Bỏ "chốt chặn", doanh nghiệp bán lẻ EU vào Việt Nam như "hổ thêm cánh"
Kiểm tra nhu cầu kinh tế được xem là chốt chặn cuối cùng bảo vệ ngành bán lẻ Việt Nam. Tuy nhiên, theo cam kết EVFTA, quy định này sẽ được bỏ vào năm 2025. Điều đó có nghĩa, doanh nghiệp (DN) bán lẻ châu Âu sẽ thuận lợi mở rộng "chân rết" tại Việt Nam.
Bộ Công Thương cho biết, sau 5 năm Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực, tức từ ngày 1/8/2025, Việt Nam sẽ bỏ kiểm tra nhu cầu kinh tế khi nhà đầu tư từ các nước thành viên EVFTA mở cơ sở bán lẻ ở Việt Nam, nhưng vẫn bảo lưu quyền thực hiện quy hoạch hệ thống phân phối trên cơ sở không phân biệt đối xử.
Mở toang cánh cửa ngành bán lẻ
Kiểm tra nhu cầu kinh tế là thủ tục mà các công ty có vốn đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực phân phối sẽ được phép cung cấp dịch vụ đại lý hoa hồng, bán buôn và bán lẻ tất cả các sản phẩm sản xuất tại Việt Nam và nhập khẩu hợp pháp vào Việt Nam phải trải đáp ứng được khi có nhu cầu thành lập các cơ sở bán lẻ (ngoài cơ sở thứ nhất).
Doanh nghiệp bán lẻ châu Âu được bỏ chốt chặn kiểm tra nhu cầu kinh tế (Ảnh: TL) |
Việc bỏ kiểm tra nhu cầu kinh tế được xem như là chốt chặn cuối cùng của ngành bán lẻ có thể giúp các DN phân phối châu Âu dễ dàng phát triển hệ thống bán lẻ tại Việt Nam.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập (VCCI), với việc cam kết không áp dụng cơ chế kiểm tra nhu cầu kinh tế với các nhà bán lẻ thuộc EU sẽ giúp họ đầu tư, mở rộng hoạt động tại Việt Nam trong lĩnh vực bán lẻ.
Chủ tịch Hiệp hội Bán buôn, Ngoại thương và Dịch vụ Liên bang Đức Holger Bingmann xem đây là cơ hội lớn cho các DN châu Âu. Theo ông, EVFTA sẽ là đòn bẩy tạo thuận lợi cho các DN châu Âu đầu tư vào Việt Nam nhiều hơn.
Tuy nhiên, với các DN bán lẻ trong nước, chắc chắn họ sẽ gặp thách thức lớn trên "sân nhà", trong đó có nguy cơ bị những 'ông lớn' châu Âu mua lại.
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, EVFTA cũng có những thách thức đối với DN phân phối trong nước, đặc biệt là các DN phân phối có quy mô nhỏ và vừa. Nếu bộ phận DN này không thay đổi để thích ứng trước những tác động mạnh mẽ của EVFTA.
Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, đánh giá, các DN Việt Nam nói chung và DN nhỏ và vừa nói riêng có vốn nhỏ, trình độ quản lý chưa cao nên gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh cạnh tranh.
Trong lĩnh vực phân phối, đối với các DN trong nước, do nhu cầu về vốn rất lớn cũng như kỳ vọng tăng cường năng lực phân phối. Các DN này sẵn sàng mở ra, mời đối tác có cùng ngành nghề, cùng chuyên môn, cùng định hướng để tiếp tục đầu tư, phát triển một cách nhanh và bền vững hơn, tiếp cận công nghệ từ nước ngoài để hai bên cùng có lợi.
M&A hứa động sôi động
Theo ông Đông, đối với các DN kinh doanh trong lĩnh vực phân phối của nước ngoài, với sức mạnh về vốn và công nghệ quản lý, ý đồ của họ khá rõ ràng. Đó chính là từng bước thâm nhập thị trường mới, nhiều tiềm năng, chiếm lĩnh thị trường. Đặc biệt thúc đẩy xuất khẩu thông qua mạng lưới phân phối của mình vào thị trường mới và trong định hướng tạo ra và khai thác các thị trường mới.
"Vì vậy, mua bán và sáp nhập (M&A) là con đường ngắn và nhanh nhất để sở hữu thị phần, chuỗi cung ứng bán lẻ đang hoạt động và số lượng khách hàng hiện có của các DN trong nước", ông Đông nhìn nhận.
Mặt khác, những DN đang kinh doanh trong lĩnh vực bán lẻ còn chịu thách thức khi phải liên tục thích ứng với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin và kinh tế số.
Việc chuyển đổi và số hóa các hệ thống thông tin liên quan hoạt động kinh doanh và quản trị các tập khách hàng trong thời đại công nghệ thông tin không ngừng phát triển là vấn đề vô cùng quan trọng đối với các DN phân phối trong nước.
Trong điều kiện hiện nay của Việt Nam, hạ tầng thông tin và năng lực chuyển đổi số của các DN vẫn còn ở mức hạn chế so với các DN phân phối nước ngoài. Đây cũng là lực cản rất lớn đối với các DN trong nước, đặc biệt là các DN nhỏ và vừa.
Để hạn chế những tác động tiêu cực và tận dụng các cơ hội mới do EVFTA mang lại, ông Đông khuyến nghị các DN nhỏ và vừa trong nước cần nghiên cứu kỹ những nội dung, các quy tắc nội khối để có sự chuẩn bị sẵn sàng trong việc tận dụng những cơ hội có được từ EVFTA.
Tăng cường quản trị chiến lược DN, thực hiện hiệu quả việc xây dựng, điều chỉnh chiến lược, cơ cấu kinh doanh phù hợp với điều kiện thị trường trong nước và quốc tế, đáp ứng nhu cầu đa dạng và ngày càng cao của người tiêu dùng.
Nâng cao chất lượng dịch vụ bán lẻ trên cơ sở nghiên cứu ứng dụng công nghệ bán lẻ hiện đại, phương thức quản trị kinh doanh tiên tiến. Thực hiện đa dạng hóa và phát triển bán lẻ đa kênh nhằm tránh rủi ro, nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh.
Đặc biệt, ông Đông khuyến nghị, DN cần xây dựng kênh kiểm soát thông tin, tính minh bạch trong hoạt động kinh doanh nói chung và sáp nhập, hợp nhất, mua lại nói riêng. DN nên nghiên cứu chuẩn bị đầy đủ thông tin theo yêu cầu của luật pháp, có sự tham vấn với cơ nên chức năng trước khi tiến hành sáp nhập, hợp nhất hay mua lại đặc biệt là về thủ tục thông báo, xin hưởng miễn trừ, xác định thị phần của doanh nghiệp tham gia…
Ngoài ra, DN cần chú trọng phát triển nguồn nhân lực DN đáp ứng được yêu cầu của kinh doanh bán lẻ 4.0.