Bộ Tài chính làm rõ nhiều vấn đề kinh tế, tài chính

Theo chinhphu.vn

Tại phiên họp báo thường kỳ Chính phủ tháng 10/2015, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai đã trực tiếp trả lời nhiều câu hỏi của các phóng viên về những vấn đề kinh tế, tài chính được dư luận quan tâm.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai trả lời câu hỏi của phóng viên tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 10.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai trả lời câu hỏi của phóng viên tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 10.

Phóng viên báo điện tử Dân trí cho biết, một số đại biểu Quốc hội đề nghị không nên hòa phần 10 nghìn tỉ bán vốn DNNN vào ngân sách chung mà phải sử dụng địa chỉ cụ thể. Trong phần thu DN, thuế TNDN chiếm tỉ trọng không đáng kể, thu dầu thô lớn, chi thường xuyên và trả nợ ngày càng lớn.

Về giải pháp khắc phục tình trạng này cũng như đề xuất hạn chế thu bán vốn NSNN hòa vào ngân sách chung vào năm tới, Thứ trưởng Vũ Thị Mai cho biết Chính phủ đã trình trong báo cáo gửi Quốc hộixin 10 nghìn tỉ bán vốn DNNN bù đắp hụt thu cân đối ngân sách Trung ương, từ nay đến cuối năm quyết liệt giảm số này, mục tiêu này đã được Thủ tướng và Bộ trưởng chỉ đạo.

Vừa qua, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, các cấp, các ngành đã nỗ lực phấn đấu, cơ cấu thu ngân sách đã được cải thiện theo chiều hướng ngày càng tích cực. Nếu như trong giai đoạn 2005-2010, cơ cấu thu ngân sách, thu từ nội địa đang còn chiếm tỉ trọng ở mức hơn 60%, thì đến giai đoạn 2011-2015 tăng lên lên đến 68% trong tổng thu ngân sách. Tỉ trọng này ngày càng tăng, dự kiến đến hết 2015 có thể đạt mức 74%.

Các phần thu từ dầu thô, khai thác tài nguyên, từ nhập khẩu ngày cànggiảm đi… Đây là cơ cấu tích cực, thu nội địa tăng lên, thể hiện cơ cấu ngân sách vững chắc hơn. Trong đó số thu từ DN FDI, doanh nghiệp tư nhân… ngày càng tăng dần.

Trả lời câu hỏi về con số tuyệt đối nợ công của Việt Nam đến 2015 hiện nay là bao nhiêu và con số các khoản vay từ đầu năm để bù đắp bội chi ngân sách, những khoản chi dự toán đã duyệt, cũng như kế hoạch sắp tới sẽ vay từ nguồn cụ thể nào, đơn vị nào để bù đắp bội chi,Thứ trưởng Bộ Tài chính trả lời: Đánh giá về thu ngân sách của năm 2015, Bộ Tài chính xin được nói rộng ra một chút. Thu ngân sách năm 2015, với dự toán được giao là 911.100 tỉ đồng. Ước thực hiện năm 2015, tổng thu ngân sách sẽ vượt 16.400 tỉ đồng. Trong đó, thu ngân sách địa phương sẽ vượt khoảng 47.000 tỉ, thu ngân sách Trung ương dự kiến hụt hơn 31.000 tỉ. Ở đây do tác động của giá dầu thô trên thị trường thế giới giảm mạnh, đã tác động giảm thu khoảng 63.000 tỉ. Vì vậy, tổng thể tăng là 16.400 tỉ, nhưng cơ cấu thu là như vậy.

Về chi ngân sách cũng là với dự toán cân đối 1.273.000 tỉ đồng, dự toán cân đối ngân sách Trung ương là 223.000 tỉ đồng. Đánh giá năm 2015, dự kiến đến hết 31/12, nợ công sẽ là 61,3% GDP. Như vậy, vẫn là nằm trong/dưới ngưỡng 65% theo quy định Luật Quản lý nợ công.

Bộ Tài chính xin được thông tin thêm, đó là, về số 31.000 tỉ hụt thu ngân sách Trung ương, phần bù đắp trong báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội xin sẽ bán bớt phần vốn ở một số doanh nghiệp Nhà nước, tức là 40.000 tỉ, trong đó có 10.000 tỉ đồng là bù đắp hụt thu ngân sách Trung ương.

Có ý kiến cho rằng vậy nguồn bù đắp như thế nào? Bộ Tài chính xin trả lời, trong quá trình điều hành từ nay tới cuối năm, Chính phủ đã chỉ đạo rất quyết liệt, Bộ Tài chính chỉ đạo thuế, hải quan phấn đấu để tăng thu ngân sách, rà soát các doanh nghiệp, các cơ sở nộp thuế lớn, ví dụ Liên doanh dầu khí Vietsopetro, những tập đoàn, tổng công ty, đối tượng nộp thuế tiêu thụ đặc biệt. Vừa qua đã có kết luận của kiểm toán, kiên quyết đôn đốc để thu nợ. Với giải pháp quyết liệt thu nợ để thu được cao nhất con số nợ thuế, với số nợ thuế có khả năng thu hiện nay là khoảng 34.000 tỉ thì sẽ đôn đốc thu để bảo đảm thu nợ cao nhất.

Đồng thời, trong quá trình điều hành phải siết chặt hơn nữa, kiểm soát chặt chẽ hơn nữa để bảo đảm tiết kiệm chi, và sẽ trình cấp có thẩm quyền, đến 31/12, nếu như đơn vị, bộ, ngành nào chưa sử dụng hết dự toán thì sẽ trình Thủ tướng không được chuyển nguồn sang năm sau, trừ một số trường hợp đặc biệt theo quy định của pháp luật.

Đồng thời, trong quá trình thực hiện Chỉ thị 06 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng sử dụng số dự phòng tiết kiệm chưa sử dụng là 3.500 tỉ đồng cộng với số tiết kiệm 10% của các bộ, ngành là 650 tỉ đồng, tổng là 4.150 tỉ đồng bù vào hụt thu của ngân sách Trung ương. Với những biện pháp như vậy, cố gắng phấn đấu để giảm ít nhất số 10.000 tỉ từ việc bán vốn của doanh nghiệp Nhà nước. Cố gắng giảm dưới 10.000 tỉ, đấy là mục tiêu phấn đấu.

Liên quan đến việc một số xã tiếp tục thu các khoản phí sai quy định tại huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh sau khi Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã có ý kiến chỉ đạo phải xử lý nghiêm và câu hỏi liệu Bộ Tài chính có lập đoàn thanh tra đến tận nơi để xác minh thông tin này hay không,Thứ trưởng Vũ Thị Mai khẳng định: Nếu liên quan đến các khoản thu về phí, lệ phí, các khoản đóng góp của người dân sai quy định thì trước hết đây là trách nhiệm của UBND các tỉnh, thành phố giao nhiệm vụ cho chính quyền cấp dưới. Trước hết là huyện có trách nhiệm, sau đó là đến tỉnh, thành phố, cụ thể ở đây là Hà Tĩnh, sẽ phải có trách nhiệm rà soát lại xem các khoản thu đó có đúng với quy định của pháp luật về phí, lệ phí hay không, nếu không đúng quy định thì phải dừng thu và chấm dứt việc thu này. Đối với Bộ Tài chính, với trách nhiệm quản lý Nhà nước về thu ngân sách, về các khoản thu, sẽ có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra việc thu phí trên phạm vi cả nước. Hằng năm, Bộ Tài chính có xây dựng các kế hoạch thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về phí ở một số địa phương trong cả nước cũng như một số bộ, ngành. Trong trường hợp cần thiết, Bộ Tài chính cũng có thể thanh tra nhưng trước hết đây là trách nhiệm của chính quyền trên địa bàn, và có thông tin lên các cơ quan, trong đó có Bộ Tài chính.