng 5 năm 2020 giảm 4,98% so với tháng trước làm CPI chung giảm 0,21%.
Cùng với đó là thực hiện Nghị quyết số 41/NQ-CP ngày 09/4/2020 của Chính phủ tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 năm 2020 và công văn số 2698/BCT-ĐTĐL ngày 16/4/2020 của Bộ Công Thương về việc hỗ trợ giảm giá điện, giảm tiền điện cho các khách hàng sử dụng điện bị ảnh hưởng của dịch COVID-19, theo đó giá điện tháng 5 năm 2020 giảm 0,28% so với tháng trước.
Giá gạo giảm 0,09% so với tháng trước do vụ lúa Đông Xuân năm 2020 tại các tỉnh phía Nam cơ bản đã thu hoạch xong. Tính đến ngày 24/5/2020, tại các địa phương phía Nam năng suất lúa ước đạt 67,3 tạ/ha, tăng 0,3 tạ/ha. Sản lượng ước đạt 13,44 triệu tấn, giảm 464,2 nghìn tấn so với vụ lúa Đông Xuân năm 2019. Bên cạnh đó, việc giãn cách xã hội do dịch COVID-19 được nới lỏng, người dân giảm nhu cầu tiêu dùng và dự trữ gạo.
Giá thuê nhà ở giảm 1,43% do nhiều hộ gia đình giảm giá thuê nhà ở hỗ trợ người tiêu dùng trong tình hình dịch COVID-19.
Trong nước, lượng dự trữ ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam dồi dào đáp ứng nhu cầu về ngoại tệ của các doanh nghiệp nhập khẩu, tỷ giá giữa VND và USD tháng 5 năm 2020 giảm 0,41%, giá USD bình quân ở thị trường tự do tháng 5 năm 2020 ở quanh mức 23.219 VND/USD.
Tổng cục Thống kê cho biết, lạm phát cơ bản (CPI sau khi loại trừ lương thực, thực phẩm tươi sống; năng lượng và mặt hàng do Nhà nước quản lý bao gồm dịch vụ y tế và dịch vụ giáo dục) tháng 5 năm 2020 giảm 0,03% so với tháng trước, tăng 2,54% so với cùng kỳ năm trước; 5 tháng đầu năm 2020 so với cùng kỳ năm trước tăng 2,88%.
Bình quân 5 tháng đầu năm 2020 lạm phát chung có mức tăng cao hơn lạm phát cơ bản điều này phản ánh biến động giá chủ yếu do các yếu tố phi tiền tệ như: giá lương thực, thực phẩm, giá một số dịch vụ tăng so với cùng kỳ năm trước.
Những nguyên nhân tác động đến CPI tháng 5
Bên cạnh các nguyên nhân làm giảm CPI, có một số nguyên nhân làm tăng CPI tháng 5/2020 như: giá gas tháng 5 năm 2020 tăng 12,08% so với tháng trước do điều chỉnh giá gas tăng 34.000 đồng/bình 12kg theo giá gas thế giới làm CPI chung tăng 0,14%. Giá gas thế giới bình quân tháng 5 năm 2020 công bố ở mức 340 USD/tấn, tăng 105 USD/tấn so với tháng 4 năm 2020.
Kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5/2020 kéo dài và mọi hoạt động xã hội đã trở lại trạng thái bình thường sau thời gian giãn cách xã hội do bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nên nhu cầu ăn uống ngoài gia đình tăng làm cho giá các dịch vụ này tăng 0,35% so với tháng trước. Bên cạnh đó, thời tiết nắng nóng nhu cầu tiêu dùng các mặt hàng đồ uống, thuốc lá tăng làm chỉ số giá nhóm này tăng 0,25% so với tháng trước.
Cùng với đó, giá thịt lợn tháng 5 năm 2020 tiếp tục tăng 4,13% với tháng trước do nguồn cung chưa được đảm bảo. Ước tính đàn lợn cả nước tháng 5 năm 2020 giảm khoảng 6,2% so với cùng kỳ năm 2019.
Cũng trong tháng 5, giá vàng trong nước biến động theo giá vàng thế giới, bình quân đến ngày 24/5/2020 giá vàng thế giới ở mức 1.733 USD/ounce tăng 1,41% so với tháng trước. Giá vàng thế giới tăng do giới đầu tư lo ngại dịch COVID-19 đang đẩy thế giới vào một đợt suy thoái sâu nên đã tháo chạy khỏi nhiều kênh đầu tư. Theo đó, nhu cầu mua các loại tài sản an toàn như vàng tăng cao làm cho giá vàng tăng.
Chính phủ Mỹ cũng như các ngân hàng trung ương trên thế giới đã đưa ra nhiều gói cứu trợ cho người dân và nền kinh tế. Khi lượng tiền đưa ra thị trường lớn sẽ khiến đồng tiền mất giá và là cơ hội cho giá vàng tăng. Bình quân tháng 5 năm 2020, giá vàng trong nước tăng 2,41% so với tháng trước, giá vàng dao động quanh mức 4,717 triệu đồng/chỉ vàng SJC.
Chỉ số giá USD -0,41% và đồng USD trên thị trường thế giới giảm trước hàng loạt thông tin kinh tế quan trọng của nước Mỹ được công bố không mấy khả quan.
Cụ thể, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục giữ lãi suất 0% - 0,25%. Theo Fed, ngành bán lẻ đang trải qua giai đoạn khó khăn, tỷ lệ thất nghiệp tháng 4 năm 2020 có thể ở mức hai con số, dữ liệu kinh tế quý II năm 2020 sẽ tiêu cực nhất… Fed cam kết sử dụng đầy đủ các công cụ chính sách hỗ trợ kinh tế, trong đó tập trung xử lý hai mục tiêu chính là hỗ trợ các doanh nghiệp và ngăn chặn tình trạng mất khả năng thanh toán.