Bộ Tài chính: Tiếp tục hoàn thiện hệ thống phí và lệ phí
(Tài chính) Pháp lệnh phí và lệ phí được Ủy ban thường vụ Quốc hội thông qua ngày 28/8/2001, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2002. Qua 12 năm triển khai thực hiện Pháp lệnh phí và lệ phí đã đạt được một số kết quả nhất định nhưng cũng còn một số tồn tại, vướng mắc. Để tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về phí và lệ phí, Bộ Tài chính đã ra Báo cáo Đánh giá tình hình thực hiện Pháp lệnh Phí và lệ phí và định hướng hoàn thiện.
Những kết quả đạt được
Báo cáo đã nêu bật những thành tựu đạt được trong việc thực hiện Pháp lệnh phí và lệ phí trên tất cả các mặt như hệ thống văn bản pháp luật, góp phần vào việc thực hiện thu ngân sách nhà nước (NSNN),…
Theo đó, việc triển khai thi hành pháp luật về phí, lệ phí về cơ bản đã đảm bảo thực hiện đúng quy trình, đúng thẩm quyền và tổ chức thực hiện nghiêm túc, cụ thể:
Thứ nhất, hệ thống văn bản được ban hành kịp thời, đồng bộ theo đúng thẩm quyền quy định. Bộ Tài chính đã phối hợp với các Bộ, ngành nghiên cứu trình Chính phủ ban hành và ban hành theo thẩm quyền khoảng trên 200 văn bản quy định các 1 khoản phí, lệ phí cụ thể dưới hình thức là Nghị định của Chính phủ, Quyết định 1 Thông tư của Bộ Tài chính hoặc Thông tư liên tịch giữa Bộ Tài chính với các Bộ.
Đây được đánh giá là căn cứ quan trọng để các địa phương có quyền chủ động trong việc quyết định và tổ chức thực hiện các loại phí, lệ phí theo phân cấp.
Thứ hai, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về phí, lệ phí được ban hành đã tạo ra khung pháp lý rõ ràng, góp phần lập lại trật tự kỷ cương trong việc ban hành, tổ chức thu nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí.
Bộ Tài chính đã phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương rà soát, bãi bỏ trên 340 khoản phí, lệ phí trước đây ban hành không đúng quy định và kịp thời ban hành các văn bản quy định về phí, lệ phí theo thẩm quyền, bảo đảm đúng quy định trong Danh mục, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội.
Đồng thời, để khắc phục tình trạng chậm bãi bỏ các khoản phí, lệ phí không đúng quy định hoặc ban hành không đúng Danh mục phí, lệ phí ở một số địa phương, Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 24/2007/CT-TTg ngày 01/11/2007 về việc tăng cường chấn chỉnh việc thực hiện các quy định của pháp luật về phí, lệ phí, chính sách huy động và sử dụng các khoản đóng góp của nhân dân. Theo đó, yêu cầu các địa phương rà soát tình hình chấp hành pháp luật về phí, lệ phí, đảm bảo thực hiện theo đúng quy định của Pháp lệnh; bãi bỏ ngay những khoản thu phí, lệ phí không có tên trong Danh mục ban hành kèm theo Nghị định số 24/2006/NĐ-CP của Chính phủ.
Nhờ đó, các địa phương đã có sự thay đổi cơ bản về nhận thức đối với việc quy định về phí, lệ phí. Công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về phí, lệ phí của các địa phương về cơ bản được thực hiện nghiêm túc đúng quy định, đúng thấm quyền.
Thứ ba, Hệ thống văn bản pháp luật phí và lệ phí được ban hành đã góp phần cải cách thủ tục hành chính, giảm chi phí đầu vào của sản xuất kinh doanh và phục vụ tốt quá trình hội nhập kinh tế thế giới.
Bên cạnh đó, việc thực hiện thu NSNN từ phí, lệ phí và tình hình quản lý, sử dụng các khoản phí, lệ phí trong thời gian qua cũng đạt nhiều thành tựu với tổng số thu NSNN từ phí, lệ phí năm 2013 là 31.271 tỷ đồng.
Nhờ sự chỉ đạo sát sao của Bộ Tài chính mà các cơ quan, đơn vị đã thực hiện đúng quy định về thu, nộp, sử dụng đúng mục đích, hiệu quả số thu phí, lệ phí; việc thu, nộp và quản lý sử dụng phí, lệ phí được thực hiện công khai minh bạch; cơ chế quản lý phí, lệ phí được đổi mới theo hướng gắn liền với thực hiện xã hội hóa, tạo cơ chế chủ động, tự chủ cho các đơn vị quản lý thu, nộp và sử dụng phí, lệ phí.
Khắc phục những tồn tại, vướng mắc
Bên cạnh những thành tựu đạt được, việc thực hiện Pháp lệnh cũng này sinh một số tồn tại, vướng mắc như: sự chưa thống nhất về thẩm quyền quyết định; vấn đề về danh mục phí, lệ phí; cơ chế quản lý, sử dụng tiền phí, lệ phí;…
Do vậy, để khắc phục những hạn chế tồn tại cũng như phát huy những kết quả đạt được, Bộ Tài chính đã nghiên cứu, đề xuất sửa đổi bổ sung Pháp lệnh Phí và lệ phí về cả danh mục, thẩm quyền quy định và cơ chế quản lý, sử dụng tiền phí thu được, cụ thể:
Về Danh mục phí, lệ phí
Thứ nhất, bổ sung vào Danh mục phí, lệ phí một số loại phí, lệ phí đang được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật khác nhằm bảo đảm tính thống nhất theo quy định của pháp luật phí và lệ phí (như phí công chứng, phí nhượng quyên khai thác hàng không được quy định ờ các Luật chuyên ngành...)
Thứ hai, rà soát các khoản phí, lệ phí để sửa đổi, bổ sung theo hướng:
Đối với các lĩnh vực hoạt động không thực hiện xã hội hóa, do Nhà nước thực hiện (ví dụ như phí thuộc các lĩnh vực thông tin, Liên lạc, lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội, lĩnh vực khoa học, công nghệ và môi trường...) thì tiếp tục giữ trong Danh mục như quy định hiện hanh;
Đối với một số dịch vụ không do Nhà nước đầu tư và các tổ chức, cá nhân có khả năng đảm nhận thực hiện hoạt động dịch vụ, thì xem xét để quy đinh theo hướng chuyển sang áp dụng cơ chế giá dịch vụ, thay cho quy định thu phí như hiên hành/hoặc áp dụng cơ chế đặt hàng của Nhà nước, cụ thể như: Phí trông giữ xe đạp, xe máy, ô tô; Phí sử dụng cầu, bến, phao neo; Phí hoa tiêu hàng hải; Phí qua đò; Phí chợ; Phí bến bãi; Phí vệ sinh;...
Xem xét đưa ra khỏi Danh mục một số khoản phí mà trong thực tế theo các văn bản khác là giá dịch vụ hoặc quy định không thu như: Phí kiểm định, thử nghiệm chất lượng hàng hóa, phí kiểm định phương tiện đo lường; Phí đấu thầu; Phí giám định tư pháp; Viện phí; Phí xây dựng,...
Về thẩm quyền quy định các loại phí, lệ phí
Thứ nhất, nghiên cứu bổ sung thêm các cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản quy định về mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng đối với các khoản phí, lệ phí cụ thể cho đồng bộ với pháp luật chuyên ngành và phù hợp với thực tế (Ví dụ như Bộ Giáo dục & Đào tạo hoặc Cơ sở giáo dục dân lập, tư thục như Luật Giáo dục đã quy định...).
Thứ hai, nghiên cứu tăng cường phân cấp mạnh hơn nữa về thẩm quyền cho địa phương quyết định đối với các khoản thu phí, lệ phí, cụ thể:
Giao cho địa phương quyết định miễn, giảm phí, lệ phí đổi với các loại phí, lệ phí thuộc thẩm quyền địa phương;
Có quyền bãi bỏ, đinh chỉ thi hành các khoản phí, lệ phí thuộc thâm quyền của địa phương.
Về cơ chế quản lý, sử dụng tiền phí thu được
Thứ nhất, nộp toàn bộ vào NSNN các khoản phí thu được từ hoạt động dịch vụ do cơ quan nhà nước thực hiện, trường hợp cơ quan nhà nước được khoán chi phí hoạt động thì được khấu trừ; các khoản phí thu từ các hoạt động dịch vụ do đom vị sự nghiệp công lập và doanh nghiệp nhà nước thực hiện thì nộp một phân vào NSNN theo quy định của pháp luật.
Thứ hai, các khoản phí thu từ các dịch vụ không do Nhà nước đầu tư hoặc đầu tư nhưng đã chuyển giao cho tổ chức, cá nhân thực hiện theo nguyên tắc hạch toán, tự chủ tài chính là phí không thuộc NSNN và hạch toán vào doanh thu hoặc chuyển sang cơ chế giá dịch vụ.
Bên cạnh đó, sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về phí, lệ phí theo hướng đẩy mạnh hơn nữa việc phân cấp quy định về phí, lệ phí cho HĐND cấp tỉnh, phát huy quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương.