Blockchain là chìa khóa giúp nền kinh tế Việt Nam hội nhập với thế giới


Thúc đẩy ứng dụng blockchain góp phần thay đổi nhận thức toàn diện, giúp nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng và hội nhập nhanh chóng với thế giới.

Ngày 30/10/2023, Hiệp hội Blockchain Việt Nam (VBA) tổ chức Hội thảo “Thúc đẩy Đổi mới Sáng tạo và Quản trị rủi ro trong Ứng dụng blockchain” nhằm là Thúc đẩy tiến trình ứng dụng blockchain và Đẩy mạnh giáo dục blockchain trong khối các trường đại học và tổ chức giáo dục.

Hội thảo được tổ chức trong khuôn khổ Triển lãm Quốc tế Đổi mới Sáng tạo (VIIE) 2023 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì tại Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia (NIC) Hòa Lạc, Hà Nội.

Chương trình có sự tham gia của đại diện nhiều cơ quan Quốc hội, Chính phủ, Viện Nghiên cứu Lập pháp, Liên hiệp các hội UNESCO Việt Nam, Thành Đoàn Hà Nội, Hiệp hội chống Hàng giả và Bảo vệ Thương hiệu TP. Hà Nội, Trường Đại học Ngoại thương, Học viện Ngân hàng, Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Quốc gia Hà Nội, các đơn vị giáo dục uy tín, các doanh nghiệp công nghệ - tài chính - pháp lý, các startup, quỹ đầu tư, cá nhân trong và ngoài nước như AlphaTrue, AC communications, Onyx, Spores Network,...

Ông Trần Văn Huây - Nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam.
Ông Trần Văn Huây - Nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Hoàng Văn Huây - Nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam cho biết, blockchain được ra đời vào năm 1991 và được ứng dụng đầu tiên trong một sản phẩm gọi là Bitcoin từ năm 2008. Tuy nhiên, sự ứng dụng của blockchain chỉ thực sự được cộng đồng quan tâm mạnh mẽ và được đặt niềm tin vào tương lai cũng như sự phát triển của công nghệ này trong khoảng 5 năm trở lại đây.

“Điều ấy có nghĩa là công nghệ blockchain còn rất mới mẻ, những điều mà chúng ta biết về công nghệ này có thể vẫn còn hạn chế, thậm chí còn phiến diện”, ông Huây chia sẻ.

Theo ông Huây, thúc đẩy ứng dụng blockchain đã được chứng minh là điều cần làm và thực sự mang lại những kết quả đáng kể trong tiến trình Đổi mới Sáng tạo và Cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Trong tiến trình này, đào tạo blockchain được coi là chìa khóa quan trọng, góp phần thay đổi nhận thức toàn diện, giúp nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng và hội nhập nhanh chóng với thế giới.

Bên cạnh đó, việc quản trị rủi ro cũng cần được các cơ quan nhà nước, các doanh nghiệp, cá nhân coi trọng, nhằm đảm bảo việc ứng dụng công nghệ blockchain đạt được các lợi ích như mong muốn, tránh được các rủi ro về chi phí đầu tư, vận hành không đáng có.

Theo Báo cáo của Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới (WIPO) về GII năm 2023, Việt Nam xếp hạng 46/132 quốc gia, tăng 2 bậc so với năm 2022. Việt Nam cũng được đánh giá là một trong 7 quốc gia thu nhập trung bình đạt được nhiều tiến bộ nhất về đổi mới sáng tạo trong thập kỷ qua.

Để đạt được kết quả đó, Chính phủ Việt Nam đã dành nhiều nguồn lực thúc đẩy đổi mới sáng tạo thông quan phát triển các công nghệ hiện đại. Trong đó, blockchain cùng Trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT), Big Data, giữ vị trí đứng đầu trong danh mục ưu tiên nghiên cứu, phát triển và ứng dụng để chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần 4 theo Quyết định 2117/QĐ-TTg ngày 16/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ.

Ông Trần Huyền Dinh - Chủ nhiệm Ủy ban ứng dụng VBA, tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) của blockchain là 87,1% trong giai đoạn 2020-2030. Dự kiến, có khoảng 16.000 tỷ USD sẽ được rót vào tài sản mã hoá năm 2030, tương đương 10% GDP. Theo thống kê, người Việt Nam đang giao dịch qua các sàn rất nhiều nhưng chưa có một sàn được hoạt động chính thức tại Việt Nam.

Theo đó, ông Dinh cho rằng, phải có một khung quy định pháp lý tại Việt Nam để minh bạch thị trường, bảo vệ tài sản của nhà đầu tư và tiến tới hoà nhập thị trường quốc tế trong tiến trình Đổi mới Sáng tạo và các ứng dụng nổi bật, các hoạt động của sàn giao dịch tập trung, phi tập trung và các ứng dụng Regtech đảm bảo tính tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp blockchain.

Đối với nội dung về giáo dục thì sự cần thiết, mô hình đào tạo, chất lượng giáo trình, giảng dạy và sự liên kết giữa nhà trường - cơ sở đào tạo - và doanh nghiệp để đảm bảo chất lượng từ đào tạo tới việc làm sau đào tạo cho học viên là những vấn đề được các diễn giả đặt ra.

Để thúc đẩy quá trình ứng dụng và đào tạo blockchain, Hiệp hội Blockchain Việt Nam đã ký kết Biên bản Ghi nhớ (MOU) với Quỹ chống hàng giả (AFC), Viện Công nghệ Thông tin và Truyền thông - Học viện Kỹ thuật Quân sự, Mạng lưới Hub Network, Nền tảng học tập trực tuyến Medoo, Quỹ VietCan StartUp, U2U Foundation và Nền tảng học tập Edutek.

 

Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) được coi là bộ công cụ đo lường, đánh giá năng lực phát triển của các nền kinh tế, thậm chí nhiều quốc gia xem GII như chỉ số tham chiếu quan trọng cho quản lý nhà nước về khoa học công nghệ, xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.