Kiểm soát hoạt động chuyển giá của một số nước và bài học cho Việt Nam

THS. Nguyễn Đại Thắng

Chuyển giá gây nên nhiều hệ lụy, làm thất thu ngân sách nhà nước, gây nên bất ổn nền kinh tế, tạo nên sự cạnh tranh không lành mạnh. Do đó, kiểm soát hoạt động chuyển giá sẽ góp phần đảm bảo số thu cho ngân sách nhà nước, tạo nên sự cạnh tranh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế. Việt Nam là quốc gia đang trong quá trình hội nhập, việc tiếp thu những kinh nghiệm kiểm soát hoạt động chuyển giá của các quốc gia có nền kinh tế phát triển sẽ giúp hoàn thiện hành lang pháp lý, kiểm soát hoạt động chuyển giá và thực hiện tốt công tác kiểm soát hoạt động chuyển giá.

Chuyển giá gây nên nhiều hệ lụy, làm thất thu ngân sách nhà nước, gây nên bất ổn nền kinh tế, tạo nên sự cạnh tranh không lành mạnh. Nguồn: internet
Chuyển giá gây nên nhiều hệ lụy, làm thất thu ngân sách nhà nước, gây nên bất ổn nền kinh tế, tạo nên sự cạnh tranh không lành mạnh. Nguồn: internet

Kinh nghiệm từ một số nước

Mỹ

Các quy định về giá chuyển giao đã trở thành một phần trong luật thuế của Mỹ kể từ thời chiến tranh thế giới lần thứ nhất. Khởi đầu là phần 482 của Luật Thu nội địa (IRC) ban hành năm 1968. Tháng 10/1988, Cơ quan Thuế nội địa Mỹ (IRS) đề nghị hai phương pháp nhằm thiết lập tiêu chuẩn cân xứng với thu nhập. Một là, dựa trên phân tích các giao dịch có thể so sánh.

Hai là, dựa trên việc tách lợi nhuận giữa các bên có liên kết. Tháng 1/1992, IRS ban hành quy định giới thiệu ba phương pháp định giá mới, tất cả dựa trên việc đối chiếu các tài liệu về kết quả giao dịch. Tháng 1/1993, IRS ban hành quy định tạm thời. Ngày 1/7/1994, quy định chính thức được ban hành, có hiệu lực từ ngày 8/7/1994 cho đến nay. Mỹ rất quan tâm đến vấn đề kiểm soát chuyển giá của các công ty đa quốc gia. Điều này thể hiện trên các giác độ sau:

Một là, Mỹ quan tâm đến khung pháp lý điều chỉnh định giá chuyển nhượng trong nội bộ tập đoàn. Điều đó thể hiện rõ nét trong Bộ luật thu nội địa của Mỹ và các văn bản hướng dẫn của Cục Thu nội địa điển hình các văn bản đó có tên gọi là “Sách Trắng”. “Sách Trắng” hướng dẫn các phương pháp định giá chuyển nhượng căn bản dựa trên phương pháp lợi nhuận. Phương pháp này xem xét giới hạn lợi nhuận ròng trong mối quan hệ với các chỉ tiêu: giá, phí, doanh số bán hàng, lợi nhuận mà đối tượng nộp thuế thực hiện từ hoạt động chuyển giao kiểm soát được.

Hai là, đi đôi với việc xây dựng khuôn khổ pháp lý, IRS cũng đã xác định rõ đối tượng áp dụng điều chỉnh chuyển giá là các công ty liên kết tham gia kinh doanh quốc tế. Các đối tượng đó là: (i) Các doanh nghiệp (DN) Mỹ nắm giữ và kiểm soát một cách trực tiếp hoặc gián tiếp một DN ở nước ngoài; (ii) Các DN Mỹ dưới sự nắm giữ và kiểm soát trực tiếp hay gián tiếp của một DN nước ngoài; (iii) DN cùng với một hoặc nhiều DN nước ngoài cùng chịu sự kiểm soát chung của một DN hay một tập đoàn nước ngoài. Tác dụng của việc xác định đối tượng là nhằm giới hạn phân vùng các DN trong quá trình xem xét điều tra và đồng thời được coi là biện pháp để chống lại hình thức chuyển giá với mục đích giảm nghĩa vụ thuế.

Ba là, sử dụng tổng hợp nhiều phương pháp điều chỉnh giá chuyển nhượng. Những phương pháp mà Mỹ thường sử dụng là: (i) Phương pháp so sánh giá thị trường tự do; (ii) Phương pháp dựa vào giá bán ra; (iii) Phương pháp cộng chi phí vào giá vốn; (iv) Phương pháp phân chia lợi nhuận; (v) Phương pháp so sánh lợi nhuận.

Bốn là, thực hiện bắt buộc xuất trình các tài liệu minh chứng. Điểm nổi bật ở Mỹ trong những năm qua trong quá trình triển khai là ban hành các quy tắc điều chỉnh hoạt động nghiệp vụ của các bên liên kết. Theo đó, các quy tắc này đòi hỏi công ty phải xuất trình các tài liệu minh chứng cần thiết để xác định kết quả các nghiệp vụ chuyển giao giữa các công ty liên kết.

Năm là, coi trọng các biện pháp xử lý khi có bằng chứng vi phạm. Khi cơ quan thuế chứng minh được có sự vi phạm trong việc định giá chuyển giao nhằm trốn thuế thì cơ quan thuế có quyền điều chỉnh lại thu nhập của đối tượng nộp thuế và áp dụng mức phạt từ 20-40% số thuế khai thiếu bị phát hiện do gian lận qua định giá chuyển giao.

Sáu là, cùng với việc bổ sung các quy định pháp lý, chỉ riêng trong năm 2009, cơ quan thuế của Mỹ đã tuyển thêm 1.200 nhân viên và năm 2010 là 800 nhân viên để thực hiện việc rà sóat, giám sát giá chuyển nhượng. Công tác thanh tra chuyển giá cũng được thực hiện trong 5 nhóm ngành chính của Mỹ đó là: thông tin liên lạc, công nghệ và truyền thông, nhóm ngành bán lẻ, thực phẩm, dược và nhóm ngành công nghiệp chăm sóc sức khỏe.

Pháp

Cũng như Mỹ, ở Pháp việc điều chỉnh định giá chuyển giao của các DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đều được quy định trong Bộ Luật thuế của Pháp. Trong Bộ Luật thuế có quy định: Trường hợp hai DN phụ thuộc một nằm trên lãnh thổ Pháp một nằm trên lãnh thổ ngoài nước Pháp thỏa thuận lợi ích gây thiệt hại cho quốc gia thông qua lợi dụng định giá chuyển nhượng thì cơ quan thuế có quyền điều chỉnh tất cả giá chuyển nhượng bất thường giữa các công ty cùng một tập đoàn.

Các phương pháp áp dụng định giá chuyển giao mà Pháp áp dụng, về cơ bản, dựa trên nguyên tắc giá thị trường khách quan hoặc giá giao dịch giữa các DN không liên kết (DN độc lập). Cụ thể là: (i) Phương pháp so sánh giá thị trường tự do; (ii) Phương pháp dựa vào giá bán ra; (iii) Phương pháp cộng chi phí vào giá vốn; (iv) Phương pháp phân chia lợi nhuận. So với Mỹ việc áp dụng các phương pháp định giá chuyển giao ở Pháp có hai điểm nổi bật: (i) Coi trọng các phương pháp dựa vào giao dịch được ưu tiên hơn phương pháp dựa vào lợi nhuận; (ii) Đối tượng nộp thuế được tự do lựa chọn phương pháp định giá, song phải giải trình rõ lý do lựa chọn, không bắt buộc phải áp dụng nhiều phương pháp.

Về xuất trình các tài liệu minh chứng: Cơ quan thuế Pháp không đòi hỏi người nộp thuế phải giải trình khi nộp tờ khai thuế về các tài liệu liên quan đến việc định giá chuyển giao. Chỉ trong trường hợp thanh tra về giá chuyển nhượng thì cơ quan thuế mới yêu cầu người nộp thuế phải trả lời các câu hỏi và xuất trình các tài liệu minh chứng có liên quan về những vấn đề như: thông tin của tập đoàn về mạng lưới sản xuất, phân phối trên thế giới, thông tin chi tiết giá vốn hàng bán và chi phí marketing, các tài liệu phân tích rủi ro….

Pháp coi trọng các biện pháp xử lý khi phát hiện những vi phạm. Khi cơ quan thuế kiểm tra phát hiện những vi phạm có đủ bằng chứng mà người nộp không giải trình được thì cơ quan thuế có quyền điều chỉnh lại thu nhập và áp dụng mức phạt từ 40-80% số thuế trốn lậu do thủ thuật định giá chuyển giao.

Trung Quốc

Về pháp luật điều chỉnh chuyển giá hiện nay Trung Quốc đang áp dụng chủ yếu theo các luật sau: Luật Thuế TNDN (2007); Thực hiện Quy phạm pháp luật thuế TNDN (2007); Thông tư Guoshuifa số 2 (2009). Các quy định pháp luật này cung cấp cho Cục thuế Nhà nước (SAT) cơ sở để điều chỉnh thu nhập chịu thuế của người nộp thuế khi họ thực hiện các giao dịch với các bên liên kết chưa đúng theo nguyên tắc giá thị trường. Luật Thuế TNDN cũng yêu cầu những người nộp thuế có liên quan đến giao dịch với các bên liên kết phải gửi tài liệu trình bày rõ về giao dịch với bên liên kết đó cùng với tờ khai thuế hàng năm của họ.

Người nộp thuế cũng được yêu cầu nộp các tài liệu liên quan về giao dịch với các bên liên kết như giá cả, tiêu chuẩn xác định chi phí, phương pháp tính toán và giải thích khi được kiểm toán. Luật Thuế TNDN quy định như sau: các DN có các giao dịch tài sản hữu hình liên quan đến các bên liên kết có giá trị hằng năm trên 200 triệu NDT hoặc có các giao dịch giữa các bên liên kết trên 40 triệu NDT phải chuẩn bị tài liệu để giải trình rõ.

Các quy định chống chuyển giá của Trung Quốc cũng xây dựng dựa trên cở sở hướng dẫn của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD). Tuy nhiên, Luật Chống chuyển giá của Trung Quốc có một số điểm khác cơ bản so với Luật Chống chuyển giá của Mỹ, đó là:

(i) Nghĩa vụ nộp thuế ở Trung Quốc không được hợp nhất, nếu một tập đoàn kinh tế có các chi nhánh tại các tỉnh thành khác nhau của Trung Quốc sẽ chịu thanh tra về thuế chống chuyển giá nhiều lần;

(ii) Khi cơ quan thuế của tỉnh này chấp nhận một vấn đề nào đó về thuế thì chưa chắc cơ quan thuế ở địa phương khác chấp nhận. Điều này khác hoàn toàn nếu các tập đoàn kinh tế có nhiều chi nhánh tại Mỹ, các vấn đề về thuế được cơ quan thuế tiểu bang chấp nhận thì xem như là được chấp nhận tại các tiểu bang khác;

(iii) Nếu bị xác định là có hành vi chuyển giá tại công ty, thì các điều chỉnh về định giá chuyển giao do cơ quan thuế Trung Quốc đưa ra sẽ được áp đặt cho tất cả các loại thuế có liên quan như: thuế TNDN, thuế GTGT, thuế xuất nhập khẩu… trong khi tại Mỹ chỉ áp đặt tính lại thuế TNDN;

(iv) Tại Mỹ, các chỉ số về mức nâng giá hợp lý do cơ quan thuế lập nên dựa trên các nguồn thông tin đại chúng và mọi người đều biết, nhưng tại Trung Quốc thì cơ quan thuế nước này xây dựng các nguồn dữ liệu từ việc so sánh bí mật…

Trung Quốc cũng đưa ra các biện pháp xử phạt cụ thể đối với hành vi chuyển giá. Điều 60-73 của Luật Quản lý thuế quy định rằng, hành vi vi phạm luật có thể bị phạt tiền, và những vi phạm nghiêm trọng như trốn thuế, gian lận thuế có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Luật Thuế TNDN Trung Quốc cũng nêu rõ, từ sau ngày 1/1/2008, các khoản thuế bị tính thiếu liên quan đến giao dịch giữa các bên liên kết sẽ bị lãi. Lãi suất được tính bằng lãi suất cho vay cơ bản NDT của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc cùng kỳ cộng 5% phí. Tuy nhiên, nếu DN cung cấp được các tài liệu và thông tin liên quan khác theo quy định này thì 5% phí tăng thêm này có thể được giảm bớt hoặc loại bỏ hoàn toàn.

Bài học cho Việt Nam

Qua nghiên cứu kinh nghiệm kiểm soát giá của một số quốc gia châu Á và từ hoạt động chuyển giá của một số công ty lớn trên thế giới, chúng ta có thể rút ra một vài kinh nghiệm kiểm soát chuyển giá có thể áp dụng cho Việt Nam như sau:

Thứ nhất, xây dựng và hoàn thiện pháp luật về kinh tế nói chung, pháp luật về kiểm soát chuyển giá nói riêng nhằm sẵn sàng cho việc tiếp nhận vốn đầu tư nước ngoài phục vụ cho sự phát triển kinh tế là điều kiện tiên quyết để kiểm soát tốt hành vi chuyển giá. Pháp, Mỹ và Trung Quốc các nước châu Á kể trên đều quan tâm đến việc xác định rõ ràng đối tượng áp dụng những quy định trong luật thuế về định giá chuyển giao, các phương pháp định giá chuyển giao và các trình tự thủ tục để kiểm soát chuyển giá.

Thứ hai, xây dựng các chính sách thuế phù hợp với tình hình trong nước đồng thời đáp ứng với yêu cầu của hội nhập và xu thế chung của khu vực và thế giới (xu hướng của các nước châu Á - Thái Bình Dương những năm gần đây là giảm mức thuế suất thuế TNDN). Chính sách thuế được xây dựng phải đảm bảo mục tiêu công bằng về quyền lợi và nghĩa vụ thuế giữa các thành phần kinh tế, tạo nguồn thu cho ngân sách đồng thời kích thích thu hút vốn đầu tư nước ngoài.

Thứ ba, trong kiểm soát hoạt động chuyển giá, cần đặc biệt chú trọng đến quy định về trách nhiệm kê khai thông tin liên quan đến mối quan hệ kinh tế với DN liên kết và việc xuất trình các tài liệu minh chứng. Hầu hết các nước kể trên đều quy định khi nộp tờ khai thuế TNDN các DN phải kê khai các thông tin liên quan đến các giao dịch với các bên có quan hệ liên kết.

Thứ tư, bên cạnh tăng cường thu hút vốn FDI, cần nâng cao tính hiệu quả của quá trình thẩm định dự án. Nếu công tác thẩm định dự án đầu tư được thực hiện tốt có thể phát hiện kịp thời hành vi chuyển giá qua việc nâng giá trị vốn góp của các công ty đa quốc gia.

Thứ năm, cần có sự đầu tư bài bản và thường xuyên để có nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu quản lý nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Đội ngũ cán bộ này cần thường xuyên cập nhập kiến thức về kinh tế, kinh nghiệm quản lý và kiểm soát hoạt động chuyển giá của các công ty đa quốc gia trên thế giới.

Thứ sáu, nghiêm túc nghiên cứu vận dụng các phương pháp định giá chuyển giao do OECD đề xuất, tùy theo điều kiện cụ thể mỗi nước, chủ yếu là áp dụng 3 phương pháp truyền thống. Mỗi nước đều có những khác biệt nhất định trong áp dụng các phương pháp định giá chuyển giao, song tựu trung lại các nước đều vận dụng có chọn lọc phương pháp định giá chuyển giao của OECD.

Thứ bảy, cần xây dựng một hệ thống chế tài nghiêm minh và tổ chức thực hiện nghiêm túc những vi phạm của DN về pháp luật trong lĩnh vực kiểm soát chuyển giá. Mặc dù chuyển giá không phải hành vi vi phạm pháp luật, song các nước đều xác định việc không tuân thủ kê khai về giá chuyển giao khi có giao dịch với các bên có quan hệ liên kết theo thủ tục, trình tự quy định của pháp luật phải bị xử phạt. Ngoài việc truy thu số thuế bị phát hiện khai thiếu do không tuân thủ quy định pháp luật về kiểm soát chuyển giá, có nước chỉ xử phạt về thủ tục, có nước vừa xử phạt về thủ tục, vừa xử phạt về hành vi khai thiếu thuế.

Tài liệu tham khảo:

1. Bộ Tài chính (2010), Thông tư 66/2010/TT-BTC;

2. Bộ Tài chính (2013), Thông tư 201/2013/TT-BTC;

3. ThS. Nguyễn Thị Thùy Minh; NCS. Lê Thị Thanh Huyền (2012), “Kinh nghiệm chống chuyển giá ở các nước và bài học cho Việt Nam”, Kỷ yếu hội thảo khoa học, NXB Tài chính;

4. ThS. Phạm Thị Quyên (2012), “Kinh nghiệm kiểm soát chuyển giá một số quốc gia trên thế giới và bài học cho Việt Nam”, Kỷ yếu hội thảo khoa học, NXB Tài chính;

5. OECD (2010), “Transfer Pricing Guidelines for Multinational Enterprises and Tax Administration”.