Bộ Tài chính tích hợp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 lên Cổng dịch vụ công quốc gia
Chiều 9/12, tại Hà Nội, thực hiện nghi thức khai trương Cổng Dịch vụ công Quốc gia (DVCQG), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, tuyệt đối không để tâm lý, tình trạng các ngành, các cấp thấy có Cổng DVCQG rồi thì lơi lỏng việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến của mình, ngược lại cần đẩy mạnh hơn nữa…
Theo đó, Cổng DVCQG chính thức được khai trương, trở thành công cụ quan trọng, hỗ trợ đắc lực cho quá trình đẩy mạnh phát triển Chính phủ điện tử của Việt Nam, hướng tới phục vụ tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp, thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội đất nước.
Tại thời điểm khai trương, Cổng DVCQG cung cấp các dịch vụ công thực hiện tại 63 tỉnh, thành phố: Đổi giấy phép lái xe; thông báo hoạt động khuyến mại; cấp lại thẻ bảo hiểm y tế do mất, hỏng; dịch vụ cấp điện hạ áp; dịch vụ cấp điện trung áp và tích hợp tiện ích thanh toán tiền điện. Cổng DVCQG cung cấp 4 dịch vụ công thực hiện tại cấp Bộ: Cấp giấy phép lái xe quốc tế; đăng ký khuyến mãi; nhóm dịch vụ về cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa; nộp thuế điện tử đối với doanh nghiệp.
Trong quý I/2020, các bộ, ngành, địa phương sẽ tích hợp lên Cổng DVCQG 15 dịch vụ công thuộc các lĩnh vực thuế cá nhân, hải quan, đăng ký kinh doanh, y tế, lao động, khai sinh, giao dịch bảo đảm, lý lịch tư pháp, thu phạt vi phạm giao thông đường bộ…
Cổng DVCQG cho phép giấy tờ, thông tin tổ chức, cá nhân đã cung cấp một lần thành công khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến được tái sử dụng khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến lần sau và kết quả giải quyết thủ tục hành chính được công nhận tính pháp lý trên toàn hệ thống. Việc cung cấp dịch vụ công không còn phụ thuộc vào thời gian, địa giới hành chính.
Cổng DVCQG được xây dựng là một hệ thống thống nhất, truy cập tại một địa chỉ duy nhất giúp tạo thuận lợi, tiết kiệm thời gian, chi phí trong quá trình chuẩn bị và xử lý hồ sơ, giấy tờ của cá nhân, tổ chức mà các Cổng dịch vụ công của các bộ, tỉnh, thành phố khó thực hiện được. Đây là địa chỉ cung cấp các thông tin về thủ tục hành chính, dịch vụ công đầy đủ, tin cậy, chính xác, được đảm bảo thi hành của Chính phủ.
Việc nâng cấp Cổng Dịch vụ công và hệ thống thông tin một cửa điện tử Bộ Tài chính cũng nhằm thiết lập hệ thống thông tin điện tử một cửa kết nối giữa các cấp chính quyền nâng cao chất lượng phục vụ, kiểm soát chặt chẽ việc giải quyết thủ tục hành chính cho cá nhân, tổ chức.
Là một trong những bộ, ngành, địa phương đầu tiên đã kết nối, tích hợp với Cổng DVCQG, ông Nguyễn Đại Trí – Cục trưởng Cục Tin học và Thống kê tài chính (Bộ Tài chính) cho biết, Cổng DVCQG được xây dựng giúp giảm thời gian, chi phí thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công thông qua việc cắt giảm các thủ tục, trình tự kiểm tra, xác nhận đối với các thông tin được truy xuất từ các cơ sở dữ liệu chuyên ngành đã được tích hợp như đăng ký kinh doanh, thuế, bảo hiểm.
Hiện nay, Bộ Tài chính đang phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Chính phủ thực hiện tích hợp một số dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 có số lượng hồ sơ phát sinh lớn và thiết yếu với tổ chức, doanh nghiệp và người dân lên Cổng DVCQG. Đồng thời Bộ Tài chính sẽ rà soát, tiếp tục mở rộng danh sách các dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 tích hợp lên Cổng DVCQG.
Để phục vụ cho việc tích hợp với Cổng DVCQG và đáp ứng các yêu cầu của Chính phủ quy định tại Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23/4/2018 về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính, Bộ Tài chính đang thực hiện nâng cấp Cổng Dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử Bộ Tài chính nhằm bảo đảm sự gắn kết chặt chẽ, đồng bộ giữa kiểm soát thủ tục hành chính với xây dựng Chính phủ điện tử.
Bên cạnh đó, việc làm này còn nhằm tăng cường tính công khai minh bạch và trách nhiệm giải trình của cán bộ, công chức, viên chức; tăng tính liên thông, kết nối, chia sẻ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính; tăng số lượng thủ tục hành chính được hướng dẫn, tiếp nhận, giám sát, trả kết quả.
Ông Nguyễn Đại Trí cho rằng việc xây dựng và khai trương Cổng DVCQG là bước đi cụ thể, khẳng định quyết tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc triển khai Chính phủ điện tử và hướng tới xây dựng Chính phủ số, đồng thời là minh chứng rõ nét nhằm hiện thực hóa chủ trương xây dựng Chính phủ kiến tạo, phát triển, liêm chính, hành động quyết liệt, phục vụ nhân dân.