Bộ Tài chính ban hành kế hoạch triển khai công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước

Gia Hân

Để triển khai công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước đến năm 2030, giai đoạn 2023-2026, Bộ Tài chính sẽ chủ động tham gia, nâng cao hiệu quả hoạt động hợp tác tài chính trong các tiến trình hợp tác tài chính khu vực và đa phương; Triển khai các hoạt động hợp tác tài chính song phương với các đối tác quan trọng, truyền thống, các đối tác chiến lược toàn diện...

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc chủ trì Hội nghị bàn tròn về kết nối thị trường vốn với chủ đề “Kết nối Việt Nam - Luxembourg xây dựng thị trường vốn xanh” tại Sở Giao dịch Chứng khoán Luxembourg (6/7/2023).
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc chủ trì Hội nghị bàn tròn về kết nối thị trường vốn với chủ đề “Kết nối Việt Nam - Luxembourg xây dựng thị trường vốn xanh” tại Sở Giao dịch Chứng khoán Luxembourg (6/7/2023).

Bộ Tài chính vừa ban hành Quyết định số 1934/QĐ-BTC phê duyệt Kế hoạch hành động của Bộ triển khai Nghị quyết số 21/NQ-CP ban hành Chương trình hành động của Chính phủ giai đoạn 2022-2026 thực hiện Chỉ thị số 15-CT/TW của Ban Bí thư về công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước đến năm 2030.

Theo đó, Bộ Tài chính yêu cầu các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ chủ động bám sát những nhiệm vụ Chính phủ giao tại Nghị quyết số 21/NQ-CP, chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ và những nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch hành động kèm theo Quyết định này; cụ thể hóa các bước triển khai và tổ chức thực hiện theo đúng kế hoạch đối với các nội dung công việc thuộc trách nhiệm của đơn vị mình.

Các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ được giao chủ trì thực hiện các nhiệm vụ tại Kế hoạch hành động chủ động có báo cáo kết quả và tiến độ thực hiện gửi về Vụ Hợp tác quốc tế trước ngày 15/11 hằng năm để tổng hợp, báo cáo Lãnh đạo Bộ tình hình thực hiện Nghị quyết số 21/NQ-CP của Bộ Tài chính gửi Bộ Ngoại giao theo quy định.

Tại Quyết định số 1934/QĐ-BTC, Bộ Tài chính nêu rõ các nhóm nhiệm vụ quan trọng trong triển khai công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước đến năm 2030, như: Tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm, năng lực cán bộ thực hiện công tác ngoại giao kinh tế; Tiếp tục mở rộng, làm sâu sắc hơn quan hệ và tạo thế đan xen lợi ích kinh tế với các đối tác song phương và đa phương; Nâng cao chất lượng, hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế, góp phần thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021-2030; Đẩy mạnh vận động, thu hút nguồn lực bên ngoài phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; Xây dựng ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển, lấy người dân, địa phương và doanh nghiệp làm trung tâm...

Trong giai đoạn 2023-2026, Bộ Tài chính sẽ chủ động tham gia, nâng cao hiệu quả hoạt động hợp tác tài chính trong các tiến trình hợp tác tài chính khu vực và đa phương như ASEAN, ASEAN+3, APEC, V20, ASEM, hợp tác tiểu vùng; Triển khai các hoạt động hợp tác tài chính song phương với các đối tác quan trọng, truyền thống, các đối tác chiến lược toàn diện; Tham mưu, đề xuất chủ trương tham gia, phát huy vai trò của Việt Nam tại các cơ chế/sáng kiến hợp tác tài chính mới, phù hợp với lợi ích của Việt Nam.

Cùng với đó, nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế, Bộ Tài chính theo sát diễn biến tình hình tài chính toàn cầu, các xu hướng hợp tác tài chính song phương, khu vực và quốc tế, các điều chỉnh chính sách của các nước; Rà soát, hoàn thiện khung khổ pháp lý và hệ thống văn bản quy phạm pháp luật triển khai thực thi cam kết hội nhập trong lĩnh vực tài chính tại các hiệp định thương mại tự do (FTA), các hiệp định thương mại song phương và WTO…

Bộ Tài chính cũng sẽ tăng cường đối thoại chính sách nhằm nâng cao độ tin cậy trong quan hệ đối tác hợp tác tài chính và thu hút nguồn lực từ bên ngoài; Tăng cường thu hút nguồn tài chính xanh ưu đãi từ các nước đối tác, các tổ chức quốc tế, các nhà tài trợ trên nguyên tắc đảm bảo an ninh tài chính quốc gia, an toàn nợ công; Huy động tiếp nhận và quản lý hiệu quả các hoạt động/chương trình hỗ trợ kỹ thuật của các đối tác dành cho Bộ Tài chính.