Bộ Tài chính ban hành Chương trình hành động đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển

PV.

Ngày 04/7/2017, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã ký Quyết định số 1247/QĐ-BTC ban hành Chương trình hành động của Bộ Tài chính thực hiện Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 06/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ và tiếp tục triển khai Nghị quyết số 35/NQ-CP trong năm 2017, tầm nhìn 2020 với mục tiêu tiếp tục đồng hành, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp phát triển.

Bộ Tài chính sẽ nghiên cứu, hoàn thiện quy định về các biện pháp nghiệp vụ kiểm soát hải quan. Nguồn: internet
Bộ Tài chính sẽ nghiên cứu, hoàn thiện quy định về các biện pháp nghiệp vụ kiểm soát hải quan. Nguồn: internet

Chương trình hành động của Bộ Tài chính nhằm mục tiêu cụ thể hóa các nhiệm vụ của Bộ Tài chính được giao tại Chỉ thị số 26/CT-TTg, Nghị quyết số 35/NQ-CP trong năm 2017 và hướng đến năm 2020 nhằm thống nhất từ nhận thức dến hành động trong toàn ngành Tài chính, phấn đấu hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ mà Chỉ thị, Nghị quyết đã đề ra.

Chương trình hành động đặt ra yêu cầu cần bảo đảm cụ thể, khả thi và có kết quả rõ ràng hướng tới hoàn thành các nhiệm vụ của Bộ Tài chính được giao tại Chỉ thị số 26/CT-TTg và Nghị quyết số 35/NQ-CP. Đồng thời, đặt ra yêu cầu hướng tới cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp; Bảo dảm quyền kinh doanh, quyền bình đẳng tiếp cận nguồn lực và cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp. Ngoài ra, quy định rõ trách nhiệm của cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp, người đứng dầu trong tổ chức triển khai thực hiện; Quy định rõ chế độ báo cáo, cơ chế kiểm tra, giám sát trong quá trình thực hiện, bảo đảm thực hiện đúng tiến độ và xử lý kịp thời các vướng mắc phát sinh.

Để đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, nâng cao chất lượng tăng trưởng, phát triển kinh tế theo chiều sâu, hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp tư nhân, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ được giao tại Chỉ thị số 26/CT-TTg và Nghị quyết số 35/NQ-CP, Chương trình hành động của Bộ Tài chính đã đề ra một số nhóm nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm sẽ được quyết liệt triển khai trong thời gian tới, cụ thể:

Thứ nhất, cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Theo đó, thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, đúng thời hạn và hiệu quả theo Quyết định số 328/QĐ-BTC ngày 20/02/2017 của Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Kế hoạch hành động của Bộ Tài chính thực hiện Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP ngày 06/02/2017 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng đến năm 2020 và Quyết định số 2765/QĐ-BTC ngày 24/12/2015 của Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành kế hoạch hành động của Bộ Tài chính thực hiện Nghị quyết số 36a/NQ-CP về thực hiện Chính phủ điện tử và các Thông báo chỉ đạo của Bộ thực hiện Nghị quyết số 36a/NQ-CP trong lĩnh vực Thuế, Hải quan.

Bên cạnh đó, tổ chức triển khai đầy đủ, toàn diện và hiệu quả Công văn số 3419/BTC-PC ngày 15/3/2016 về việc triển khai các nhiệm vụ theo Quyết định số 225/QĐ-TTg ngày 4/2/2016 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 1491/QĐ-BTC ngày 30/07/2015 của Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành kế hoạch cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2016 – 2020. Phối hợp với Bộ Nội vụ xây dựng Đề án thành lập cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp nhà nước…

Thứ hai, bảo đảm quyền kinh doanh, quyền bình đẳng tiếp cận nguồn lực và cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp.

Trong lĩnh vực thuế, hải quan, tiến hành rà soát, nghiên cứu đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định về quản lý thuế, hải quan theo hướng liên thông giữa các Bộ, cơ quan liên quan để giảm thiểu tối đa thời gian và chi phí thực hiện cho doanh nghiệp; Báo cáo Chính phủ trình Quốc hội kế hoạch xây dựng dự án Luật sửa các luật về thuế. Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo, đôn đốc cơ quan thuế quản lý chặt chẽ, thu thuế đúng, đủ, kịp thời đối với hộ kinh doanh lớn; Chống thất thu đối với hộ khoán; Nghiên cứu, đề xuất chính sách thu thuế và chế độ kế toán đơn giản, phù hợp với doanh nghiệp nhỏ, đặc biệt là doanh nghiệp được chuyển đổi từ hộ kinh doanh, báo cáo Bộ báo cáo Chính phủ trình Quốc hội trong quý III/2017…

Bên cạnh đó, nghiên cứu thực hiện đổi mới phương thức kiểm tra chuyên ngành theo nguyên tắc quản lý rủi ro; Áp dụng chế độ ưu tiên trong kiểm tra; Chuyển thời điểm kiểm tra chuyên ngành về chất lượng hàng hóa (kể cả kiểm tra hiệu suất năng lượng và an toàn thực phẩm) đang trong giai đoạn thông quan sang kiểm tra sau thông quan (trừ kiểm dịch, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu có độ rủi ro cao, ảnh hưởng đến sức khỏe con người, ảnh hưởng đen môi trường và an ninh, quốc phòng); Đảm bảo tỷ lệ hàng hóa xuất nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành ở mức không quá 20% so với tổng số lô hàng xuất nhập khẩu, tương đương các đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam, báo cáo Bộ báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện trong quý III/2017…

Soạn thảo trình Chính phủ Nghị định về hóa đơn, chứng từ điện tử để cơ bản thực hiện trong năm 2018 đối với toàn nền kinh tế; Nghiên cứu, phối hợp với ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai thí điểm mô hình hóa đơn điện tử, hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế, kết nối thông tin để quản lý doanh thu bán lẻ của các hộ kinh doanh và thí điểm thực hiện tại TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh trong năm 2018. Thực hiện hoàn thuế giá trị gia tăng theo phương thức điện tử đạt cấp độ 4, đạt tối thiểu 70% về số thủ tục; 70% về số hồ sơ hoàn thuế giá trị gia tăng giải quyết trong cuối quý IV/2017; Củng cố và triển khai mở rộng các thủ tục hành chính thực hiện qua Cơ chế một cửa quốc gia; Theo dõi, đôn đốc, báo cáo tình hình thực hiện công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả…

Trong lĩnh vực tài chính doanh nghiệp và chứng khoán, chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sửa đổi Luật Chứng khoán và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Chứng khoán nhằm cải thiện các điều kiện đầu tư gián tiếp nước ngoài. Nghiên cứu, đề xuất các biện pháp tăng cung hàng hóa cho thị trường chứng khoán và cải thiện chất lượng nguồn cung; Trình Chính phủ Nghị định thay thế các Nghị định số 59/2011/NĐ-CP, Nghị định số 189/2013/NĐ-CP và Nghị định số 116/2015/NĐ-CP về cổ phần hóa…

Trong lĩnh vực tài chính ngân hàng và bảo hiểm, Bộ Tài chính sẽ trình Chính phủ dự thảo Nghị định về bảo hiểm nông nghiệp; Rà soát, để xuất sửa đổi quy định về bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa thông qua Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tại địa phương; Phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nghiên cứu, xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ các mô hình hoạt động tài chính vi mô phát triển.

Thứ ba, giảm chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp. Bộ Tài chính sẽ nghiên cứu, đánh giá các quy định pháp luật về đất đai, nghĩa vụ tài chính về đất đai để đề xuất các giải pháp giảm tiền thuê đất, chi phí chuyển đổi mục đích sử dụng đất và các chi phí khác của doanh nghiệp; Cải cách thủ tục hành chính trong việc tính tiền thuê đất, tiền sử dụng đất. Đồng thời, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu, đề xuất sửa đổi bổ sung các quy định trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai năm 2013 theo hướng cải cách thủ tục hành chính và công khai, minh bạch trong giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất thông qua hình thức đấu giá hoặc không thông qua hình thức đấu giá theo quy hoạch sử dụng đất; Quy định bán đấu giá quyền sử dụng đất sau khi thu hồi đất đảm bảo chặt chẽ, sát với thị trường, tránh thất thoát tài sản nhà nước và báo cáo Bộ báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong quý III/2017…

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng sẽ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương rà soát các khoản phí có liên quan trực tiếp đến chi phí của doanh nghiệp nhằm xem xét giảm mức phí, chi phí đầu vào cho doanh nghiệp, báo cáo Bộ báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả rà soát trong tháng 7/2017…