Bộ Tài chính lấy ý kiến về Nghị định quy định về chống chuyển giá

PV.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết 19/2016/NQ-CP, Bộ Tài chính đã xây dựng và đang lấy ý kiến góp ý vào dự thảo Nghị định quy định về quản lý giá chuyển nhượng của các giao dịch liên kết, chống chuyển giá, chống thất thu ngân sách nhà nước.

Bộ Tài chính lấy ý kiến về Nghị định quy định về chống chuyển giá.
Bộ Tài chính lấy ý kiến về Nghị định quy định về chống chuyển giá.

Dự thảo Nghị định quy định đối tượng áp dụng, nguyên tắc phân tích so sánh, các phương pháp xác định giá giao dịch liên kết, nghĩa vụ của người nộp thuế trong kê khai, xác định giá giao dịch liên kết và trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong quản lý, kiểm tra, thanh tra đối với giá chuyển nhượng của các giao dịch liên kết.

Không công nhận các giao dịch liên kết có dấu hiệu chuyển giá

Theo đó, đối tượng quy định tại Nghị định gồm các tổ chức sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ là đối tượng nộp thuế của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp, nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo phương pháp kê khai, thực hiện các giao dịch kinh doanh với các bên liên kết; cơ quan thuế bao gồm Tổng cục Thuế và Cục Thuế các tỉnh, thành phố; cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến việc áp dụng quy định về quản lý giá chuyển nhượng trong quản lý thuế, bao gồm cả Cơ quan thuế quốc gia, vùng lãnh thổ có Hiệp định thuế đang còn hiệu lực với Việt Nam.

Các giao dịch liên kết thuộc phạm vi điều chỉnh Nghị định này bao gồm các giao dịch phát sinh trong các mối quan hệ thương mại, kinh tế, tài chính giữa các bên có quan hệ liên kết trong quá trình sản xuất, kinh doanh.

Theo đó, các giao dịch này bao gồm: mua, bán, trao đổi, thuê, cho thuê, chuyển giao, chuyển nhượng hàng hóa, dịch vụ (gồm dịch vụ nội bộ tập đoàn; dịch vụ tài chính như vay, cho vay, vay giáp lưng và các công cụ tài chính khác) và tài sản (tài sản hữu hình, tài sản vô hình) hoặc sử dụng chung nguồn lực (hợp tác khai thác sử dụng nhân lực; hợp lực tập đoàn) phát sinh giữa các bên có quan hệ liên kết (được gọi chung là giao dịch kinh doanh), trừ các giao dịch kinh doanh giữa người nộp thuế tại Việt Nam với các bên liên kết liên quan đến các sản phẩm thuộc diện điều chỉnh giá của Nhà nước được thực hiện theo quy định của pháp luật về giá tại Luật Giá. 

Dự thảo nêu rõ, khi  giao dịch thuộc phạm vi áp dụng Nghị định này, cơ quan thuế thực hiện quản lý, kiểm tra, thanh tra đối với giao dịch liên kết của người nộp thuế trên cơ sở nguyên tắc so sánh với các "giao dịch độc lập" tương đồng và nguyên tắc “bản chất quyết định hình thức” để không công nhận các giao dịch liên kết có dấu hiệu chuyển giá, gây thất thu cho ngân sách.

Trách nhiệm của các bộ, ngành trong quản lý giá chuyển nhượng

Dự thảo Nghị định quy định, các Bộ, ngành có liên quan trong phạm vi chức năng, quyền hạn của mình thực hiện cung cấp, trao đổi thông tin, hướng dẫn các quy định về quản lý phục vụ công tác quản lý giá chuyển nhượng.

Theo đó, Bộ Tài chính chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về giá chuyển nhượng của các bên có quan hệ liên kết theo quy định tại Nghị định này.

Đồng thời, chủ trì tổ chức thực hiện trao đổi thông tin với Cơ quan thuế các nước đối tác phục vụ công tác quản lý giá chuyển nhượng. Phối hợp với các Bộ, ngành liên quan có biện pháp kiểm tra, thanh tra đối với các doanh nghiệp có giao dịch liên kết đã kinh doanh thua lỗ liên tục 3 năm trở lên nhưng tiếp tục mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh.

Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm phối hợp cung cấp cho Bộ Tài chính thông tin về các giao dịch tiền tệ của doanh nghiệp có quan hệ liên kết với các đối tác nước ngoài trong trường hợp cơ quan thuế thực hiện thanh tra, kiểm tra có dấu hiệu chuyển giá để trốn, tránh thuế theo yêu cầu của cơ quan thuế (thông tin về chủ tài khoản, nội dung giao dịch của người nộp thuế và các tổ chức, cá nhân có liên quan đến người nộp thuế).

Bên cạnh đó, cung cấp số liệu về các khoản vay của doanh nghiệp Việt Nam với các công ty nước ngoài là các công ty có giao dịch liên kết và các công ty có liên quan theo đề nghị của cơ quan thuế bao gồm dữ liệu về giá trị khoản vay, hạn mức khoản vay, lãi suất, thời hạn trả lãi, trả gốc, thực tế giải ngân, lãi vay đã trả và các thông tin liên quan khác.  

Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp cung cấp, trao đổi các thông tin liên quan đối với các dự án đầu tư khi cơ quan thuế thực hiện thanh tra kiểm tra xác định có dấu hiệu sử dụng giá chuyển nhượng trong quan hệ liên kết để tránh thuế theo đề nghị của Cơ quan thuế.

Đồng thời, chủ trì xây dựng cơ sở dữ liệu về hệ thống phân ngành kinh tế quốc dân; quy định việc đăng ký ngành nghề kinh doanh của doanh nghiệp; cơ sở dữ liệu về cơ cấu vốn đầu tư tại thời điểm cấp phép và các thời điểm điều chỉnh, sửa đổi của các doanh nghiệp.

Theo Dự thảo, Bộ Khoa học và Công nghệ có trách nhiệm xây dựng quy định về chuyển giao công nghệ, tài sản sở hữu trí tuệ phục vụ công tác quản lý giá chuyển nhượng; xây dựng cơ sở dữ liệu liên quan đến các Hợp đồng chuyển giao công nghệ, chuyển giao thương hiệu, cấp quyền sử dụng thương hiệu, các hồ sơ đăng ký về quyền sở hữu trí tuệ, quyền sở hữu công nghiệp và các quyền liên quan đến tài sản vô hình.

Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng quy định về nền kinh tế kỹ thuật số, bao gồm cơ sở dữ liệu về các doanh nghiệp được cấp phép kinh doanh trong lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý. Phối hợp, trao đổi thông tin về giao dịch liên kết về kỹ thuật số theo đề nghị của Bộ Tài chính.

Bộ Công Thương chủ trì xây dựng cơ sở dữ liệu về hoạt động nhượng quyền thương mại, cơ sở dữ liệu về giá giao dịch của các hàng hóa trên các sàn giao dịch hàng hóa quốc tế; thực hiện cung cấp thông tin theo yêu cầu quản lý giá chuyển nhượng của Cơ quan thuế.

Dự thảo Nghị định cũng nêu rõ, Uỷ ban Nhân dân các tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư và các Sở, Ban, ngành liên quan thực hiện quy định về quản lý giá chuyển nhượng; xây dựng cơ sở dữ liệu thuộc lĩnh vực quản lý chuyên ngành phục vụ công tác quản lý giá chuyển nhượng.