Bộ Tài chính học tập, quán triệt nội dung cuốn sách của Tổng Bí thư về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

PV. (T/h)

Chiều ngày 28/2/2023, Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương tổ chức Hội nghị nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền nội dung cuốn sách “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Đảng bộ Bộ Tài chính tham dự hội nghị theo hình thức trực tuyến với sự tham gia của khoảng 4.300 cán bộ, đảng viên các đảng bộ, chi bộ thuộc và trực thuộc Đảng bộ Bộ Tài chính.

Đảng viên các đảng bộ, chi bộ trực thuộc Đảng bộ Bộ Tài chính tham dự hội nghị tại điểm cầu Bộ Tài chính.
Đảng viên các đảng bộ, chi bộ trực thuộc Đảng bộ Bộ Tài chính tham dự hội nghị tại điểm cầu Bộ Tài chính.

Hội nghị được tổ chức bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến tại 521 điểm cầu với sự tham dự của 28.458 cán bộ, đảng viên.

Đảng bộ Bộ Tài chính tham dự Hội nghị theo hình thức trực tuyến với 07 điểm cầu tại Trụ sở Bộ và các đảng bộ trực thuộc kết nối với điểm cầu Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương với sự tham gia của khoảng 4.300 cán bộ, đảng viên các đảng bộ, chi bộ thuộc và trực thuộc Đảng bộ Bộ Tài chính.

Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thái Học giới thiệu nội dung Cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thái Học giới thiệu nội dung Cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Hội nghị đã được nghe đồng chí Nguyễn Thái Học - Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương giới thiệu nội dung Cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Theo đó, Cuốn sách được kết cấu làm ba phần: Phần thứ nhất với tiêu đề “Một số vấn đề rút ra từ thực tiễn công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam”; Phần thứ hai với tiêu đề “Nhất quán phương châm phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực từ sớm, từ xa, cả ngọn lẫn gốc”; Phần thứ ba với tiêu đề “Trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt”.

Theo Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Cuốn sách là cẩm nang phòng chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam. Cuốn sách chỉ rõ 5 nhiệm vụ giải pháp trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực: Phát huy vai trò của người đứng đầu và tập thể lãnh đạo; Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện thể chế; Đẩy mạnh phát hiện và xử lý nghiêm tham nhũng, tiêu cực; Thực hiện nghiêm quy định về phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực; Xây dựng đội ngũ làm công tác phòng chống tham những, tiêu cực trong sạch, liêm chính.

Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương Nguyễn Văn Thể kết luận hội nghị.
Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương Nguyễn Văn Thể kết luận hội nghị.

Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thái Học cũng giới thiệu các điểm nổi bật của Cuốn sách. Theo đó, Cuốn sách có hơn 600 trang và 111 bức ảnh, trong đó có những bức ảnh lần đầu tiên được công bố. Nội dung các phần của cuốn sách rất logic, chặt chẽ, thể hiện quan điểm của Tổng Bí thư: Đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực chính là để góp phần xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh và ngược lại, xây dựng, chính đốn Đảng là để phòng chống tham nhũng, tiêu cực...

Phát biểu chỉ đạo và kết luận Hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Thể - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương nhấn mạnh, Cuốn sách có giá trị cả về mặt lý luận và thực tiễn, kinh nghiệm, đấu tranh phòng, chống tham nhũng “không ngừng, không nghỉ” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, là cuốn cẩm nang về công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở nước ta.

Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương đề nghị các cấp ủy, tổ chức đảng, các ngành, các cấp, cán bộ, đảng viên cần tiếp tục học tập, quán triệt nội dung Cuốn sách để nắm vững, triển khai có hiệu quả nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong thời gian tới.

Đồng chí Nguyễn Văn Thể yêu cầu, sau Hội nghị này, cấp ủy các cấp phối hợp với lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, các cơ quan báo chí, các tổ chức chính trị - xã hội đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến nội dung Cuốn sách đến cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên thông qua sinh hoạt chi bộ, sinh hoạt của các tổ chức chính trị - xã hội và trên các ấn phẩm của các cơ quan báo chí.