Đi ngược khối ngoại, PYN Elite rót tiền vào chứng khoán Việt Nam

Theo Lan Điền/ndh.vn

PYN Elite vẫn mua ròng 39 triệu USD chứng khoán Việt Nam từ đầu năm dù khối ngoại bán ròng kỷ lục.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

PYN Elite rót 39 triệu USD vào chứng khoán Việt

Quỹ đến từ Phần Lan PYN Elite từ đầu năm 2020 đã gây bất ngờ với những thông điệp như “Tất tay” hay dự báo VN-Index mục tiêu dài hạn lên đến 1.800 điểm. Không chỉ là thông điệp, báo cáo mới nhất cho thấy quỹ đã hành động khi rót ròng 39 triệu USD (khoảng 900 tỷ đồng) vào thị trường chứng khoán Việt Nam.

Đi ngược khối ngoại, PYN Elite rót tiền vào chứng khoán Việt Nam - Ảnh 1

PYN Elite thường đi ngược khối ngoại các năm gần đây.

Việc mua ròng đáng chú ý hơn trong bối cảnh chứng khoán Việt biến động khó lường và tổng thể khối ngoại vẫn rút ròng kỷ lục 422 triệu USD trong thời gian ngắn nếu không tính các giao dịch thỏa thuận VHM và MSN. Khối ngoại đã bán ròng từ cuối tháng 2 cho đến đầu tháng 5, nhưng hiện đã mua ròng trở lại một vài tuần gần đây.

Tỷ trọng tiền mặt của PYN Elite cũng cho thấy việc rót tiền khi giảm xuống mức chỉ 4,2% tổng giá tài sản quản lý, khoảng 17 triệu EUR. Trong khi đó tỷ trọng tiền mặt tại cuối năm 2019 là 16%, tương đương với gần 65 triệu EUR.

Tỷ trọng và giá trị tiền mặt của PYN Elite giảm nhanh.
Tỷ trọng và giá trị tiền mặt của PYN Elite giảm nhanh.

 

PYN Elite được thành lập năm 1999 bởi PYN Fund Management. Trước đây quỹ đầu tư chủ yếu vào thị trường Thái Lan. Tuy nhiên, đến đầu năm 2013, quỹ đã quyết định hiện thực hóa lợi nhuận các khoản đầu tư tại Thái Lan để rót vào những thị trường khác và hiện tỷ trọng cổ phiếu Việt Nam chiếm đến 96% danh mục

Theo báo cáo mới nhất tính đến 15/6, quỹ đến từ Phần Lan quản lý khối tài sản 400 triệu EUR (gần 10.500 tỷ đồng). Tính từ đầu năm, VN-Index mất 13,4% điểm số trong khi danh mục của quỹ giảm 8%.  

Trong danh mục của mình VEAM vẫn là khoản đầu tư lớn nhất với tỷ trọng 11,2%. Tiếp đến là các cổ phiếu ngân hàng và bất động sản.

Danh mục 12 cổ phiếu lớn nhất của PYN Elite tại 15/6.
Danh mục 12 cổ phiếu lớn nhất của PYN Elite tại 15/6.
 

Ngân hàng và các khẩu vị mới của quỹ

Cổ phiếu ngân hàng đã trở thành khẩu vị ưa thích của PYN Elite và ngày nay đã chiếm tỷ trọng lớn nhất trong phân bổ tài sản của quỹ với 31,4%, bỏ cách xa các ngành khác như sản xuất công nghiệp hay bất động.

Ngân hàng chiếm tỷ trọng lớn nhất trong danh mục của quỹ.
Ngân hàng chiếm tỷ trọng lớn nhất trong danh mục của quỹ.
 

Trong quan điểm của quỹ, giá trị cổ phiếu ngân hàng trong danh mục thậm chí có thể gấp đôi trong một vài năm tới. PYN cho biết cổ phiếu ngân hàng có giá trị hợp lý trong tháng 1/2020 trước khi bị bán tháo bởi Covid-19. Các cổ phiếu này trụ vững trong một vài tuần đầu tiên nhưng lao dốc sau đó bởi các dự báo về triển vọng nền kinh tế và nợ xấu gia tăng.

Hiện các cổ phiếu ngân hàng lớn nhất của quỹ là HDBank (HDB – tỷ trọng 9,6%), TPBank (TPB – tỷ trọng 9,6%) và VietinBank (CTG - tỷ trọng 9%). Ngoài ra quỹ còn có đầu tư vào một số khoản đầu tư mới như ngân hàng LienVietPostBank (UPCoM:LPB) và Ngân hàng Quốc tế (UPCoM:VIB).

Ngoài ngân hàng, PYN Elite cũng có các khẩu vị đầu tư mới, trong đó có nhà sản xuất điện PV Power (HoSE:POW). Giá cổ phiếu giảm sâu trong đợt dịch vừa qua cho phép quỹ mua cổ phần công ty với mức giá hấp dẫn và tin rằng các vấn đề tại doanh nghiệp sẽ được giải quyết trong vài tháng tới.

Cổ phiếu hàng không cũng thu hút tổ chức này. Quỹ nhận định Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) có triển vọng tăng trưởng dài hạn tuyệt vời và cho rằng đây là một cổ phiếu blue-chip thực sự của Việt Nam. Ngoài ra quỹ cũng mua lại lượng lớn cổ phiếu Saigon Cargo (SCS) từ một quỹ đầu tư khác khi có mức giá đủ hấp dẫn.

Các khoản đầu tư phân bổ mới của PYN Elite.
Các khoản đầu tư phân bổ mới của PYN Elite.
 

Bán bớt một số khoản đầu tư lâu năm

Bên cạnh việc phân bổ mới, PYN Elite cũng mạnh tay bán nhiều cổ phiếu. Trong đó đáng kể nhất là việc giảm tỷ trọng MWG từ 17,1% xuống còn 5,1% như hiện nay đã mang về nguồn tiền mặt lớn cho quỹ phân bổ lại danh mục. Quỹ nói rằng không quá thích mua lại cổ phiếu này dù thị giá hiện đã giảm sâu bởi đây là cổ phiếu hết room ngoại nên khi mua lại phải trả thêm mức thặng dư hơn 40%.

Quỹ cũng bán ra lượng lớn cổ phiếu công ty xây dựng CII bởi những biến động trong hoạt động kinh doanh, cơ hội sinh lời này có thể tìm kiếm thay thế ở các cổ phiếu chất lượng hơn.

Tương tự quỹ có giảm vị thế đầu tư tại một số doanh nghiệp khác như Phú Tài (HoSE:PTB) và dệt may TNG do hoạt động xuất khẩu gặp thách thức lớn. Quỹ bán cổ phiếu VNE và HUT do không chắc chắn về hoạt động kinh doanh cốt lõi của họ. Quỹ cũng bán Dabaco (HoSE:DBC) khi giá cổ phiếu tăng quá tích cực bởi giá lợn lên cao. Cổ phiếu PC1 cũng được bán với giá cao khi một nhà đầu tư trong nước muốn tăng sở hữu.

Theo nghiên cứu của PYN Elite, tình hình tài chính của các công ty Việt Nam đáp ứng được các thử thách về tăng trưởng trong một vài năm tới. Đây là yếu tố được quỹ tập trung phân tích để đầu tư, do đó quỹ tin rằng chất lượng danh mục đang được cải thiện.

Các công ty Việt Nam có chỉ số nợ/nguồn vốn tốt hơn mặt bằng chung.
Các công ty Việt Nam có chỉ số nợ/nguồn vốn tốt hơn mặt bằng chung.