Bộ Tài chính chủ động trong quản lý, điều hành giá năm 2019


Năm 2019, công tác quản lý giá tiếp tục được Bộ Tài chính phối hợp với các bộ, ngành quản lý, điều hành giá sát với diễn biến thị trường, đảm bảo mục tiêu Quốc hội thông qua (kiểm soát lạm phát ở mức 4%).

Theo Ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), trong điều kiện tình hình kinh tế quốc tế có nhiều biến động tác động đến thị trường tài chính, tiền tệ, hàng hóa thế giới và trong nước, Bộ Tài chính đã chủ động tham mưu Chính phủ các biện pháp điều hành phù hợp nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng.

Nhìn chung, công tác chỉ đạo điều hành giá năm 2018 đã góp phần quan trọng vào thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2018. Lạm phát năm 2018 đạt chỉ tiêu Quốc hội đề ra ở mức dưới 4% và ổn định ở mức thấp, cung cầu thị trường được đảm bảo; điều hành giá nhất quán theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước.

Trong năm 2019, Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 đã đề ra chỉ tiêu tăng trưởng GDP ở mức 6,6-6,8%; Tốc độ tăng giá CPI khoảng 4%. Đặt ra mục tiêu trên, Quốc hội dự báo một số yếu tố gây áp lực lên mặt bằng giá trong năm 2019 như: Sự biến động phức tạp của giá xăng dầu và các hàng hóa cơ bản khác trên thị trường thế giới, xu hướng tăng giá của đồng USD tác động đến tỷ giá trong nước...

Để thực hiện kiểm soát lạm phát theo chỉ tiêu Quốc hội giao, công tác quản lý, điều hành giá, kiểm soát lạm phát năm 2019 cần tiếp tục thực hiện một cách thận trọng, linh hoạt và chủ động. Bộ Tài chính tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành địa phương triển khai một số giải pháp cụ thể sau:

Thứ nhất, tiếp tục theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường các mặt hàng thiết yếu để kịp thời đề xuất các giải pháp bảo đảm cân đối cung - cầu nhằm bình ổn giá cả thị trường, nhất là trong các dịp lễ, Tết, thời điểm xảy ra thiên tai, bão lũ.

Thứ hai, kiểm soát chặt chẽ yếu tố hình thành giá đối với mặt hàng bình ổn giá, mặt hàng thuộc danh mục kê khai giá; các hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, hàng hóa, dịch vụ được mua sắm từ nguồn ngân sách nhà nước; hàng dự trữ quốc gia; hàng hóa, dịch vụ công ích, dịch vụ sự nghiệp công…

Thứ ba, đối với việc thực hiện lộ trình thị trường một số mặt hàng quan trọng, thiết yếu, Bộ Tài chính tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, Tổng cục Thống kê để tính toán mức độ và thời điểm điều chỉnh phù hợp, giúp kiểm soát mặt bằng giá chung, giảm thiểu tối đa những hạn chế tác động chi phí đến sản xuất, tiêu dùng và đời sống của người dân.

Thứ tư, tiếp tục phối hợp với Ngân hàng Nhà nước trong điều hành chính sách tài khóa, tiền tệ, linh hoạt; phối hợp chặt chẽ với các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra.

Thứ năm, rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật về giá, trong đó chú trọng hoàn thiện cơ chế quản lý và mức giá đối với các dịch vụ chuyển từ danh mục phí sang quản lý theo cơ chế giá.

Thứ sáu, tăng cường công tác kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về giá, nhất là đối với những hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu; hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục kê khai giá.

Thứ bảy, chú trọng công tác thông tin, tuyên truyền về điều hành giá, công khai minh bạch thông tin về giá để kiểm soát lạm phát kỳ vọng; hạn chế những thông tin thất thiệt gây bất ổn thị trường.