BigTech: Mở hay đóng phải rõ ràng
Hiện nay, các đại gia công nghệ (BigTech) đang có xu hướng mở rộng hoạt động sang lĩnh vực tài chính. Các BigTech đã tiến hành thâm nhập thị trường tài chính toàn cầu với các lĩnh vực chính là thanh toán, tín dụng và bảo hiểm.
Những lợi ích và rủi ro
Tại các quốc gia phát triển, BigTech tập trung cung cấp các sản phẩm tài chính ngách hẹp hơn (lĩnh vực thanh toán), và có xu hướng bổ trợ cho hoạt động của các tổ chức tài chính (TCTC) truyền thống. Trong khi đó, tại các quốc gia mới nổi và đang phát triển, BigTech cung cấp các dịch vụ tài chính như cho vay, bảo hiểm và quản lý tài sản. Sự khác biệt này có thể do trong sự phát triển của hệ thống tài chính, quy định pháp lý và khả năng thâm nhập dịch vụ tài chính tại các khu vực địa lý khác nhau.
Thực tế sự tham gia thị trường tài chính của BigTech tạo nhiều lợi ích, như thúc đẩy đổi mới, đa dạng hóa và hiệu quả trong việc cung cấp các dịch vụ tài chính, đặc biệt tại các thị trường mới nổi và đang phát triển, nơi còn nhiều tiềm năng tiếp cận các dịch vụ tài chính. BigTech cũng tạo điều kiện tiếp cận các thị trường chưa được khai thác trước đây. Các bên thứ 3 được cung cấp dịch vụ bởi BigTech cũng có thể được cung cấp quyền truy cập, sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo và phân tích dữ liệu.
Tuy nhiên, hoạt động của BigTech cũng có thể gây ra bất ổn tài chính, bao gồm các rủi ro tài chính liên quan đến đòn bẩy tài chính quá cao, vấn đề thanh khoản, rủi ro hoạt động (phát sinh từ những thiếu sót trong năng lực quản trị, và kiểm soát). Về bản chất, những rủi ro này có thể xảy ra trong tương lai, nơi các dịch vụ tài chính của BigTech thường nằm ngoài khuôn khổ quy định pháp lý của các quốc gia. Ngoài ra, một số rủi ro tiềm ẩn có thể xuất phát từ việc BigTech có thể sử dụng mạng lưới, cơ sở hạ tầng của mình để nhanh chóng đạt được tính kinh tế theo quy mô trong các dịch vụ tài chính.
Quy mô và mức độ phức tạp của mối liên kết giữa BigTech và các TCTC cũng có thể là kênh truyền dẫn rủi ro. Mối liên kết này phát sinh từ các TCTC phụ thuộc vào các dịch vụ của bên thứ 3 do BigTech cung cấp. Các mối liên kết khác phát sinh thông qua các công ty BigTech, quan hệ đối tác với các TCTC để tạo ra và/hoặc phân phối các sản phẩm tài chính. Những rủi ro này đặc biệt quan trọng nếu các dịch vụ tài chính đó không dễ thay thế và nếu BigTech quản lý và kiểm soát rủi ro kém hiệu quả so với quy định đối với các TCTC truyền thống.
Xây dựng khung pháp lý cho BigTech
Trước sự thâm nhập của BigTech vào lĩnh vực tài chính, đã có các cách tiếp cận khác nhau trong vấn đề quản lý hoạt động của các tổ chức này. Thứ nhất, về nguyên tắc, quy định đối với BigTech có nên được áp dụng tương tự như đối với các TCTC truyền thống, khi hoạt động của BigTech nằm trong phạm vi hoạt động của các mô hình tài chính này. Nghĩa là, quan điểm đồng nhất các quy định cho cùng loại hình hoạt động được khuyến khích và áp dụng.
Để xây dựng các quy định cho BigTech tương thích với quy định chung của thế giới và đặc tính riêng của Việt Nam, trước mắt có thể cho phép BigTech hoạt động thử nghiệm giới hạn tại một số đô thị lớn như TPHCM và Hà Nội.
Thứ hai, dựa trên 2 quan điểm khác nhau về sự tương tác giữa các mục tiêu cạnh tranh, ổn định tài chính và chính sách công đối với việc gia nhập ngành tài chính của BigTech: (i) Ủng hộ sự gia nhập của BigTech vào lĩnh vực tài chính nhằm thúc đẩy cạnh tranh và làm phân tán sức mạnh của mô hình tài chính truyền thống. (ii) Hạn chế sự xâm nhập của BigTech vào thị trường tài chính do lo ngại việc giảm cạnh tranh và tăng cường ổn định tài chính, bằng cách tập trung sức mạnh cho hệ thống tài chính truyền thống.
Bởi do các mối liên hệ này thường không rõ ràng, các cơ quan quản lý thường gặp lúng túng trong việc lựa chọn chính sách đối với BigTech. Dù chưa có sự thống nhất chung về quản lý hoạt động BigTech, nhưng các quốc gia đều đã có các ứng xử đối với BigTech tham gia lĩnh vực tài chính. Bên cạnh các hình thức quản lý thử nghiệm, một số quốc gia đã có những điều chỉnh khung pháp lý đối với BigTech.
Chẳng hạn, Hàn Quốc, Hồng Kông, Luxembourg, Singapore… đã cấp giấy phép cho BigTech hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng, với mục tiêu thúc đẩy cạnh tranh trên diện rộng (hoặc tất cả) dịch vụ ngân hàng, nhưng phải tuân thủ chặt chẽ các quy định liên quan.
Mỹ đã rà soát sửa đổi luật cạnh tranh trước sự tham gia lĩnh vực tài chính của BigTech. Australia, Anh, Mexico và EU đưa ra các quy định liên quan đến ngân hàng mở. Ngoài ra, các vấn đề liên quan đến bảo vệ dữ liệu cá nhân cũng đã được đưa ra ở Australia, Anh, EU, Ấn Độ, Nhật Bản, Singapore, Thụy Sĩ.
Tại Việt Nam, sự tham gia của BigTech trong lĩnh vực tài chính đang dần xuất hiện. Một trong các biểu hiện cho xu hướng này là việc Grab triển khai ví điện tử GrabPay by Moca. Không chỉ dừng lại ở mảng thanh toán, Grab đang có tham vọng mở rộng hoạt động của mình sang các lĩnh vực khác trong ngành tài chính. Chẳng hạn, Grab đã cộng tác với Singtel thành lập ngân hàng số tại Singapore và có xu hướng mở rộng sang các thị trường Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.
Không nằm ngoài các quy luật chung của thị trường thế giới, khi BigTech gia nhập thị trường tài chính Việt Nam (điển hình là Grab), sẽ đem lại những lợi ích nhất định, nhưng kèm theo đó cũng tạo ra những rủi ro tiềm tàng. Các cơ quan chức năng cần có những quy định phù hợp cho nhóm đối tượng này, thay vì cấm hoàn toàn.
Cụ thể, BigTech hoạt động trong lĩnh vực tài chính cần được giám sát bởi những quy định ràng buộc trong lĩnh vực này. Chẳng hạn, yêu cầu về vốn, thanh khoản, hạn mức cho vay, hạn mức thanh toán, cũng như các quy định về bảo mật và chia sẻ dữ liệu và các quy định khác.
* TS. Trần Hùng Sơn - ThS. Nguyễn Thị Hồng Vân (Viện Nghiên cứu Phát triển Công nghệ Ngân hàng, Trường Đại học Kinh tế - Luật)