Bộ Tài chính chủ trì phối hợp triển khai đồng bộ các biện pháp điều hành giá


Đó là nội dung yêu cầu tại Thông báo số 226/TB-VPCP của Văn phòng Chính phủ về kết luận của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá tại cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá mới đây (03/7).

Các cơ quan chức năng cần kiểm soát chặt chẽ việc kê khai giá của doanh nghiệp.
Các cơ quan chức năng cần kiểm soát chặt chẽ việc kê khai giá của doanh nghiệp.

Thông báo nêu rõ, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện tốt các biện pháp điều hành giá đã đề ra từ đầu năm; điều hành giá các mặt hàng thiết yếu; về rà soát hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý giá chuyên ngành.

Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương trong việc triển khai đồng bộ các biện pháp điều hành giá theo các kịch bản đã được phê duyệt; đẩy mạnh công tác kiểm tra thực hiện pháp luật về giá, kiểm soát chặt chẽ việc kê khai giá của doanh nghiệp.

Về phương hướng điều hành cụ thể, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường, cung cầu, giá cả trong và ngoài nước để có biện pháp bình ổn thị trường phù hợp, nhất là với các mặt hàng thiết yếu như thịt lợn, vật liệu xây dựng, xăng dầu.

Điều hành chính sách tài khóa chặt chẽ, chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp với các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra.

Theo dõi sát, đánh giá, dự báo tình hình và phản ứng nhanh nhạy với các biến động về chính sách quốc tế, diễn biến thị trường tài chính trong và ngoài nước. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam điều hành giữ ổn định mặt bằng lãi suất và tỷ giá, giữ mức lạm phát cơ bản trong khoảng 1,8%.

Về việc thực hiện điều chỉnh giá các mặt hàng theo lộ trình, trong điều kiện dư địa lạm phát đang có điều kiện thuận lợi cho việc tiếp tục thực hiện lộ trình giá thị trường, việc điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý cần chủ động tính toán, lựa chọn mức độ và thời điểm phù hợp, tránh điều chỉnh đồng loạt vào cùng một thời điểm để kiểm soát lạm phát kỳ vọng, đồng thời tạo bước đệm thuận lợi cho việc kiểm soát lạm phát trong năm 2020.

Về cơ chế điều hành giá, các Bộ, ngành tiếp tục chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan đầu mối là Bộ Kế hoạch Đầu tư (Tổng Cục thống kê), Bộ Tài chính, Ngân hàng nhà nước Việt Nam trong công tác tính toán dự báo, xây dựng kịch bản chi tiết, cụ thể cho từng thời điểm, từng giai đoạn đối với từng mặt hàng thiết yếu nhằm đảm bảo kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra.

Đối với các vấn đề mới phát sinh cần xử lý gấp, nhất là trong điều hành cần ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, các bộ, ngành chủ động báo cáo trực tiếp Phó Thủ tướng Chính phủ – Trưởng Ban chỉ đạo điều hành giá và đồng thời có văn bản gửi Bộ Tài chính – Thường trực Ban Chỉ đạo điều hành giá và Bộ Thông tin truyền thông để có định hướng về điều hành giá chung và công tác thông tin, tuyên truyền.

Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp Bộ Tài chính điều hành giá xăng dầu trong nước phù hợp với diễn biến giá thành phẩm xăng dầu thế giới, hài hòa lợi ích của người dân, doanh nghiệp và nhà nước; trích lập và sử dụng hợp lý Quỹ Bình ổn giá xăng dầu để bình ổn thị trường; đồng thời tiếp tục khuyến khích người tiêu dùng sử dụng xăng sinh học. Bộ Công Thương khẩn trương trình Chính phủ phương án sửa đổi Nghị định số 83/2014/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu.