Biện pháp nào hạn chế thuốc lá thế hệ mới nhập lậu?
Do chưa có khung pháp lý rõ ràng và cộng thêm việc hiểu chưa đúng về thuốc lá thế hệ mới đã dẫn tới thực trạng buôn lậu thuốc lá thế hệ mới tràn lan trên thị trường, gây thiệt hại không nhỏ cho cả ngân sách lẫn người tiêu dùng.
Vì sao thuốc lá thế hệ mới nhập lậu vẫn có đất sống?
Thuốc lá thế hệ mới bao gồm các sản phẩm thuốc lá điện tử, xì gà điện tử (e-cigar) shisha điện tử (e-shishas) và thuốc lá nung nóng. Trong đó, thuốc lá điện tử (ENDS) hoạt động bằng cách làm nóng dung dịch lỏng hòa tan, tạo ra dạng khí dung cho người dùng hít vào. Sản phẩm được nhận biết khi có thiết bị như bộ phận pin, sạc; bộ phận gia nhiệt, dẫn dòng khí; bộ phận chứa ống đựng dung dịch điện tử.
Với thuốc lá nung nóng (HTPs) - đây là sản phẩm thuốc lá làm sản sinh ra hạt khói/làn khói cho người hút thuốc hít vào thông qua một thiết bị điện tử. Thiết bị này bao gồm bộ phận gia nhiệt làm nóng, điếu thuốc (hay đầu cắm) được sử dụng cùng nhau.
Cả hai sản phẩm này được xem là điển hình của thuốc lá thế hệ mới và được thương mại hóa ở nhiều nước trên thế giới. Chẳng hạn, thuốc lá làm nóng hiện đã được thương mại hóa trên ít nhất 61 thị trường bao gồm Mỹ, Anh, Nga, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines, Malaysia… Đáng chú ý, trong tháng 7/2020, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã cho phép một loại hệ thống thuốc lá làm nóng bằng thiết bị điện của một tập đoàn toàn cầu được kinh doanh với thông tin "Sản phẩm thuốc lá điều chỉnh nguy cơ - Giảm thiểu phơi nhiễm" (MRTP).
Tuy nhiên tại Việt Nam hiện thuốc lá thế hệ mới chưa được cấp phép sản xuất, kinh doanh trong khi nhu cầu sử dụng của người tiêu dùng rất lớn, dẫn tới thị trường ngập tràn những sản phẩm nhập lậu không rõ nguồn gốc. Thực tế này đã và đang gây thất thu một nguồn thuế khá lớn cho Nhà nước đồng thời còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn cho người tiêu dùng.
Theo các thống kê từ lực lượng quản lý thị trường, thời gian qua tình trạng buôn lậu thuốc lá thế hệ mới vẫn còn gia tăng. Đơn cử tại An Giang, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2021 đã phát hiện, bắt giữ 4 vụ buôn lậu thuốc lá thế hệ mới (tăng 3 vụ so với cả năm 2020). Hay tại Hà Nội, liên tiếp các tháng đầu năm cơ quan chức năng đã phát hiện, thu giữ hàng chục ngàn sản phẩm thuốc lá thế hệ mới với giá trị mỗi vụ lên tới hàng tỷ đồng. Còn tại TP. Hồ Chí Minh, ước tính mỗi năm phát hiện và xử lý hàng chục, thậm chí cả trăm vụ buôn lậu thuốc lá thế hệ mới. Điều đáng nói, đây cũng chỉ mới là phần băng nổi, thực tế có thể còn nhiều hơn như vậy, nhưng khó phát hiện và xử lý hết được, đồng thời dẫn đến hệ lụy về sức khỏe cộng đồng.
Lý giải việc thuốc lá thế hệ mới nhập lậu vẫn có “đất sống”, đại diện của Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP. Hồ Chí Minh chỉ ra, do nhiều người kinh doanh lợi dụng sự thiếu cơ chế quản lý hiện nay để lách, đưa hàng vào thị trường và người tiêu dùng cũng dễ dàng mua và tiếp cận sản phẩm.
Quản lý như thế nào để không lọt lưới sản phẩm lậu?
Trong bối cảnh đó, các chuyên gia cho rằng, thay vì cấm thì Việt Nam cần xem xét đưa những khung pháp lý phù hợp để quản lý thuốc lá thế hệ mới. Bởi lẽ cùng với việc khuyến khích người đang hút thuốc bỏ thuốc thì việc chuyển sang sử dụng những sản phẩm thay thế ít nguy hại hơn là một trong những cách tiếp cận hiệu quả đối với nhóm người tiếp tục hút thuốc.
Nêu quan điểm về vấn đề này, bà Phan Minh Thủy, Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng, cần nghiên cứu rất kỹ và có các giải pháp toàn diện để quản lý. Cụ thể là từ các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đến quy định về kinh doanh (như sản xuất, phân phối, tiêu thụ, đầu tư, mua bán nguyên liệu), quy định về quảng cáo, thuế, biện pháp xử lý vi phạm.
Được biết, từ năm 2017, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công Thương xây dựng chính sách quản lý các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới. Các nghiên cứu này bao gồm những biện pháp siết chặt sự tiếp cận của giới trẻ, đánh giá tính lợi ích trong việc ngăn chặn và phòng chống buôn lậu khi sản phẩm đưa vào quản lý, các lợi ích kinh tế quốc gia cũng như lợi ích cho người đang hút thuốc. Dựa theo đó, trong suốt 4 năm qua, quá trình xây dựng dự thảo chính sách đã được các bộ ngành dốc toàn lực triển khai và báo cáo lên Chính phủ.
Hiện đại diện Cục Quản lý công nghiệp (Bộ Công Thương) trong lần trả lời báo chí gần đây cho biết, Bộ đang nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ về chính sách quản lý đối với các loại hình thuốc lá thế hệ mới, đảm bảo chặt chẽ, phù hợp Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá và Chiến lược quốc gia về giảm thiểu tác hại của thuốc lá phù hợp với thông lệ quốc tế.
Có thể thấy, trong khi các cơ quan quản lý chính sách còn đang bàn thảo về thuốc lá thế hệ mới thì ngoài thị trường tiếp tục tràn lan sản phẩm nhập lậu, gây hại cho người tiêu dùng và thất thu ngân sách. Vì thế, nhiều ý kiến đề xuất Việt Nam cần sớm đưa ra khung pháp lý để kiểm soát thuốc lá thế hệ mới, từ đó góp phần giảm tình trạng nhập lậu, đồng thời giúp người tiêu dùng được sử dụng sản phẩm hợp pháp và nguồn gốc rõ ràng hơn.