Giải pháp tăng "chất" cho thị trường bảo hiểm
Để vực dậy, thị trường bảo hiểm không chỉ dựa vào sự điều hành các cơ quan quản lý mà còn cần sự hợp tác của các doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ.
Nâng cao chất lượng đại lý, đội ngũ nhân viên
Mặc dù phải đối diện với nhiều thách thức - đặt biệt là vấn đề niềm tin của khách hàng, ở một góc độ tích cực, đây cũng là cơ hội để toàn ngành Bảo hiểm nhìn lại và cải thiện quy trình, hệ thống phân phối, phục vụ khách hàng tốt hơn. Giai đoạn khó khăn này cũng là một đợt thanh lọc tốt để thị trường chấn chỉnh, hoàn thiện, phát triển minh bạch và bền vững để chứng minh vai trò, lợi ích cũng như nâng cao tín nhiệm của Ngành trong thời gian tới.
Theo khảo sát của Vietnam Report, các chiến lược nâng cao chất lượng đội ngũ tư vấn viên/đại lý/nhân viên ngân hàng bán bảo hiểm đã được các DN ưu tiên đẩy lên vị trí thứ nhất với mức tăng mạnh (từ 39,7% lên 84,8%). Các DN hiện nay đang đẩy mạnh việc tổ chức các chương trình đào tạo bám sát yêu cầu công việc, phát triển năng lực, trẻ hóa đội ngũ tư vấn viên và áp dụng những quy trình chặt chẽ để chọn người phù hợp.
Ngoài đội ngũ nhân viên tư vấn, DN cũng cần đưa ra các biện pháp để kiểm soát chất lượng nhân viên tư vấn ở cả kênh bancassurance – những người đang mang về nguồn thu lớn. Theo Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, trong năm 2022 có 995.400 hợp đồng bảo hiểm nhân thọ được phân phối qua kênh bancassurance, chiếm 46% doanh số khai thác mới.
Kết quả khảo sát của Vietnam Report cho thấy, có 54,5% DN cam kết sẽ đưa ra các quy định xử phạt nghiêm khắc nếu nhân viên vi phạm nhiều lần và 45,5% DN đưa ra những điều khoản thỏa thuận khi ký kết hợp tác phân phối bảo hiểm qua các ngân hàng.
Ngoài ra, khi sự cạnh tranh trong Ngành ngày càng gia tăng như hiện nay, điều khác biệt để tạo nên thành công nằm ở sự đồng lòng, gắn kết của toàn thể đội ngũ nhân sự DN.
Cũng theo khảo sát DN của Vietnam Report, có 81,8% DN cho rằng, xây dựng văn hóa DN giúp nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN. Hiểu được tầm quan trọng của văn hóa DN, các DNBH đang nỗ lực đổi mới chiến lược nhân sự của mình.
Trước đây, đội ngũ nhân sự đa dạng về lứa tuổi, nghề nghiệp, trình độ, nhưng hiện nay DNBH tập trung tuyển dụng nhân sự trẻ tuổi là sinh viên mới tốt nghiệp chuyên ngành về bảo hiểm, tài chính. Để thu hút và giữ chân nhân lực, 90,6% DN sẽ tạo cơ hội đào tạo và phát triển và 81,9% DN sẽ đưa ra các chính sách đãi ngộ tốt.
Để chung tay cùng cộng đồng DN tạo dựng lại niềm tin với khách hàng, ngày 1/7/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 46/2023/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, theo đó có quy định nghiêm ngặt hơn về đội ngũ nhân viên tư vấn tại các ngân hàng.
Chẳng hạn, quy định mới yêu cầu người phụ trách bộ phận bảo hiểm cần có bằng đại học chuyên ngành, chứng chỉ chuyên môn cần có; Trong một chi nhánh phải có tối thiểu 3 nhân viên được đào tạo và có chứng chỉ đại lý bảo hiểm phù hợp với loại hình bảo hiểm mà tổ chức tín dụng làm đại lý...
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ
Trong bối cảnh mức độ số hóa ngày càng cao, công nghệ bảo hiểm (Insurtech) nổi lên như một lĩnh vực tiềm năng và có sức tăng trưởng tốt. Ông Ngô Trung Dũng - Phó Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, cho rằng, trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp 4.0, công nghệ đã hiện diện trong mọi lĩnh vực của chuỗi giá trị bảo hiểm, từ khâu nghiên cứu thị trường, tìm hiểu nhu cầu khách hàng đến thiết kế sản phẩm, bán sản phẩm rồi quản lý hợp đồng bảo hiểm và thẩm định.
Việc tăng cường áp dụng công nghệ trí thông minh nhân tạo (AI) hay sử dụng những thông số trên IoT giúp DN xác định rõ được tập khách hàng tiềm năng và có nhu cầu mua sản phẩm. Ngoài ra, ứng dụng công nghệ còn giúp các DN tiết kiệm thêm thời gian, nâng cao hiệu quả, năng suất lao động, tạo thiện cảm hơn với khách hàng khi nhân viên tư vấn chỉ tập trung chăm sóc khách hàng có nhu cầu mua bảo hiểm.
Thêm vào đó, việc sử dụng công nghệ để nắm bắt được các dữ liệu về khách hàng như thói quen sinh hoạt, tiền sử bệnh án có thể giúp DNBH điều chỉnh gói bảo hiểm sức khỏe với mức phí phù hợp dựa trên thể trạng và mức độ vận động của người dùng.
Khi mức độ ứng dụng công nghệ của DN tăng cao, dữ liệu lưu trữ lớn sẽ là lúc rủi ro an ninh mạng, rò rỉ dữ liệu gia tăng. Trong khi đó, giao dịch an toàn, bảo mật dữ liệu được khách hàng đánh giá là một trong các yếu tố quan trọng khi lựa chọn DN cung cấp sản phẩm bảo hiểm.
Kết quả khảo sát người tiêu dùng của Vietnam Report cho thấy, 62,4% khách hàng không muốn thông tin cá nhân của mình bị sử dụng, bất kể dịch vụ được cung cấp hữu ích như thế nào. Do vậy, 87,5% DNBH tham gia khảo sát cho biết dự kiến sẽ tăng ngân sách dành cho chương trình bảo mật và an ninh mạng, trong đó 71,4% số DNBH lên kế hoạch tăng trên 6%.
Để đảm bảo tính bảo mật và an ninh mạng, 90,7% DNBH dự kiến tập trung tăng cường nguồn nhân lực vào quản trị, rủi ro và tuân thủ. Ngoài ra, các DN còn tập trung gia tăng nguồn lực để tạo ra thêm giải pháp công nghệ an ninh mạng cũng như tập trung vào chiến lược và phối hợp với các nhóm kỹ thuật/công nghệ vận hành (OT).
Các DNBH kỳ vọng việc đẩy mạnh áp dụng Insurtech có thể nâng cao trải nghiệm của khách hàng đồng thời cũng đảm bảo tính bảo mật thông tin cá nhân của khách hàng.