Bộ Tài chính tập huấn các quy định hướng dẫn Luật Giá tại Bạc Liêu
Để đưa Luật Giá năm 2023 nhanh chóng đi vào cuộc sống, Bộ Tài chính vừa tổ chức Hội nghị phổ biến, tập huấn các quy định mới tại các văn bản hướng dẫn Luật này. Thứ trưởng Bộ Tài chính Lê Tấn Cận chủ trì Hội nghị.
Ngày 23/8, tại Bạc Liêu, Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị phổ biến, tập huấn các quy định mới tại các văn bản hướng dẫn Luật Giá.
Tại Hội nghị, ông Phạm Văn Bình - Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) đã giới thiệu những điểm mới của Luật Giá năm 2023 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật này.
Tiếp đó, Lãnh đạo một số phòng chuyên môn của Cục Quản lý giá trình bày chuyên đề về các điểm mới trong quy định về bình ổn giá, kê khai giá; phương pháp định giá hàng hóa, dịch vụ; định giá, hiệp thương giá…
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài chính Lê Tấn Cận cho biết, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tập trung chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật nói chung, trong đó có hệ thống pháp luật về giá, nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện.
Ngày 19/6/2023, Luật Giá số 16/2023/QH15 được Quốc hội khóa XV, Kỳ họp thứ 5 thông qua, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024. Luật Giá năm 2023 tạo khuôn khổ pháp lý thống nhất, đồng bộ để bảo đảm cho việc phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa theo đúng chủ trương của Đảng và Nhà nước.
Trong Luật đã giao Chính phủ, Bộ Tài chính quy định chi tiết một số nội dung để đảm bảo hoàn thiện đầy đủ hệ thống pháp luật về giá, tạo thuận lợi cho khâu tổ chức thực hiện.
Thời gian qua, Bộ Tài chính đã chủ trì tham mưu cho Chính phủ ban hành 3 nghị định, cũng như ban hành theo thẩm quyền 13 thông tư để quy định chi tiết Luật Giá.
Đến nay, hệ thống pháp luật về giá đã được hoàn thiện đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong triển khai công tác quản lý nhà nước về giá của các bộ, ngành, địa phương.
Các nhóm nội dung chính được sửa đổi, bổ sung hoàn thiện hoặc ban hành mới như: Quy định rõ và chi tiết về trình tự, thủ tục triển khai các biện pháp quản lý, điều tiết giá như bình ổn giá, định giá, kê khai giá, hiệp thương giá; trong đó thể hiện rõ quan điểm của Chính phủ trong tăng cường phân cấp, phân quyền theo đúng chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị.
Bên cạnh các nhóm nội dung trên, Luật Giá năm 2023 cũng quy định chi tiết về phương pháp định giá hàng hóa, dịch vụ thuộc phạm vi định giá của nhà nước; công tác tổng hợp, phân tích, dự báo gắn với xây dựng cơ sở dữ liệu về giá được tăng cường, nhất là cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương và cơ quan liên quan.
Ngoài ra, quy định chi tiết về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giá gắn với trình tự, thủ tục triển khai kiểm tra chấp hành pháp luật về giá; quy định đầy đủ về việc triển khai các quy định về thẩm định giá tại Luật, gắn với hoàn thiện các quy định về chuyên môn, nghiệp vụ tại các Chuẩn mực thẩm định giá hướng đến phát triển bền vững ngành nghề thẩm định giá; sửa đổi, bãi bỏ nhiều nội dung không còn phù hợp tại các nghị định có liên quan nhằm đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật.
Để đảm bảo các nội dung của Luật cũng như các văn bản quy định chi tiết Luật được triển khai thực hiện có hiệu quả, Bộ Tài chính cũng đã có Văn bản 8379/BTC-QLG gửi các bộ, ngành, địa phương về việc triển khai các quy định mới về giá. Đồng thời, tổ chức các hội nghị phổ biến, tập huấn, nhằm đảm bảo luật đi vào cuộc sống kịp thời, hiệu quả...
Những trao đổi, tham luận của đại biểu sẽ làm rõ hơn việc tổ chức thực hiện các quy định tại Luật Giá và các văn bản quy định chi tiết, tạo thuận lợi cho việc áp dụng pháp luật thống nhất, đồng bộ.
Trước đó, ngày 21/8, Bộ Tài chính cũng đã tổ chức Hội nghị phổ biến, tập huấn các quy định mới về thẩm định giá tại TP. Hồ Chí Minh.