Bộ Tài chính lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm trong cải cách hành chính

Trần Huyền

Với vai trò là Bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, trong đó có nhiều lĩnh vực liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp, quan điểm của Bộ Tài chính là lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm để phục vụ. Đây chính là động lực để toàn ngành Tài chính không ngừng cải cách hành chính để tạo thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp, người dân.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Cải cách thủ tục hành chính toàn diện, hiệu quả

Thời gian qua, Bộ Tài chính luôn xác định công tác cải cách hành chính là một trong những giải pháp hàng đầu, đóng vai trò thúc đẩy hoàn thành các mục tiêu tăng trưởng kinh tế, phát triển của Ngành. 

Quan điểm của Bộ Tài chính là lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm để phục vụ; sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp là thước đo chất lượng và hiệu quả phục vụ của cán bộ, công chức, viên chức và cơ quan trong ngành Tài chính.

Quan điểm trên được thực hiện xuyên suốt trong từng lĩnh vực quản lý của Bộ Tài chính. Nhờ đó, công tác cải cách hành chính của ngành Tài chính đã đạt nhiều kết quả tích cực, được cộng đồng doanh nghiệp, người dân đánh giá cao. 

Trong đó, Bộ Tài chính đã kiểm soát chặt chẽ các thủ tục hành chính thuộc phạm vi thẩm quyền quản lý nhằm mục tiêu cải cách thủ tục hành chính một cách toàn diện và hiệu quả, thực hiện tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp để cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Chỉ riêng trong 6 tháng đầu năm 2021, Bộ Tài chính đã rà soát, bãi bỏ 197 thủ tục hành chính; sửa đổi, bổ sung 13 thủ tục và ban hành mới 114 thủ tục trong các lĩnh vực hải quan, chứng khoán, bảo hiểm, quản lý công sản; thực hiện công khai, cập nhật kịp thời lên Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính theo quy định, đạt 895/895 thủ tục, đạt 100% kế hoạch.

Thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính, Bộ Tài chính đã vận hành mô hình tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa tại trụ sở cơ quan Bộ ổn định và hiệu quả. 

Lũy kế từ ngày 15/12/2020 đến hết ngày 30/6/2021, Bộ phận Một cửa của Bộ Tài chính đã tiếp nhận 656 hồ sơ thủ tục hành chính thuộc 05 lĩnh vực (bảo hiểm, kế toán – kiểm toán, tin học, giá, tài chính ngân hàng) và đã trả kết quả cho cá nhân, tổ chức 490 hồ sơ đảm bảo 100% đúng hạn; số hồ sơ đang giải quyết trong hạn là 166 hồ sơ, không có hồ sơ quá hạn.

Theo báo cáo tại Hội nghị trực tuyến ngày 24/6/2021 công bố Chỉ số cải cách hành chính năm 2020 (PAR index 2020) và Chỉ số hài lòng về sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước năm 2020 (SIPAS 2020), Bộ Tài chính tiếp tục giữ vị trí thứ 2/17 Bộ, cơ quan ngang bộ với 94,8/100 điểm, là năm thứ 7 liên tiếp nằm trong top 3 Bộ đứng đầu về xếp hạng chỉ số cải cách hành chính.

Bộ Tài chính cũng đã nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung 320 chế độ báo cáo định kỳ; đồng thời, tiếp tục cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Tài chính.

Đến nay, tổng số điều kiện kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Tài chính còn hiệu lực là 295 điều kiện thuộc 20 ngành, nghề kinh doanh theo quy định tại Phụ lục IV Luật Đầu tư.

Đẩy mạnh hiện đại hoá, cung cấp dịch vụ công trực tuyến

Cùng với cải cách thủ tục hành chính, để tạo thuận lợi hơn nữa cho người dân, doanh nghiệp, Bộ Tài chính đã mở rộng ứng dụng công nghệ thông tin, điện tử hóa trong lĩnh vực tài chính, thuế, hải quan. Trong lĩnh vực thuế, ngành Tài chính đã mở rộng phạm vi triển khai hệ thống thuế điện tử đối với các dịch vụ khai thuế điện tử, nộp thuế điện tử, hoàn thuế điện tử, hóa đơn điện tử...

Trong lĩnh vực hải quan, ngành Tài chính đã thực hiện thủ tục hải quan điện tử tại tất cả các đơn vị hải quan thông qua hệ thống VNACSS/VCIS; triển khai cổng thanh toán điện tử tại tất cả các Cục hải quan; triển khai hệ thống tiếp nhận, xử lý thông tin khai hàng hóa điện tử (e-Manifest) tại các cảng biển... Kết nối 13/14 bộ, ngành với 226 thủ tục hành chính được thực hiện qua Cơ chế một cửa quốc gia và trên 47,7 nghìn doanh nghiệp tham gia. Hải quan cũng đã triển khai trao đổi chứng nhận xuất xứ (C/O) điện tử mẫu D với các nước ASEAN qua Cơ chế một cửa ASEAN...

Bộ Tài chính luôn coi đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến là ưu tiên hàng đầu trong quá trình xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số để tạo điều kiện thuận lợi, tiết giảm chi phí hơn nữa cho người dân, doanh nghiệp nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội.

Đến nay, 100% thủ tục hành chính của Bộ Tài chính được cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Đến hết tháng 6/2021, tổng số thủ tục hành chính và dịch vụ công trực tuyến thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Tài chính là 895, trong đó đã thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4 cho 521 thủ tục, đạt tỷ lệ 58,2%. Số dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đã thực hiện là 440 thủ tục, đạt tỷ lệ 49,2%, tăng 12% so cùng kỳ năm 2020.

Bộ Tài chính cũng đã hoàn thành kết nối, tích hợp 285/521 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, đạt tỷ lệ 54,8%, vượt 20% so với yêu cầu của Chính phủ. Trong đó, Tổng cục Thuế kết nối 150 dịch vụ công trực tuyến, Tổng cục Hải quan kết nối 72 dịch vụ công trực tuyến, Kho bạc Nhà nước kết nối 7 dịch vụ công trực tuyến, Cơ quan Bộ Tài chính là 56 dịch vụ công trực tuyến.

Dịch vụ công trực tuyến của Bộ Tài chính cung cấp ngày càng nhiều tiện ích, giúp giảm thời gian, chi phí, đem lại sự hài lòng cho các tổ chức và cá nhân, doanh nghiệp khi tham gia giao dịch với cơ quan tài chính. Vì vậy, các dịch vụ công trực tuyến của Bộ Tài chính luôn được người dân, tổ chức, doanh nghiệp, đánh giá cao.

Những nỗ lực trong cải cách hành chính của Bộ Tài chính đã được ghi nhận khi nhiều năm liên tiếp, Bộ Tài chính thuộc Top đầu trong khối các bộ, ngành về cải cách hành chính. Theo báo cáo tại Hội nghị trực tuyến ngày 24/6/2021 công bố Chỉ số cải cách hành chính năm 2020 (PAR index 2020) và Chỉ số hài lòng về sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước năm 2020 (SIPAS 2020), Bộ Tài chính tiếp tục giữ vị trí thứ 2/17 Bộ, cơ quan ngang bộ với 94,8/100 điểm, là năm thứ 7 liên tiếp nằm trong top 3 Bộ đứng đầu về xếp hạng chỉ số cải cách hành chính.

Theo chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Minh Phong, Bộ Tài chính xứng đáng là đơn vị luôn đi đầu, giữ vững được "phong độ" trong quá trình ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách hành chính. Những kết quả này của Bộ Tài chính không những hỗ trợ người dân và doanh nghiệp giảm bớt thời gian, chi phí mà còn giúp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo sức hút với các nhà đầu tư nước ngoài.