Bộ Tài chính tập trung hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật lĩnh vực bảo hiểm
Thời gian qua, Bộ Tài chính đã tập trung xây dựng và hoàn thiện nhiều văn bản pháp luật quan trọng trong lĩnh vực bảo hiểm, từng bước tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho sự phát triển lành mạnh và bền vững của thị trường bảo hiểm, đáp ứng các cam kết song phương, đa phương về hội nhập quốc tế.
Thời gian qua, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 46/2023/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm. Theo đó, Nghị định quy định rõ điều kiện về tài chính để được cấp Giấy phép thành lập và hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam.
Hiện nay, Bộ Tài chính đang xây dựng, trình Chính phủ dự thảo Nghị định quy định về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm trong hoạt động đầu tư xây dựng (Tờ trình số 92/TTr-BTC ngày 23/5/2023 trình Chính phủ về dự thảo Nghị định); dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung các Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm (đang xin ý kiến các bộ, ngành, cơ quan liên quan)...
Trước đó, trên cơ sở đề xuất của Bộ Tài chính, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 07/QĐ-TTg ngày 5/1/2023 về việc phê duyệt Chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm Việt Nam đến năm 2030. Triển khai nhiệm vụ được giao, Bộ Tài chính cũng đã ban hành Quyết định số 808/QĐ-BTC ngày 17/4/2023 về Chương trình hành động của Bộ Tài chính triển khai thực hiện Chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm Việt Nam đến năm 2030.
Ngoài ra, Bộ Tài chính tiếp tục rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng cường năng lực quản trị doanh nghiệp, đảm bảo minh bạch và an toàn tài chính, đảm bảo thúc đẩy thị trường phát triển lành mạnh, bền vững và ổn định; Tăng cường quản lý, giám sát chặt chẽ doanh nghiệp bảo hiểm và đôn đốc thực hiện các giải pháp tái cấu trúc nhằm nâng cao năng lực tài chính và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.
Trước đó, ngày 5/5/2023, Bộ Tài chính đã ban hành Nghị định số 21/2023/NĐ-CP ngày 5/5/2023 quy định về bảo hiểm vi mô hướng tới các cá nhân, hộ gia đình có thu nhập thấp nhằm bảo vệ họ trước những rủi ro về tính mạng, sức khỏe và tài sản, quy định về tiền và phí bảo hiểm tối đa của sản phẩm bảo hiểm vi mô.
Về thị trường bảo hiểm, hiện có 81 doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm. Tổng doanh thu phí bảo hiểm quý II/2023 ước đạt 61,3 nghìn tỷ đồng, giảm 3,12% so với cùng kỳ năm 2022. Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, tổng doanh thu phí bảo hiểm ước đạt 117 nghìn tỷ đồng, giảm 1,62% so với cùng kỳ năm 2022.
Doanh thu phí lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 35,6 nghìn tỷ đồng, tăng 3,3% so với cùng kỳ năm 2022. Lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ ước đạt 81,4 nghìn tỷ đồng, giảm 3,6% so với cùng kỳ năm 2022. Chi trả quyền lợi bảo hiểm ước đạt 35,3 nghìn tỷ đồng, tăng 23,8% so với cùng kỳ năm 2022.
Tổng số tiền đầu tư trở lại nền kinh tế ước đạt 725,4 tỷ đồng, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm 2022. Tổng tài sản thị trường bảo hiểm ước đạt 869,5 tỷ đồng, tăng 12,2% so với cùng kỳ năm 2022. Tổng dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm tăng 16,5% so với cùng kỳ năm 2022.