Chuyển biến tích cực trong giải ngân vốn đầu tư công tại Gia Lai, Bình Dương, Đồng Nai

Trần Huyền

Nhờ sự sát sao trong kiểm tra, đôn đốc của Tổ công tác số 5 của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc làm Tổ trưởng, 3 địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp hơn bình quân chung của cả nước là Gia Lai, Bình Dương, Đồng Nai đã có những chuyển biến tích cực trong công tác này.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc kiểm tra các dự án đầu tư công tại tỉnh Đồng Nai.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc kiểm tra các dự án đầu tư công tại tỉnh Đồng Nai.

Tỷ lệ giải ngân tháng sau cao hơn tháng trước

Để đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2023, ngày 14/5/2023, Tổ công tác số 5 do Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc làm Tổ trưởng đã kiểm tra trực tiếp tại tỉnh Đồng Nai và làm việc trực tuyến với 02 tỉnh Gia Lai và Bình Dương. Đồng thời, sau đó đã tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 của 03 địa phương nêu trên.

Theo Bộ Tài chính, trên cơ sở kết quả giải ngân đến ngày 31/5/2023 cho thấy, tình hình giải ngân vốn đầu tư công các địa phương đều có chuyển biến, tỷ lệ giải ngân tháng sau đều tăng hơn tháng trước. Tuy nhiên, tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Gia Lai vẫn là địa phương có số giải ngân vốn đầu tư công kế hoạch năm 2023 thấp hơn bình quân chung cả nước (22,2%).

Cụ thể, tính đến ngày 31/5/2023, tỉnh Đồng Nai giải ngân đạt 15,49% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, tăng so tháng trước liền kề 4,64% (thời điểm đến 30/4/2023 là 10,85%); Ước giải ngân 6 tháng đạt 26% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Tỉnh Gia Lai đến 31/5/2023 giải ngân đạt 9,1% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, tăng so tháng trước liền kề 1,53% (thời điểm đến 30/4 là 7,57%); Ước giải ngân 6 tháng đạt 15,2% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Tỉnh Bình Dương tính đến 31/5 giải ngân đạt 18,6% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, tăng so tháng trước liền kề 5,29% (thời điểm đến 30/4 là 13,21%); Ước giải ngận 6 tháng đạt 21,8% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. 

Bộ Tài chính cho biết, kiểm tra chi tiết các dự án trong 5 tháng đầu năm của 03 tỉnh cho thấy, tình trạng các dự án chưa giải ngân hoặc số giải ngân đạt dưới 5% kế hoạch, chiếm tỷ lệ không nhỏ trong tổng kế hoạch vốn đầu tư công của các địa phương. Trong đó, tỉnh Gia Lai là 19 dự án, chiếm 26,7% tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 của Tỉnh là 1.185.165/4.461.193 triệu đồng; Tỉnh Đồng Nai 18 dự án, chiếm 25,4% tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 của Tỉnh là 3.269.900/12.848.205 triệu đồng; Tỉnh Bình Dương 17 dự án, vốn kế hoạch giao là 13.922.261 triệu đồng, chiếm 63,8% tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 của Tỉnh.

Kiểm điểm trách nhiệm cụ thể từng cấp, từng đơn vị

Để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 của 3 địa phương, Bộ Tài chính đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh chỉ đạo triển khai thực hiện các biện pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công đã được Tổ công tác số 5 kiến nghị với các tỉnh Gia Lai, Đồng Nai, Bình Dương. Đồng thời, rà soát quá trình triển khai kế hoạch đầu tư công năm 2023 từ công tác xây dựng kế hoạch vốn, đề xuất bố trí vốn cho đến quyết định giao vốn cũng như tổ chức triển khai thực hiện các dự án, tập trung ưu tiên cho công tác giải phóng mặt bằng các dự án.

Các địa phương cần kiểm điểm trách nhiệm cụ thể từng cấp, từng đơn vị trong việc thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2023 đặc biệt đối với danh sách các dự án chậm giải ngân. Cùng với đó, yêu cầu các đơn vị (chủ đầu tư, ban quản lý, nhà thầu) có cam kết hoàn thành từng công việc thực hiện dự án theo tháng, kiểm điểm tiến độ hoàn thành công việc theo tháng và có hình thức khen thưởng, kỷ luật công khai. 

Trường hợp, kết quả giải ngân 6 tháng tiếp tục không có chuyển biến, dự án đã được giao kế hoạch vốn từ đầu năm (có số vốn giải ngân bằng 0), Bộ Tài chính đề nghị các địa phương chủ động điều chuyển vốn cho các dự án có khả năng giải ngân được vốn. 

Về kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 chưa phân bổ chi tiết cho các dự án, Bộ Tài chính đã đề nghị các địa phương khẩn trương phân bổ hết số vốn kế hoạch 2023 cho các dự án đảm bảo đúng kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao đối với vốn ngân sách trung ương và Hội đồng nhân dân các cấp giao (đối với vốn ngân sách địa phương bao gồm cả phần tăng thêm so với số Thủ tướng Chính phủ giao). Tuy nhiên, đến hết ngày 31/5/2023, các tỉnh Đồng Nai, Gia Lai báo cáo chưa phân bổ được số vốn kế hoạch năm 2023.

Cụ thể, tỉnh Đồng Nai còn 1.464.735 tỷ đồng chưa phân bổ chi tiết cho các dự án. Trong đó, ngân sách trung ương là 110 tỷ đồng (gồm vốn trung ương hỗ trợ mục tiêu là 10 tỷ đồng, vốn chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội là 100 tỷ đồng); vốn ngân sách địa phương là 1.354,735 tỷ đồng (bao gồm nguồn trái phiếu chính quyền địa phương 1.000 tỷ đồng, nguồn cân đối ngân sách địa phương là 354,735 tỷ đồng). Tỉnh Gia Lai còn 435,45 tỷ đồng chưa phân bổ chi tiết cho các dự án. Trong đó, vốn ngân sách trung ương là 300,96 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương là 134,49 tỷ đồng. 

Do đó, đối với số vốn ngân sách trung ương được giao từ đầu năm, trường hợp các địa phương chưa phân bổ chi tiết cho các dự án, Bộ Tài chính đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp đề xuất điều chuyển cho các địa phương có nhu cầu vốn và giải ngân vốn.